Bị sát hại, đánh đập, phụ nữ Nga phải tự bảo vệ trước bạo lực gia đình

Từng trình báo về việc bị chồng giết hụt nhưng được khuyên rút đơn, Alyona đã bị người đàn ông của mình dùng dao đâm trong đêm. Thi thể cô được phát hiện bởi cậu con trai.

Zing.vn trích dịch bài viết trên BBC về vấn nạn bạo lực gia đình tại Nga và câu chuyện về những người phụ nữ nước này đấu tranh đòi quyền được bảo vệ khỏi sự bạo hành của nam giới trong gia đình.

Margarita Gracheva một mình đưa hai cậu con trai nhỏ đến sân chơi khi trời đã ngả chiều. Những đứa con của cô chạy ào lên xích đu và nô đùa vui vẻ.

“Tôi thấy chúng tự lập hơn nhiều so với lứa tuổi. Mấy đứa con biết tôi không thể giúp chúng thắt dây giày nên đã tự học để tự làm”, cô nói và nhìn vào đôi tay không còn lành lặn của mình.

Buổi sáng 11/12/2017, chồng cô, Dmitri, đề nghị chở vợ đến chỗ làm. Nhưng chiếc xe của anh ta không đi đúng đường mà hướng theo chiều ngược lại về phía khu rừng.

Đỗ chiếc ôtô cạnh bìa rừng, hắn lôi vợ ra khỏi ghế ngồi và hung hãn dùng rìu chặt cả hai tay cô.

Dmitri thản nhiên chở vợ vào khoa cấp cứu của bệnh viện địa phương Serpukhov (phía nam Moscow) rồi lái xe đến đồn cảnh sát và thú nhận tội ác của mình.

Margarita bị chồng chặt hai bàn tay vì ghen tuông.

Margarita bị chồng chặt hai bàn tay vì ghen tuông.

Câu chuyện của Margarita chỉ là đại diện cho rất nhiều trường hợp khi phụ nữ Nga rơi vào tình trạng bạo hành gia đình - vấn nạn nhức nhối đang diễn ra ở đất nước này suốt nhiều năm qua.

Trong khi chính phủ chưa thực sự đưa ra những điều luật cụ thể để giúp những nạn nhân bị lạm dụng, bạo hành bởi chồng, bạn trai, phụ nữ nước này vẫn ngày ngày đấu tranh, nêu cao khẩu hiệu đòi quyền bình đẳng và được bảo vệ.

Đẩy vợ vào bi kịch vì ghen tuông

Margarita lần đầu gặp chồng ở trường trung học rồi hẹn hò sau khi lên đại học. Ban đầu, cô cảm thấy cuộc tình của mình thực sự hạnh phúc. Cô không để tâm việc đối phương dễ dàng nổi điên lên vì những chuyện nhỏ nhặt, thậm chí có lần anh ta đe dọa sẽ giết cô nếu cô không chung thủy.

Mối quan hệ của họ gặp nhiều lục đục hơn khi Margarita bắt đầu làm việc tại bộ phận quảng cáo của tờ báo Serpukhov.

Trong khi đó, mặc dù có bằng cấp, Dmitri chỉ có thể tìm được công việc lái xe bình thường.

Margarita không ngờ mái ấm hạnh phúc của mình đổ vỡ vì sự ghen tuông và bạo lực của người chồng cô quen từ thời đi học.

Nhìn sự nghiệp của vợ phát triển hơn mình, ghen tị với các đồng nghiệp nam, anh ngày càng trở nên lạnh lùng, cáu bẳn.

Quá mệt mỏi, Margarita đề cập đến chuyện đường ai nấy đi nhưng bị phớt lờ. Đến khi cô đưa tờ giấy ly hôn đã soạn sẵn, anh ta giận dữ.

Một đêm nọ, Dmitri ra tay hành hung vợ giữa đêm khuya. Những đứa trẻ thức dậy, nhìn thấy vết bầm tím khắp cơ thể mẹ. Một lần khác, Dmitri đe dọa cô bằng dao khiến Margarita buộc lòng phải gọi cho cảnh sát.

“Tôi đã viết một lá đơn trình báo và cảnh sát nói sẽ liên hệ với tôi sau 20 ngày. Trong đơn, tôi nhấn mạnh việc anh ta đã cố giết tôi hơn 20 lần”, cô kể.

Thế nhưng lá đơn của cô không được để tâm. Chỉ 5 ngày sau, Margarita bị chồng chặt tay.

Bàn tay trái đứt lìa của người phụ nữ tội nghiệp được nối liền nhờ cuộc phẫu thuật kéo dài 9 giờ. Margarita phải thay bàn tay phải giả với chi phí được hỗ trợ từ một chiến dịch cộng đồng.

Margarita sau đó kể lại hành trình phục hồi của mình bằng cuốn sách truyền động lực mang tên Happy Without Hands (tạm dịch: Vẫn hạnh phúc dù thiếu đôi tay).

“Thế nhưng điều khủng khiếp lớn nhất tôi phải đối mặt là cố gắng khiến chính người mình từng gọi là chồng phải ngồi tù lâu hơn. Muốn làm điều đó, tôi nhờ đến sự giúp đỡ từ truyền thông”, Margarita nói. Cô đã đẩy mức án của kẻ thủ ác lên mức 14 năm.

Bị chồng là cảnh sát trưởng giết hại

Trong căn phòng khách của gia đình tại Solnechnogorsk, bà Anna Verba đưa cho phóng viên những bức ảnh của cô con gái xấu số tên Alyona.

Năm ngoái, con gái bà bị sát hại bởi chính con rể Sergei Gustyatnikov. Thời điểm đó, người phụ nữ xấu số mới 28 tuổi, đang làm giám đốc bán hàng và là mẹ của một cậu bé 7 tuổi.

Đêm 5/1/2018, khi cậu con trai đã ngủ say, Gustyatnikov dùng dao đâm vợ 57 nhát. Trời sáng, anh ta thản nhiên rời khỏi nhà, đi làm nhiệm vụ của một cảnh sát trưởng như bình thường.

“Đó là tất cả những gì diễn ra vào đêm hôm đó. Chúng tôi đã phải vứt chiếc ghế sô pha cũ đi vì nó nhuốm đầy máu, bức tường cũng nham nhở những dấu vết của tội ác”, bà Verba bàng hoàng nhớ lại.

Bà Anna Verba đau lòng khi kể lại bi kịch của con gái.

Thi thể Alyona được con trai tên Nikita phát hiện khi cậu bé đi vào phòng ngủ của cha mẹ.

“Điều đó thực sự kinh khủng, đau lòng hơn khi một đứa trẻ phải chứng kiến cảnh ấy. Cháu trai nói với tôi nó thấy mắt mẹ mở to, nó gào thét gọi tên nhưng mẹ nó không bao giờ tỉnh lại nữa”, bà Verba kể.

Cậu bé hoảng loạn không biết phải làm gì, chọn gọi xe cứu thương hay gọi cảnh sát. Cuối cùng, Nikita gọi điện cho cha, vì ông làm việc trong ngành cảnh sát. Đối với cả gia đình, đó là câu chuyện bi kịch.

Điều khiến gia đình nạn nhân phẫn nộ nhất là trước khi vụ thảm sát diễn ra, Alyona từng bị chồng giết hụt một lần lúc đi dạo trong công viên. Cô đã trình báo sự việc ấy lên cảnh sát nhưng lại bị những đồng nghiệp của chồng khuyên rút đơn.

“Lần đó, hắn ta tìm đến nhà, quỳ xuống dưới chân chúng tôi và cầu xin sự tha thứ, nói rằng sẽ không bao giờ làm điều tàn nhẫn ấy một lần nào nữa. Hắn nói yêu con gái tôi và không bao giờ tổn hại nó. Thế mà chỉ 5 tháng sau, hắn tước đoạt mạng sống của con bé”, Anna kể.

Sergei nhận bản án 9 năm tù. Anh ta được giảm nhẹ án với lý do có con nhỏ và làm việc trong lực lượng cảnh sát.

Nhưng Verba cho rằng điều đúng đắn nên làm là phải gia tăng mức án phạt của tên sát nhân: “Hắn giết vợ, biến con mình thành trẻ mồ côi, nhưng người ta lại coi đó là lý do để giảm án. Thật điên rồ”.

Khi đứa cháu đi về phòng ngủ để chơi trò chơi điện tử, bà nói với phóng viên về nỗi sợ hãi của bà trước tương lai của cậu bé. Bởi dù bị kết án giết người, Gustyatnikov lại không bị tước quyền giám hộ và có thể yêu cầu quyền nuôi con khi được thả ra.

“Nikita rất sợ điều đó. Nó vẫn thường hỏi tôi ‘Chúng ta phải trốn đi đâu khi ông ta ra tù hả bà?’”, bà nói.

Với tư cách là mẹ của nạn nhân xấu số, Anna Verba yêu cầu cần có những thay đổi trong pháp luật. Bà cho rằng chính phủ không nên xem nhẹ dù là những trường hợp có hành vi bạo hành lần đầu, cần phải có hình phạt thích đáng.

Các nhà hoạt động ở Nga đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, chống lại nạn bạo hành gia đình.

Vấn đề bắt nguồn từ nhận thức

Câu chuyện đầy bi kịch của Margarita hay Alyona không phải trường hợp hiếm. Bạo lực gia đình vốn được xem là vấn nạn nhức nhối ở Nga nhưng lại không nhận được quan tâm đúng mức.

Nga không giữ số liệu thống kê về những cái chết phát sinh từ bạo lực gia đình, tuy nhiên Bộ Nội vụ nước này cho biết 40% các tội ác nghiêm trọng và bạo lực xảy ra trong gia đình.

Ước tính mỗi năm có hàng trăm phụ nữ chết do nguyên nhân từ nạn bạo lực gia đình. Thế nhưng những quyết định của chính phủ liên quan đến vấn nạn này những năm gần đây lại khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Đầu tiên là điều luật liên quan đến bạo lực gia đình được sửa đổi năm 2017. Theo đó, bạo lực gia đình được hạ mức độ thành tội nhẹ đối với người vi phạm lần đầu, miễn nạn nhân không phải điều trị tại bệnh viện.

Những nhà hoạt động xã hội e ngại điều này sẽ gia tăng, thậm chí “hợp pháp hóa” bạo lực gia đình.

Nhiều người cho rằng vấn đề bắt nguồn từ chính nhận thức của người dân nước này về vấn nạn bạo hành gia đình.

Thực tế không chỉ đàn ông Nga giữ tư tưởng có quyền dùng bạo lực, ngay cả phụ nữ cũng mắc lối suy nghĩ sai lầm khi cho rằng chồng bạo hành vợ con không phải điều sai trái.

Trò chơi giả tưởng giúp mọi người nâng cao nhận thức về nạn bạo lực gia đình.

Elena Mizulina, một thành viên của Thượng viện quốc hội Nga, khiến nhiều người bất bình khi từng nói trên truyền hình nước này rằng bạo lực "không phải là vấn đề đáng lên án trong các gia đình”.

Tư tưởng của Mizulina xuất phát từ một tác phẩm văn học thế kỷ 16 có tên là Domostroi - một bộ quy tắc hướng dẫn để có một gia đình hạnh phúc được chỉnh sửa bởi một linh mục.

Cuốn sách này ủng hộ việc đánh trẻ em "để cứu lấy linh hồn của chúng" và thực hành kỷ luật khắc nghiệt đối với vợ và con gái: “Nếu phụ nữ không sợ đàn ông hoặc không làm theo những gì chồng hoặc cha họ nói, hãy đánh họ bằng đòn roi, hãy làm điều đó một cách riêng tư chứ đừng làm nơi công cộng”.

Đấu tranh chống bạo lực gia đình là hành trình dài đối với phụ nữ nước này.

Những nhà hoạt động xã hội vẫn ngày ngày đấu tranh đòi bình đẳng và quyền được bảo vệ của phụ nữ Nga, thay đổi lối suy nghĩ cổ hủ, sai lầm của một bộ phận phụ nữ nước này.

Elena Kalinina, giám đốc ngành quảng cáo, nhớ lại chính mẹ cô là người dạy con gái phải biết từ bỏ mọi thứ nếu muốn lấy chồng: “Mẹ là người có kinh nghiệm. Nếu chồng đánh con nghĩa là cậu ta yêu con”.

Bên cạnh đó, Elena cho rằng sự mất cân bằng giới tính của đất nước (với tỉ lệ 79 triệu phụ nữ trên 68 triệu nam giới) là một trong những nguyên nhân khiến cho phụ nữ dễ bị coi thường trong các mối quan hệ.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bi-sat-hai-danh-dap-phu-nu-nga-phai-tu-bao-ve-truoc-bao-luc-gia-dinh-post1018395.html