Bí quyết học môn Lịch sử của nữ sinh đạt điểm mười

Đối với Nhi, Lịch sử sẽ không còn là môn học khô khan khi chính bản thân người học nhìn nó dưới góc nhìn tích cực, hiểu các sự kiện diễn ra và tri ân sự hi sinh của bao thế hệ cha anh ngã xuống để đem lại cuộc sống hòa bình hôm nay cho mình và mọi người xung quanh.

Em Cao Hoàng Thục Nhi, học sinh Trường THPT Cam Lộ (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) là thí sinh duy nhất của tỉnh Quảng Trị đạt điểm 10 tuyệt đối môn Lịch sử trong kì thi THPT Quốc gia 2019. Với 27,25 điểm, chưa cộng điểm ưu tiên vùng (8,75 điểm môn Địa lý; 8,5 điểm môn Văn và 10 điểm môn Lịch sử), em Nhi đã đỗ nguyện vọng 1, trở thành tân sinh viên ngành Luật của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Điều đáng tự hào, sau mỗi mùa thi nhiều người nhắc về nỗi buồn môn Lịch sử thì cô nữ sinh trường huyện này lại chứng minh môn Lịch sử không hề khô khan với những con số sự kiện mà đó là những bài học đáng nhớ và cần nhớ.

Em Cao Hoàng Thục Nhi (bên trái) cùng bạn học.

Em Cao Hoàng Thục Nhi (bên trái) cùng bạn học.

Em Nhi chia sẻ, cũng như nhiều môn học khác, Lịch sử cần có phương pháp học đúng thì mới hiểu và yêu thích. Nếu chỉ học thuộc thì sẽ rất nhanh quên nên em hệ thống kiến thức trong sách giáo khoa theo một trình tự logic để khi nhắc đến vấn đề gì là em có thể đặt ra nhiều dạng câu hỏi hướng đến một nội dung cần trả lời.

Ngoài ra để học tốt môn Lịch sử, ngoài sách giáo khoa, em còn học mọi lúc, mọi nơi thông qua các chương trình liên quan đến lịch sử như các chương trình chiếu trên tivi, đọc báo, tìm nguồn tư liệu trên mạng.

Thậm chí, đến một địa danh lịch sử nào đó là em lục lại kiến thức để học trực quan cho dễ nhớ.Với những vấn đề khó ghi nhớ thì Nhi tìm đến thầy cô để hỏi, trao đổi và học hỏi thêm các phương pháp của bạn bè. Để hiểu sâu hơn, nắm vững hơn kiến thức lịch sử, Nhi còn luôn chú ý học kỹ các bài văn và địa có liên quan đến các sự kiện lịch sử.

“Bằng cách đó, học môn Lịch sử sẽ bớt khô khan hơn.Với hình thức thi trắc nghiệm vài năm trở lại đây, em dùng phương pháp học luận để không bị nhầm lẫn trong quá trình chọn đáp án. Trong đó, các từ khóa lịch sử rất quan trọng. Nắm được điều này thì có thể dễ dàng trả lời được những câu hỏi có tính vận dụng cao. Việc học luận cũng tránh được các con số sự kiện khô khan phải nhớ thuộc lòng một cách máy móc. Bên cạnh đó em làm nhiều đề thi thử, phát hiện những chỗ hỏng kiến thức để có phương pháp bổ sung kịp thời”, Nhi bộc bạch.

Nói về điểm 10 môn Lịch sử trong kì thi THPT Quốc gia 2019, Nhi thổ lộ: “Em khá bất ngờ và rất vui vì đạt được điểm tối đa. Thật ra lúc vừa làm bài thi xong em cũng hơi lo lắng vì có vài câu hỏi khó em không chắc chắn. Khi làm bài em đọc kỹ từng câu hỏi, làm câu dễ trước, câu khó sau”.

“Hồi lớp 8 em được xem các bộ phim tài liệu, phóng sự truyền hình về lịch sử Việt Nam thế là em thích môn học Lịch sử luôn. Em cảm thấy rất tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông mình và nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống để có cuộc sống hòa bình hôm nay”, Nhi tâm sự.

Nhi sớm có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Năm lớp 9 em đạt giải khuyến khích kì thi học sinh giỏi toàn tỉnh. Lớp 11 và 12 đều đạt giải Nhì kì thi này. Trở thành tân sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Nhi bắt đầu những bước đi đầu tiên trên hành trình chinh phục những kiến thức về luật mà em yêu thích.

Nhắn nhủ với các bạn học sinh sau mình, Nhi bảo: “Lịch sử sẽ không còn là môn học khô khan khi chính bản thân người học nhìn nó dưới góc nhìn tích cực, hiểu các sự kiện diễn ra và tri ân sự hi sinh của bao thế hệ cha anh ngã xuống để đem lại cuộc sống hòa bình hôm nay cho mình và mọi người xung quanh”.

Thanh Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/bi-quyet-hoc-mon-lich-su-cua-nu-sinh-dat-diem-muoi-557904/