Bí quyết 'tuyển' ngựa đua có một không hai

Họ tự hào rằng, mình được tiếp xúc với ngựa từ lúc vừa chập chững biết đi và có thể điều khiển, cưỡi ngựa không yên cương khi mới chỉ lên 6 tuổi. Tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng họ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn lựa, thuần phục, nuôi dưỡng ngựa, đặc biệt là ngựa đua.

Kinh nghiệm cha truyền

Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai nằm trên thượng nguồn sông Chảy. Nơi đây được mệnh danh là cao nguyên trắng của vùng đất Tây Bắc bởi sắc hoa mận mỗi độ xuân về. Bắc Hà sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và phong phú về bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số: Nếp sống trong những mái nhà cheo leo lưng chừng núi, ẩm thực đặc sắc mỗi ngày chợ phiên, rượu ngô và những sản vật địa phương...Và không thể không nhắc tới một trong những nét văn hóa rất đặc trưng của Bắc Hà đó là lễ hội đua ngựa. Lễ hội đua ngựa ở Bắc Hà dường như chứa đựng tất cả những gì thuộc về văn hóa của người dân vùng cao tỉnh Lào Cai.

Điều hối thúc và tò mò hơn cả với chúng tôi là muốn được biết điều gì đã tạo nên sự hưng phấn, tinh thần thi đấu mạnh mẽ, dũng cảm đối với các kị sỹ. Những kỹ năng, kinh nghiệm trong việc chọn lựa, thuần phục, nuôi dưỡng, chăm sóc một chú ngựa thồ nhưng khi đi đua lại có thể giật giải dễ dàng...?

Kị sỹ Vàng Văn Quyết bên chú ngựa yêu của mình

Kị sỹ Vàng Văn Quyết bên chú ngựa yêu của mình

Để hiểu rõ hơn về điều này chúng tôi tìm đến nhà của hai anh em song sinh Vàng Văn Cương và Vàng Văn Quyết (dân tộc Tày, SN 1989, tại thôn Na Áng B, xã Na Hối, huyện Bắc Hà) qua sự giới thiệu của đám trai bản. Cương và Quyết đều còn rất trẻ, tràn đầy sức khỏe để có thể ngồi trên lưng ngựa đua. Họ tham gia các mùa giải từ khi lễ hội được tổ chức (năm nay là mùa giải thứ 7). Họ đã gặt hái được nhiều giải thưởng và luôn khát khao đoạt được quán quân. Tuy còn trẻ nhưng Cương và Quyết cũng là một trong những người có "thương hiệu" về ngựa do sớm được thừa hưởng kinh nghiệm từ người cha vốn làm nghề buôn ngựa. Họ sẵn sàng chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm, niềm hạnh phúc để có thể có và chăm sóc một chú ngựa tốt nhất của mình.

Phải leo qua nhiều đoạn đường dốc lầy lội, lởm chởm bùn đất chúng tôi mới đến được nhà của anh em Quyết. Chỉ có mình Quyết ở nhà, anh đang lúi húi vuốt ve, chải bờm và cho ngựa của mình ăn. Ngôi nhà gỗ đơn sơ, những tài sản có giá trị đều ở ngoài sân vườn (gia súc, gia cầm...). Phân gia súc được phơi đầy sân, khẳm lên, xộc vào mũi. Thấy tôi có vẻ ái ngại, Quyết cười hiền: "Không sao đâu mà. Phân ngựa đua đấy mà. Bà con dân bản trên mình luôn phải phơi phân gia súc như vậy để cho nhẹ khi địu lên nương trồng ngô. Bao năm rồi vẫn vậy mà...".

Theo Quyết, việc chọn và chăm sóc ngựa đua với ngựa nuôi để phục vụ sản xuất, đi lại cũng quan trọng và gần giống nhau. Đối với dân bản nơi đây thì ngựa là con vật rất gắn bó, nó giúp con người làm những việc nặng nhọc trong nhà. Việc tham gia đua ngựa là để rèn luyện sức khỏe, giữ gìn bản sắc văn hóa nhưng cũng là niềm hãnh diện khi giành được giải cao nhất. Ngựa khỏe, chạy nhanh phải là ngựa đực, chọn được con có dáng hình cao ráo, gân to, thịt săn chắc, chân thẳng và thon chắc, móng chụm, ngực nở, cổ vạm vỡ, khoáy không quá cao, răng trắng đều, bờm dày, lông đều, sờ vào mượt như lụa.

Khi đi chọn ngựa đua phải cưỡi thử chạy mấy vòng quanh núi, nếu ngựa chạy về mà thở đều, không khục khặc hoặc thở dốc là ngựa có sức khỏe tốt. Việc chọn ngựa đua cũng cần phải chú ý đến tuổi ngựa bởi độ tuổi mà ngựa khỏe nhất là trong khoảng từ 6 đến 10 tuổi (khi đó cơ và xương ngựa mới ở độ săn chắc nhất). Muốn biết tuổi ngựa thì xem răng (ngựa được 3 tuổi sẽ đổi răng, tùy vào độ trắng và độ mòn của răng ngựa để đoán tuổi). Khi chọn ngựa còn phải xem kỹ tính nết mỗi con, bởi ngựa cũng có con dữ, con hiền, có con biết nghe lời và có con bướng bỉnh...

Chăm sóc ngựa còn là một vấn đề vô cùng quan trọng vì tuy ngựa là loài vật có sức khỏe dẻo dai, ít bị ốm nhưng ở vùng cao Bắc Hà thời tiết lạnh nên ngựa dễ bị sổ mũi, đau bụng và đầy hơi. Quan sát thấy ngựa dùng chân cào xuống đất, đứng lên nằm xuống liên tục là nó bị đau bụng. Hay khi thấy nó chảy nước mũi nhiều nghĩa là nó đang bị cúm, bị sổ mũi. Tùy từng bệnh mà có loại thuốc riêng, chữa bệnh cho ngựa bằng các bài thuốc dân gian gia truyền. Khi ngựa mắc bệnh viêm phổi, sổ mũi thì lấy tay ngoáy mũi để nó bị hắt xì rồi dùng quả thảo quả khô nghiền nhỏ pha với nước rồi cho ngựa uống vài lần, dùng lá thuốc xông mũi là khỏi. Để chống cảm lạnh, chống rét cho ngựa trong mùa đông giá lạnh thì cần cho ngựa ăn thêm bã rượu ngô...

Có duyên mới có ngựa tốt

Nghiệp cha truyền con nối

Đôi tay không ngừng vuốt ve con ngựa Chân trắng của mình, Quyết cho biết chú ngựa đã cùng anh trai Vàng Văn Cương của mình giành giải á quân ở mùa giải năm nay. Hàng ngày nó vẫn giúp anh kéo xe, chở đồ thuê. Từ khi còn nhỏ, anh em Quyết đã được tiếp xúc với ngựa. Những kinh nghiệm trong việc buôn bán, chọn lựa, huấn luyện và chăm sóc ngựa, chữa trị khi ngựa bị bệnh của hai anh em đều do bố truyền dạy...

Muốn có được ngựa tốt còn cần phải có tình yêu, niềm đam mê, coi ngựa như người bạn, chăm sóc như chính con đẻ của mình. Có như vậy mới có sợi dây tình cảm vô hình giữa người và ngựa, việc huấn luyện ngựa sẽ đạt hiệu quả. Có được con ngựa tốt nhưng việc huấn luyện không hề đơn giản, phải làm sao để con ngựa nghe theo, hòa nhịp được với chủ, kết hợp trong từng động tác khi chạy, chân chạy được miết và thả lỏng là cả một khoảng thời gian dài kiên nhẫn.

Để ngựa có một sức khỏe sung mãn khi tham gia cuộc đua, hàng ngày cần phải cho ngựa tập chạy vào mỗi buổi sáng hoặc chiều mát sau đó đưa ngựa ra suối tắm rồi cho nghỉ ngơi. Việc làm chuồng ngựa cũng rất quan trọng, mỗi con có một tính cách, nếu không hợp thì nó sẽ phá, lồng lộn, ảnh hưởng tới tinh thần thi đấu. Thức ăn của ngựa ngày thường là cỏ, cám. Tuy nhiên trước giai đoạn cho ngựa đi đua càng cần phải chú ý kỹ hơn đến khẩu phần ăn của ngựa. Lúc này phải cho ngựa ăn thêm ngô, thóc, đậu tương, thậm chí cả trứng gà sống, nhưng cũng không được để ngựa béo quá, nặng bụng, chạy nước đại sẽ nhanh mệt.

Trong cuộc đua, để đạt thành tích cao nhất, có thể chiến thắng và giành giải thì kinh nghiệm của nài ngựa vô cùng quan trọng. Có thể nói, một con ngựa tốt nhưng phải có một nài ngựa giỏi mới có thể giành chiến thắng. Tất nhiên, đôi khi chiến thắng có được cũng còn là cái duyên của người với ngựa và cần cả sự may mắn nữa.

Bằng kinh nghiệm của bản thân, Quyết chia sẻ thêm: "Nhìn vậy thôi nhưng cuỡi ngựa rất khó, nhất là khi nó phi nước đại mà lại không có yên cương. Người đua ngựa phải là người có sức khỏe tốt, dũng cảm, đam mê. Khi vào cuộc đua, ngồi trên lưng ngựa càng cần phải hòa mình với ngựa thành một thể thống nhất, hạ thấp trọng tâm cơ thể. Dùng chân điều khiển ngựa bắm cua và tăng tốc hợp lý. Hãy coi như mình không ngồi lên lưng ngựa...". Nói rồi, Quyết ngoảnh lại cười như để giải thích cho lý do cả hai anh em đang khát khao một lần giành chức vô địch: "Năm nay, vẫn là anh họ Vàng Văn Huỳnh của tôi giành giải nhất, bảo vệ được chức vô địch. Chúng tôi thiếu may mắn và chưa có... duyên"!

Chia tay Quyết, chúng tôi chúc anh chiến thắng thuyết phục trong mùa đua ngựa năm sau. Sự đam mê của những trai bản như anh đang góp phần gìn giữ một nét văn hóa đầy ý nghĩa trên vùng cao nguyên trắng.

Độc đáo lễ hội đua ngựa trên cao nguyên trắng

Từ xưa việc điều khiển ngựa thồ chủ yếu do các chàng trai đảm nhiệm, sau những buổi thồ ngô, thồ lúa xong sớm, đám trai tráng cao hứng rủ nhau đua ngựa để thử tài và cũng là để rèn luyện sức khỏe, dần dần đua ngựa trở thành lễ hội với nét văn hóa độc đáo riêng của người Bắc Hà. Người Mông, Tày, Nùng, Dao nơi đây sống theo bản làng trên các sườn núi, chủ yếu bằng nghề làm nương, làm ruộng và việc đi lại của họ cũng nhờ vào ngựa rất nhiều nên ngựa là con vật gần gũi, có vai trò cực kỳ quan trọng với cuộc sống của họ, được nuôi nấng, chăm sóc rất kỹ. Cuộc đua ngựa cũng có thể được hiểu theo cách mà họ thể hiện ý nghĩa tình cảm với những chú ngựa của mình... Lễ hội đua ngựa Bắc Hà đã được phục dựng lại cách đây 7 năm và luôn hấp dẫn mọi du khách gần xa.

Hoàng Sa

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/cn-cap-ki-sy-song-sinh-va-bi-quyet-tuyenngua-dua-co-mot-khong-hai-a85961.html