Bị siết nhân sự biệt phái, Phòng giáo dục tìm đủ cách xoay sở (2)

Ngoài việc kiêm nhiệm thêm một số đầu việc thì phòng Giáo dục còn trưng tập các Hiệu phó, giáo viên ở các trường để thành lập 'tổ công tác đặc biệt'.

Bài 1

Công văn số 2578/SNV-XDCQ ngày 14/9/2017 của sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng đã “cắt” hơn 70% số lượng giáo viên biệt phái của các phòng giáo dục.

Để “tiêu hóa” hết số lượng công việc được giao, các phòng đã tìm đủ mọi cách xoay sở.

Tổ công tác đặc biệt

Đầu năm học 2018-2019, do thiếu nhân lực trầm trọng để quản lý chuyên môn nên ông Nguyễn Lâm – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn đã nghĩ ra phương án thành lập tổ công tác đặc biệt.

Giáo viên biệt phái về các phòng giáo dục sẽ bị cắt nhiều chế độ hỗ trợ. (trong ảnh: giáo viên Đà Nẵng tham dự hội thảo về chương trình giáo dục phổ thông mới).

Nó được xem như một “cánh tay nối dài” của Phòng về tận các trường học để điều hành và truyền đạt các chính sách liên quan đến giáo dục.

“Sau khi Phòng trả tất cả giáo viên biệt phái về các trường rồi thì công việc của phòng Giáo dục rất khó khăn.

Ví dụ như bộ phận chuyên môn của Tiểu học và Trung học cơ sở không bố trí được người theo dõi, quản lý. Bộ phận mầm non có một cô phụ trách thì sang năm cô này về hưu nên rất khó trong việc điều hành.

Với số lượng 7 người mà quản lý gần 1.000 giáo viên (không kể tư thục) và trên 12.000 học sinh thì phải tìm ra một phương án hợp lý để thích nghi”.

Trên cơ sở đó, thầy Lâm đã cho thành lập các tổ công tác đặc biệt, có thể điều động trong một số trường hợp cần thiết của phòng.

Điển hình như khối phụ trách Trung học cơ sở thì sẽ thành lập tổ chuyên môn với nhiều cán bộ giáo viên cốt cán. Mỗi tổ có 5 thành viên bao gồm: 1 tổ trưởng, 1 tổ phó, 1 thư ký và 2 thành viên.

Quá trình hoạt động của tổ sẽ chịu sự điều hành của một Phó phòng giáo dục phụ trách.

“Khi Sở hoặc Bộ giáo dục tổ chức các chuyên đề về đổi mới sách giáo khoa, chương trình phổ thông, nâng cao kỹ năng mềm… thì tổ này sẽ được điều động.

Các thành viên trong tổ trực tiếp tiếp thu các chính sách của Sở, Bộ, sau đó về triển khai cho các giáo viên cùng cấp.

Hoặc mỗi lần có kế hoạch kiểm tra cơ sở hay thi giáo viên dạy giỏi thì tổ này được điều động theo yêu cầu của lãnh đạo phòng đề ra”.

Ông Lâm cho biết thêm, thành viên của tổ công tác đặc biệt này được “tuyển chọn” từ những cán bộ quản lý có năng lực, có uy tín, được cơ cấu là những giáo viên giỏi, có trình độ chuyên môn, có uy tín trong đội ngũ từ các trường trực thuộc của phòng.

Họ có thể là Hiệu trưởng, Hiệu phó và cũng có thể là giáo viên dạy giỏi...

“Hiện phòng Giáo dục không có kinh phí để chi cho tổ công tác đặc biệt này nhưng họ vẫn có những chế độ đãi ngộ riêng.

Ví dụ, nếu ngày đó tổ được điều động đi làm thì Hiệu trưởng điều giáo viên dạy thay và vẫn giữ nguyên chế độ lương, tiết dạy của giáo viên được trưng dụng.

Tuy nhiên, phần lớn giáo viên của tổ là người có thâm niên giảng dạy nên mức lương cũng như các khoản trợ cấp khác cũng đảm bảo”, ông Lâm nói.

Hiện bậc mầm non có 1 tổ chuyên môn gồm 5 thành viên, bậc Tiểu học thì có các tổ như: tổ tự nhiên, xã hội, tin học, mỹ thuật... Bậc Trung học cơ sở thì những môn chính đều thành lập các tổ công tác đặc biệt.

Theo ông Lâm thì việc thành lập các tổ này cũng là giải pháp tạm thời vì ở phòng Giáo dục đâu còn nhân sự để làm chuyên môn.

“Từ quá trình kiểm tra, mình thấy hụt hẫng, thiếu nhân sự trầm trọng. Mình phải nghĩ ra cách để “tiêu hóa” của chủ trương, chính sách từ Bộ, Sở, quận về... nên không còn cách nào khác là thành lập các tổ công tác này”, ông Lâm chia sẻ thêm.

Biệt phái bán thời gian

Còn tại phòng Giáo dục quận Hải Châu, bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng Giáo dục cho hay, hiện có 4 giáo viên biệt phái nhưng không dám làm quyết định biệt phái chính thức.

Bởi có quyết định biệt phái thì theo công văn của Sở, những người này sẽ không được hưởng các chế độ trợ cấp của giáo viên.

Do đó, việc trưng dụng này chỉ "hiểu ngầm" với nhau như vậy chứ không có văn bản chính thức.

“Theo công văn của Sở, những ai cử đi biệt phái sau năm 2015 thì không được hưởng các chế độ của giáo viên đứng lớp.

Thực sự giờ không còn gọi là biệt phái hay trưng tập nữa mà chỉ là xem như là hỗ trợ công tác giúp cho phòng Giáo dục.

Tức là họ vẫn giảng dạy đầy đủ ở trường và khi nào có việc thì đến. Mình cũng có thỏa thuận với trường. Ví dụ như nếu giáo viên có tiết buổi sáng thì buổi chiều có thể lên phòng để hỗ trợ thêm”, bà Hà nói.

Ông Nguyễn Lâm cho biết thêm, theo quy định của Luật viên chức, mỗi giáo viên được biệt phái không quá 3 năm.

Nên ngoài việc thành lập các tổ công tác đặc biệt thì giải pháp tình thế mà phòng Giáo dục quận Ngũ Hành Sơn đang áp dụng là phân công các phó phòng làm công tác chuyên môn.

Tấn Tài

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bi-siet-nhan-su-biet-phai-phong-giao-duc-tim-du-cach-xoay-so-2-post192808.gd