Bí quyết ngược dòng của người làm nên thương hiệu Diana, tái thiết TPBank

Nguyên lý xuyên suốt, tạo đột phá trong kinh doanh của Phó Chủ tịch HĐQT TPBank - Đỗ Anh Tú là 'nghĩ ngược - làm ngược'.

Tại “Hội nghị đầu tư 2017: Đột phá tư duy kinh doanh” diễn ra đầu tuần này tại TP HCM, ông Đỗ Anh Tú - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Tổng giám đốc CTCP Diana Unicharm đã chia sẻ câu chuyện làm thế nào để tạo đột phá trong kinh doanh nhãn hàng Diana, cũng như đạt được thành tựu trong xây dựng Ngân hàng Tiên Phong.

Theo vị doanh nhân này, bước ngoặt cuộc đời chính là quyết định trở về từ nước ngoài để đầu tư vào Diana, bởi nếu không lựa chọn đúng "nơi dụng võ" thì "tất cả mọi thứ đang có đều không đi đến đâu".

Ông Tú xác định cốt lõi trong hoạt động kinh doanh là marketing, tóm gọn trong 4 vấn đề gồm sản xuất cái gì, giá bao nhiêu, quảng cáo khuyến mại thế nào, cuối cùng là làm sao sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Cái cơ bản, cốt lõi này là điều mỗi người làm kinh doanh cần nắm rõ. Sự đột phá, nếu có, sẽ nằm ở quá trình triển khai từng vấn đề.

Ông Đỗ Anh Tú -Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Tổng giám đốc CTCP Diana Unicharm.

Vị này cũng cho rằng trên con đường đi, người làm kinh doanh cần vừa quan sát, vừa học hỏi để không lạc lối. Doanh nghiệp khởi nghiệp còn có thể vấp ngã rồi đứng dậy,trong khi doanh nghiệp lớn thì mỗi bước đi đều phải suy nghĩ rất kỹ. Họ chỉ có thể tiến hóa, tránh việc làm cách mạng - vốn dễ gây đổ vỡ.

Bản thân ông Tú có một nguyên lý giúp tạo sự đột phá đó là “đi ngược”. Trong khi nhiều người ra nước ngoài làm ăn thì ông về Việt Nam kinh doanh. Khi nhiều người buôn bất động sản thì ông sản xuất, và khi người ta sản xuất cái lớn lao thì ông làm băng vệ sinh, tã lót trẻ em – những sản phẩm nhu cầu thiết yếu.

Khi làm công ty hàng tiêu dùng thì phải tập trung vào marketing, đưa ra những câu chuyện về sản phẩm, đi sâu hơn nữa vào cảm xúc. Ông quan niệm sản phẩm chất lượng tốt, giá cả tốt thì đem lại cảm xúc tốt. Câu chuyện tiếp theo là cảm xúc của người phụ nữ (đối tượng tiêu dùng sản phẩm của công ty) là gì? Tìm hiểu được cảm xúc của người phụ nữ là muốn xinh đẹp, di chuyển nhẹ nhàng, thoải mái…, người làm lại tiếp tục “nghĩ ngược”: Trong khi xã hội đang quan niệm phụ nữ là thiệt thòi thì công ty cần tôn vinh phụ nữ. Không có phụ nữ thì không có loài người, phụ nữ vừa kiếm tiền vừa xây dựng gia đình, câu chuyện đó khiến cho phụ nữ cảm thấy tự hào được là chính mình...

Đó chính là nền tảng cho câu slogan của sản phẩm Diana - “Là con gái, thật tuyệt”.

Đi sâu hơn, ông Tú cho biết Diana Unicharm chỉ đang làm những gì để khẳng định rằng “4.0 là xu hướng không thể thay đổi thì nữ quyền cũng là điều không thể thay đổi”, ông Tú nói.

Đang làm hàng tiêu dùng rất tốt, quyết định đột phá tiếp theo trong cuộc đời ông Tú chính là chuyển sang lĩnh vực ngân hàng. Việc này cũng hết sức tình cờ khi có đối tác muốn mua Diana giá cao nên ông quyết định bán, và đầu tư ngân hàng là lựa chọn lúc bấy giờ.

Khi bước chân vào lĩnh vực mới, ông Tú đã thấy rằng có quá nhiều điểm khác biệt so với khi làm chủ doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp, tiền là của mình nhưng trong ngân hàng, tiền lại là của người dân, Nhà nước gửi vào... "Người làm ngân hàng phải nhận ra điều này, nếu không sẽ rất gay go", ông nói. Vấn đề thứ hai là làm doanh nghiệp chỉ cần nhìn thấy cơ hội đẻ ra tiền thì tìm mọi cách thực thi nó nhưng ngân hàng thì có hàng chục cơ hội, nhưng lại thông qua những đơn vị khác để thực hiện. Vì vậy, người làm phải kìm hãm lòng tham khi nhìn thấy cơ hội.

Mô hình Livebank được coi là mới mẻ tại Việt Nam.

Nguyên lý “nghĩ ngược” vẫn được áp dụng để tạo sự đột phá. Đó là khi các ngân hàng khác cho vay doanh nghiệp thì TPBank cho vay cá nhân; ngân hàng khác mở rộng nhiều chi nhánh thì TPBank làm sao cho ít chi nhánh để tiết kiệm chi phí và phát triển online. Nhưng muốn thay đổi cũng thay đổi từ từ, thấy hướng đi thì từng bước phát triển nó, từng bước thử nghiệm và vẫn duy trì phát triển cái đang có.

Vì vậy, TPBank đã phát triển dịch vụ hỗ trợ khách hàng không cần đến ngân hàng, trong đó có mô hình Livebank - giao dịch trực tuyến hoạt động 24/7, khách hàng có thể thực hiện gần như toàn bộ các nhu cầu giao dịch với ngân hàng mà không bị giới hạn bởi địa điểm cũng như thời gian nhờ ứng dụng các công nghệ mới nhất trên thế giới.

Ông Tú cho biết TPBank đưa Livebank ra thị trường thì sau 3 tháng, ngân hàng ở Mỹ mới thực hiện cái đầu tiên. Ông tin rằng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, Internet nếu gắn kết được thì hướng phát triển của Việt Nam có thể giống như các thị trường tiên tiến khác, thậm chí còn đi nhanh hơn.

Ngọc Điểm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/bi-quyet-nguoc-dong-cua-nguoi-lam-nen-thuong-hieu-diana-tai-thiet-tpbank-20171121053247841p147c160.news