Bí quyết ôn luyện môn Lịch sử hiệu quả

Lịch sử là một trong 3 môn thuộc bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Để đạt điểm cao môn Lịch sử trong kỳ thi, các thí sinh cần 'bỏ túi' những thủ thuật, bí quyết riêng để ôn luyện một cách khoa học, hiệu quả.

Học sinh trao đổi về đề thi minh họa môn Lịch sử. Ảnh: Hữu Cường

Học sinh trao đổi về đề thi minh họa môn Lịch sử. Ảnh: Hữu Cường

Nắm vững kiến thức cơ bản

Cô Phạm Thị Huyền, GV Trường THPT Tô Hiến Thành (TP Thanh Hóa) cho biết: Để làm bài thi đạt điểm cao, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản nhằm giải quyết tốt những yêu cầu của đề. Hàm lượng kiến thức môn Lịch sử rất rộng và dễ gây nhầm lẫn bởi các mốc sự kiện, tên nhân vật… Vì vậy, để ghi nhớ chính xác các kiến thức môn Lịch sử lớp 11, 12 thí sinh phải có cách ôn luyện khoa học.

Đối với HS xét tốt nghiệp thì chỉ cần học ở mức độ nhận thức và thông hiểu, HS chỉ cần nắm chắc kiến thức trong SGK. Còn đối với HS xét ĐH thì ngoài nắm chắc kiến thức ở 2 mức độ nhận biết và thông hiểu, các em còn phải học các câu vận dụng thấp và vận dụng cao. Đó là những câu hỏi có sự liên kết giữa các chương, giai đoạn và gắn với lịch sử thế giới và trong nước, những câu liên hệ với thực tế hiện nay... Ví dụ: Biển đảo, chiến tranh, khủng bố...

Cô Phạm Thị Huyền cho rằng, để tránh mất điểm buộc HS phải nắm chắc kiến thức căn bản trong chương trình sách giáo khoa Lịch sử lớp 12. Vì lịch sử phải chính xác, các em nên ôn luyện theo dòng thời gian, từ đó phát triển các nội dung có liên quan.

Sự kiện lịch sử thông thường bao gồm: Thời gian, hoàn cảnh, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, bài học rút ra và ý nghĩa lịch sử của sự kiện đó... Từ những kiến thức, sự kiện, giai đoạn lịch sử cụ thể từng phần, từng chương, hãy học các bài Tổng kết phần, chương để rèn luyện kỹ năng khái quát hóa kiến thức và xâu chuỗi vấn đề. Tất cả những kiến thức, những vấn đề và sự kiện lịch sử cốt lõi nhất, nổi bật nhất đều hiện hữu trong các bài Tổng kết và đa phần học sinh không để ý.

Tránh “học tủ - học vẹt”

Theo cô Huyền, một trong những sai lầm đáng sợ của HS hiện nay chính là “học tủ – học vẹt ” khiến nhầm lẫn giữa nội dung các sự kiện với nhau. Thường các đáp án trong bài thi có phần tương tự, thí sinh không nắm vững kiến thức rất dễ chọn đáp án sai. VD: Sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ và sự kiện 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, hoặc nội dung giữa Hiệp định Giơ-ne-vơ và Hiệp định Paris. Chính vì vậy, thí sinh học tới đâu nên nhớ kiến thức đến đó và nắm chắc kiến thức để không bị nhầm lẫn mất điểm oan.

Cô Huyền cho biết, theo đề tham khảo, kiến thức khó rơi vào câu 12 - 14. Thông thường 1 điểm là 4 câu dành cho vận dụng cao, 2 điểm dành cho vận dụng thấp (8 câu), còn lại khoảng 6 - 7 điểm dành cho HS trung bình khá.

Môn Lịch sử năm nào cũng là môn khó nhất trong các môn thi THPT quốc gia thuộc tổ hợp KHXH. Không giống như môn Địa lý và Giáo dục công dân (không có đáp án nhiễu), môn Sử lại có nhiều đáp án nhiễu gần giống nhau nên HS khó chọn hơn. Vì vậy, các em phải biết phân tích và xử lý nhanh. Không nhất thiết phải làm theo trình tự, số thứ tự của câu hỏi. Câu nào thấy dễ và tự tin thì làm trước, câu khó làm sau. Cần lưu ý, đọc kỹ, tính toán kỹ câu hỏi và phương án trả lời không có nghĩa là chần chừ, do dự.

Giữ tâm lý thoải mái trong phòng thi

Theo cô Nguyễn Mỹ Hương, giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT Trần Hưng Đạo (TPHCM) cho biết: Để ôn thi tốt môn Lịch sử, ngoài việc nắm chắc kiến thức các em cần chia kiến thức theo chủ đề ôn tập để học nhóm với bạn bè. Việc trao đổi kiến thức giúp các sự kiện trở nên sống động hơn và dễ nhớ hơn.

Qua cách thi trắc nghiệm, học sinh không phải thuộc lòng quá nhiều, chỉ cần đọc sách, hiểu bài và biết kết nối các vấn đề, suy luận để lựa chọn đáp án là có thể hoàn thiện bài thi.

Cô Mỹ Hương khuyên, ngoài thời gian học tập trên lớp, được sự hướng dẫn của các thầy cô, các em hãy dành cho mình thời gian tự ôn luyện đề ở nhà. Tự ôn luyện đề là một cách học giúp các em ghi nhớ kiến thức, rèn luyện kĩ năng làm bài và làm quen các dạng câu hỏi trắc nghiệm thường xuất hiện trong đề thi.

Bên cạnh đó, tâm lý trong phòng thi rất quan trọng, khi tâm lý hoảng loạn bạn sẽ không nhớ được kiến thức mình đã học, nhanh chóng bị nản chí. Do vậy, các bạn nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng ngay từ ngoài phòng thi, không dành quá nhiều tâm huyết vào một câu hỏi mà nên biết bỏ qua khi cần thiết.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/bi-quyet-on-luyen-mon-lich-su-hieu-qua-4005551-b.html