Bị rắn hoa cỏ cổ đỏ cắn bé 15 tháng tuổi chảy máu liên tục rồi tử vong

Khi đang chơi ngoài sân, bé T. bị một con rắn cắn khiến cẳng tay chảy máu. Người nhà đắp lá thuốc (không rõ lá gì) lên vết cắn cho bé nhưng sau 2 giờ, máu vẫn chảy không ngừng.

Rắn hoa cổ đỏ cực độc, cắn tử vong một bé gái

Theo lời kể của gia đình, khoảng 14 giờ ngày 29/3, bé gái N.T.N.T (15 tháng tuổi, ngụ Đồng Tháp) đang chơi ngoài sân cùng chị gái (5 tuổi) thì bị rắn cắn vào cẳng tay phải. Gia đình phát hiện chỗ cẳng tay phải bé chảy máu, do đó đã dùng lá thuốc (không rõ lá gì) đắp vào chỗ chảy máu. Tuy nhiên, sau 2 giờ đồng hồ máu vẫn chảy liên tục nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa Khoa Tiền Giang.

Tại đây, sau 2 giờ đồng hồ, chỗ vết cắn vẫn máu chảy máu liên tục, bệnh nhi được truyền máu huyết tươi đông lạnh, yếu tố đông máu và truyền 4 lọ kháng huyết thanh dành cho rắn lục tre. Tuy nhiên, bé vẫn chảy máu và có nhiều vết bầm da trên cơ thể, đặc biệt là ở hai chân và ở trán nên đã chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Rắn hoa cỏ cổ đỏ có đầu màu nâu nhạt, xám hoặc ôliu, phần cổ rực rỡ nhất, cũng là dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất đặc trưng bởi màu đen, vàng và đỏ, lưng màu xanh ôliu và bụng màu xám.

Rắn hoa cỏ cổ đỏ có đầu màu nâu nhạt, xám hoặc ôliu, phần cổ rực rỡ nhất, cũng là dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất đặc trưng bởi màu đen, vàng và đỏ, lưng màu xanh ôliu và bụng màu xám.

Khoảng 13 giờ 30 ngày 30/3, bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, vết thương đã được băng. Tuy nhiên, tại chỗ vết rắn cắn các bác sĩ nhận định, vết sang thương không giống với vết cắn do rắn lục tre hay rắn lục đuôi đỏ cắn.

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bé T. được chuyển tới khoa Cấp cứu trong tình trạng tỉnh táo, không thở oxy. Khi bác sĩ mở băng dính, máu của trẻ tuôn xối xả. Các bác sĩ nhận định vết cắn trên tay bệnh nhi này rất khác thường.

Ở Việt Nam, 2 loại rắn cắn có thể gây rối loạn đông máu là chàm quạp và lục đuôi đỏ. Song vết thương của bệnh nhi này lại không giống. Vết cắn không bầm hay hoại tử nhưng máu chảy liên tục, bác sĩ Phương cho hay..

Bệnh viện Nhi đồng 1 đã liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi có nghiên cứu về loại rắn này và được biết hiện Việt Nam chưa có kháng huyết thanh, mà chỉ điều trị triệu chứng. “Chúng tôi đã liên hệ nhiều quốc gia để tìm kiếm kháng huyết thanh nhưng không có. Chỉ có một Viện nghiên cứu ở Nhật đang nghiên cứu thử nghiệm kháng huyết thanh rắn hoa cổ đỏ, tuy nhiên chế phẩm vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa thể sử dụng được”, bác sĩ Phương cho biết.

Loại rắn hoa cổ đỏ được nhiều người gọi là "rắn học trò".

Bệnh nhi được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ cố gắng cứu bé bằng cách truyền rất nhiều máu, chế phẩm máu, gần như là thay máu cho bé, truyền thuốc rối loạn đông máu...

Dù bệnh viện đã cố gắng hết sức, nhưng tình trạng bé ngày càng nặng, xuất huyết không chỉ ở vết thương mà còn xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, suy hô hấp, phải dùng máy thở.

Tuy nhiên, 18h50 ngày 1/4, bé tử vong trong bệnh cảnh suy hô hấp, nghi ngờ xuất huyết não sau 2 ngày tích cực điều trị.

PL

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bi-ran-hoa-co-co-do-can-be-15-thang-tuoi-chay-mau-lien-tuc-roi-tu-vong-202104062021254.htm