Bị ruồng bỏ, cường kích MiG-27 Liên Xô vẫn có thể chiến đấu cực tốt

MiG-27 được đánh giá là loại máy bay cường kích đáng tin cậy, vận hành êm ái. Mặc dù không có tốc độ nhanh nhẹn, nhưng MiG-27 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất rất chính xác.

Vào ngày 27/12/2019, Không quân Ấn Độ đã loại biên chiếc máy bay phản lực cường kích MiG-27 cuối cùng mà họ đặt tên là Bahadur trong một buổi lễ do phi đội số 29 tổ chức tại căn cứ không quân Jodhpur. Ảnh: Máy bay MiG-27 của Ấn Độ - Nguồn: SPUTNIK

Vào ngày 27/12/2019, Không quân Ấn Độ đã loại biên chiếc máy bay phản lực cường kích MiG-27 cuối cùng mà họ đặt tên là Bahadur trong một buổi lễ do phi đội số 29 tổ chức tại căn cứ không quân Jodhpur. Ảnh: Máy bay MiG-27 của Ấn Độ - Nguồn: SPUTNIK

MiG-27 do Liên Xô phát triển và Ấn Độ mua giấy phép chế tạo; đây là loại máy bay chiến đấu phản lực “cánh cụp – cánh xòe”, một thiết kế ưa thích của thập niên 1960; năm 2000, MiG-27 của Ấn Độ được nâng cấp với hệ thống điện tử hàng không mới. Ảnh: Máy bay MiG-27 của Ấn Độ - Nguồn: SPUTNIK

Về vũ khí, MiG-27 được trang bị bom không điều khiển, tên lửa và một pháo hàng không Gatling sáu nòng, để tiêu diệt sinh lực lộ dưới mặt đất; loại pháo này đã phát huy khả năng trong cuộc xung đột tại Kargil năm 1999, MiG-27 bắn phá quân đội Pakistan trên đỉnh Himalaya ở độ cao 5.486 m so với mực nước biển. Ảnh: Máy bay MiG-27 của Liên Xô - Nguồn: SPUTNIK

Với hình dạng mũi máy bay giống “mỏ vịt” dẹt, khiến một số phi công đặt biệt danh cho MiG-27 là “Thú mỏ vịt”; MiG-27 mặc dù không được xuất khẩu rộng rãi như máy bay MiG-23, nhưng việc từng tham chiến tại Ấn Độ và Sri Lanka và độ “chết chóc” từ khẩu pháo nòng xoay của nó, khiến MiG-27 luôn được giới quân sự đánh giá cao. Ảnh: Máy bay MiG-27 của Ấn Độ - Nguồn: SPUTNIK

Máy bay MiG-27 ra đời nhằm lấp khoảng trống về máy bay cường kích của Quân đội Liên Xô sau thế chiến 2; khi phòng thiết kế Sukhoi phát triển dòng cường kích siêu âm Su-17/20/22 Fitter cải tiến và Su-25 Frogfoot bọc thép, thì đối thủ Mikoyan-i-Gurevich phát triển cường kích MiG-23, một phản ứng muộn màng của Liên Xô đối với F-4 Phantom của Mỹ. Ảnh: Máy bay MiG-27 của Ấn Độ - Nguồn: Wikipedia.

Cường kích MiG-23 là một con quái vật nhanh nhẹn nhưng tính khí thất thường, do sự phức tạp của các cơ cấu cánh xoay của nó. Biến thể tấn công mặt đất đầu tiên là MiG-23BN, được NATO đặt tên mã là Flogger-F. Ảnh: Máy bay MiG-27 của Không quân Liên Xô - Nguồn: SPUTNIK

MiG-23BN có phần mũi dốc xuống để có tầm nhìn tốt hơn, buồng lái và động cơ được bọc bằng thép và titan; MiG-23B đã bỏ radar tìm kiếm trên không của MiG-23 và thay bằng một máy đo xa laser cùng hệ thống định vị vô tuyến và gây nhiễu tinh vi. Mẫu MiG-23BN còn sử dụng động cơ phản lực Tumansky R-29 với hiệu suất vượt trội khi bay ở tốc độ thấp. Ảnh: Thông số kỹ thuật của MiG-27 - Nguồn: Wikipedia.

MiG-23BN có thể lao xuống tiến công mục tiêu với tốc độ cao, xả đạn pháo 23 mm, bom và tên lửa không điều khiển xuống dưới mặt đất. MiG-23BN cũng có thể sử dụng tên lửa Kh-23 dẫn đường bằng vô tuyến và vũ khí bức xạ radar, cũng như tên lửa không đối không tầm ngắn K-13 hoặc R-60 để tự vệ. Ảnh: Hệ thống điện tử và động cơ của MiG-27 - Nguồn: Wikipedia.

Phòng thiết kế MiG đã tiếp tục nâng cấp MiG-23BN với cửa hút khí của động cơ được sửa đổi và bộ càng đáp chắc chắn, buồng lái rộng rãi hơn, giảm tốc độ tối đa xuống Mach 1,7 ở độ cao 8.000 m, nhưng tăng khả năng mang vũ khí lên tới 4.000 kg trên 5 mấu treo và đổi tên thành MiG-27 (NATO định danh là Flogger-D). Ảnh: Vũ khí mà MiG-27 có thể mang theo - Nguồn: Wikipedia.

Thiết kế cánh xoay được dẫn động bằng thủy lực của MiG-27 cho phép MiG-27 điều chỉnh hiệu suất phù hợp với tình huống: nếu khép hoàn toàn ở góc 16˚, MiG-27 có khả năng bay ổn định ở tốc độ thấp; khi mở cánh hoàn toàn ở góc 72˚, cho khả năng đạt hiệu suất siêu thanh; nếu cánh ở 45˚, là tiêu chuẩn cho bay bình thường. Ảnh: MiG-27 của Không quân Sri Lanka - Nguồn: Wikipedia.

Khẩu pháo hàng không 6 nòng Shipunov cỡ nòng 23 mm, có tốc độ bắn 5.000 phát/phút tỏ ra hiệu quả hơn khẩu pháo GAU-8 Avenger 30 mm lắp trên cường kích A-10 của Mỹ; tuy nhiên độ rung giật của khẩu pháo quá lớn, dẫn đến làm nứt thùng nhiên liệu, phá vỡ hệ thống điện tử hàng không, đôi khi dẫn đến tai nạn. Ảnh: MiG-27 của Không quân Sri Lanka - Nguồn: Wikipedia.

Mặc dù có vấn đề với khẩu pháo hàng không, nhưng đánh giá chung, MiG-27 được cho là một máy bay đáng tin cậy, vận hành êm ái. Mặc dù không đặc biệt nhanh nhẹn, nhưng có khả năng chi viện hỏa lực ổn định, có tốc độ bay thấp rất tốt. Tuy nhiên sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã nhanh chóng loại bỏ loại máy bay này vào giữa những năm 1990. Ảnh: MiG-27 của Không quân Sri Lanka - Nguồn: Wikipedia.

Sau khi Liên Xô tan rã, cả Ukraine và Kazakhstan đều thừa hưởng những chiếc MiG-27 từ Liên Xô. Ukraine đã bán 6 chiếc MiG-27 và một máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi MiG-23UB cho Sri Lanka, để thực hiện các cuộc tấn công nhanh, tầm thấp nhằm vào phiến quân Những con Hổ giải phóng Tamil (LTTE). Ảnh: Một chiếc MiG-27 của Không quân Sri Lanka bị tai nạn - Nguồn: Wikipedia.

Những chiếc MiG-27 của Sri Lanka hoạt động trong phi đoàn số 12, ban đầu được lái bởi lính đánh thuê của Ukraine trong các nhiệm vụ không kích và yểm trợ gần. Tuy nhiên số MiG-27 đã bị tiêu hao nặng nề do bị tai nạn hoặc bị LTTE bắn rơi; đến tháng 7/2001, tất cả số MiG-27 của Sri Lanka đều rơi vào tình trạng hỏng hóc. Ảnh: MiG-27 của Không quân Ấn Độ - Nguồn: Wikipedia.

Khi lệnh ngừng bắn kéo dài bị phá vỡ vào năm 2006, chính phủ Sri Lanka đã đại tu số MiG-27 còn lại và tiếp tục mua MiG-27 từ Ukraine để tiếp tục trang bị cho phi đội 7 chiếc MiG-27. Sri Lanka cũng nhận được hỗ trợ đào tạo phi công từ Ấn Độ. Ảnh: MiG-27 của Không quân Ấn Độ - Nguồn: Wikipedia.

Theo báo cáo, những chiếc MiG-27 đã thực hiện 854 phi vụ trong cuộc nội chiến với LTTE, rải 1.180 tấn bom, đạn các loại; hỗ trợ tích cực cho các lực lượng chiến đấu mặt đất. Sau khi nội chiến kết thúc tháng 5/2009, những chiếc MiG-27 của Sri Lanka vẫn tiếp tục hoạt động vài năm, sau đó số MiG-27 này lại rơi vào tình trạng hỏng hóc và cuối cùng đã được cho loại biên. Ảnh: MiG-27 của Không quân Ấn Độ - Nguồn: Wikipedia.

Còn những chiếc MiG-27 của Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong giành lại quận Kargil ở Kashmir với Pakistan năm 1999 và những chiếc MiG-27 luôn đóng vai trò là xương sống của lực lượng cường kích trong Không quân Ấn Độ; sau khi loại biên số MiG-27, Kazakhstan là quốc gia cuối cùng còn khai thác loại máy bay này trên thế giới. Ảnh: MiG-27 của Không quân Liên Xô - Nguồn: Wikipedia.

Video Su-30MK2 Không quân Việt Nam diễn tập bắn đạn thật dồn đập - Nguồn: QPVN

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/bi-ruong-bo-cuong-kich-mig-27-lien-xo-van-co-the-chien-dau-cuc-tot-1425240.html