Bí quyết thành công kinh tế của Singapore

Bài phân tích trên báo The Straits Times (Singapore) nhận định việc thiết lập và duy trì một trung tâm tài chính đáng tin cậy là yếu tố cốt lõi làm nên thành công kinh tế của Singapore.

Trụ sở của Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở của Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi vị trí địa lý có ý nghĩa chiến lược giúp Singapore trở thành một cảng được lựa chọn hàng đầu trên bản đồ vận tải đường biển của thế giới, sự nổi lên và tăng trưởng không ngừng của các dịch vụ tài chính đáng tin cậy tại nước này đã đảm bảo cho sự phát triển thịnh vượng của các dòng thương mại.
Đó là lý do giải thích tại sao Singapore coi việc chống tội phạm, trong đó có rửa tiền và các hình thức giao dịch bất hợp pháp, đáng ngờ khác tiếp tục là một ưu tiên hàng đầu. Một số ví dụ gần đây về những hành động được thực thi liên quan đến công ty thanh toán Wirecard bị vỡ nợ, công ty Hyflux và những trường hợp liên quan đến vụ bê bối quỹ 1Malaysia Development Berhad (1MDB).
Báo cáo thực thi mới đây của Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS-ngân hàng trung ương) cho thấy mức độ sâu rộng trong nỗ lực của nước này nhằm ngăn chặn những sai phạm tài chính, bảo vệ người tiêu dùng và duy trì lòng tin của nhà đầu tư.
Báo cáo được thực hiện trong giai đoạn từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2020 cho thấy một số cá nhân đã bị kết án và hàng chục triệu USD tiền phạt đã được thanh toán khi MAS nâng cao giới hạn trong cuộc chiến chống tội phạm tài chính.
Phó Giáo sư Mak Yuen Teen thuộc trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho rằng: “Điều vô cùng quan trọng là Singapore cần duy trì danh tiếng là trung tâm tài chính quốc tế lớn minh bạch và một thị trường vốn đáng tin cậy.
Lĩnh vực tài chính – bao gồm ngân hàng, quản lý tài sản, bảo hiểm và các thị trường vốn – chiếm khoảng 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore và cung cấp công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người dân của “đảo quốc sư tử”.
Tác động của những gì ngành này thực hiện, từ trung gian tiết kiệm đến đầu tư và hình thành doanh nghiệp, đã lan tỏa khắp nền kinh tế. Do đó, không có uy tín, lĩnh vực tài chính sẽ không thể có được sức ảnh hưởng hay hỗ trợ cho các dòng thương mại đang phát triển nở rộ ở “đảo quốc sư tử” này. Thương mại của Singapore - tổng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ - tính trên tỷ lệ GDP đạt khoảng 300% năm 2019.
Báo cáo thực thi của MAS cũng phản ánh thành công mà các cơ quan quản lý của Singapore đã đạt được trong việc phát hiện sớm các hành vi sai trái và vi phạm pháp luật. Năm 2016, cơ quan này đã thiết lập một đơn vị thực thi chuyên trách để tập trung vào các chức năng thực thi.
Việc ban hành các văn bản dưới luật một cách nhanh chóng và cứng rắn đối với các tổ chức tài chính và cá nhân vi phạm quy tắc cũng đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác như Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp, Phòng Thương mại (CAD) của Lực lượng Cảnh sát Singapore, Cơ quan quản lý kế toán và doanh nghiệp (ACRA), Cục điều tra hành vi tham nhũng và Sở giao dịch Singapore (SGX).
Những sự phối hợp cộng tác này đã giúp đánh giá hay điều tra trong một số trường hợp phức tạp, trong đó có các vấn đề liên quan đến Wirecard, tập đoàn Eagle Hospitality Trust and công ty Hyflux. Tuy nhiên, hiệu quả của sự răn đe và định hình hành vi của doanh nghiệp và thị trường vẫn đang trong quá trình kiểm nghiệm.
Trong khi đó, một lĩnhvực thực thi đầy thách thức khác đối với Chính phủ Singapore là chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Rửa tiền có ý nghĩa rất quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của hầu hết các hình thức tội phạm xuyên quốc gia và có tổ chức.
Chừng nào còn có những người cố gắng đảm bảo rằng tội ác phải trả giá, thì những kẻ phạm tội sẽ tiếp tục che giấu nguồn gốc số tiền phạm tội để tránh bị phát hiện và có nguy cơ bị truy tố nếu chúng sử dụng số tiền đó.
Mức độ của thách thức và gánh nặng mà nhiệm vụ này đặt lên vai cả các tổ chức tài chính lẫn các cơ quan quản lý có thể được đánh giá bằng thực tế là các ngân hàng trên toàn thế giới đã phải trả các khoản tiền phạt khoảng 26 tỷ USD từ năm 2008 đến năm 2018 vì không kiểm soát được các giao dịch bất hợp pháp thông qua tài khoản ngân hàng của mình.
Các trường hợp liên quan đến 1MDB không nằm trong báo cáo mới nhất của MAS. Tuy nhiên, khoản tiền 5 tỷ USD gần đây được tập đoàn Goldman Sachs thanh toán cho các cơ quan quản lý trên toàn thế giới, trong đó có Singapore, cho thấy rằng ngay cả một “gã khổng lồ” về ngân hàng đầu tư toàn cầu cũng dễ bị tổn thương trước sự thao túng của tội phạm.
Việc điều tra và thực thi sẽ trở nên thách thức hơn bởi công nghệ đang phát triển nhanh chóng, các sản phẩm tài chính ngày càng phức tạp và các vụ việc ngày càng trở nên đa dạng về bản chất.
Hàng tỷ USD lưu thông mỗi ngày qua hơn 15.000 thể chế tài chính đặt trụ sở tại Singapore. Với vai trò nổi bật và sự phát triển của Singapore với tư cách là một trung tâm quản lý tài sản, sự dễ bị tổn thương đó thậm chí còn lớn hơn.
Do đó, chống rửa tiền sẽ vẫn là một trong những ưu tiên thực thi hàng đầu của Chính phủ Singapore, với việc tập trung vào các tổ chức tài chính thiếu các hệ thống và quy trình nghiêm ngặt để chống lại các giao dịch bất hợp pháp./.

Nguyễn Thúy (TTXVN tại Singapore)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bi-quyet-thanh-cong-kinh-te-cua-singapore/177101.html