Bí quyết hóa giải căng thẳng khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn sẽ xảy ra nhưng nếu gặp phải, xử lý sao cho đúng không phải ai cũng biết.

Khi xảy ra va chạm giao thông, hung hăng không phải là cách giải quyết được vấn để giữa các chủ phương tiện

Khi xảy ra va chạm giao thông, hung hăng không phải là cách giải quyết được vấn để giữa các chủ phương tiện

Hàng ngày trên đường phố xảy ra rất nhiều những tình huống va chạm giao thông, mỗi trường hợp lại có cách xử lý khác nhau. Có người sau va chạm thì nhã nhặn, hòa giải, thậm chí không đòi bồi thường nhưng cũng có trường hợp tranh cãi, dùng vũ lực để giải tỏa cơn tức giận dẫn đến những vụ việc đáng tiếc.

Muôn hình vạn trạng cách giải quyết tai nạn

Sau va chạm giao thông, nhiều người tìm đến bạo lực hay những có hành động thiếu kiềm chế để giải quyết mâu thuẫn trong cơn nóng giận nhất thời... từ đó để lại những hệ lụy, hậu quả đáng tiếc.

Điển hình, vụ việc xảy ra vào tối 30/10/2018 tại Cầu Giấy (Hà Nội), chỉ vì va chạm nhẹ trên đường, sau khi không tìm được tiếng nói chung, tài xế chiếc Mazda CX-5 đã dùng súng cao su bắn vào bụng, dùng đèn tuýp vụt vào mặt và cuối cùng là điều khiển ô tô cán qua người tài xế taxi rồi bỏ trốn.

Trước đó ngày 11/4/2018, trên phố Xã Đàn (Hà Nội) sau vụ va chạm, vì quá cay cú, tài xế ô tô bán tải đã cố tình nhấn ga đâm thanh niên đi xe máy, cuốn nạn nhân cùng phương tiện vào gầm xe, tóe lửa trên đường trước sự hãi hùng của hàng trăm người…

Ở mức độ nhẹ nhành hơn, nhiều người sau khi xảy ra va chạm thường có những hành động to tiếng, hăm dọa để gây áp lực với đối phương. Có thể thấy, điểm chung của những vụ va chạm giao thông giải quyết bằng tranh cãi, bạo lực hầu như đều không đạt được mục đích cuối cùng là xử lý hậu quả thế nào.

Bên cạnh những vụ việc các tài xế không giữ được bình tĩnh thì cũng có những câu chuyện đáng để suy ngẫm về cách hành xử sau khi va chạm giao thông. Như trường hợp một lái xe sau khi bị một chị đi xe máy chở đậu hũ ra chợ lao vào đuôi xe ô tô khi dừng đèn đỏ, làm móp phần vỏ xe. Thay vì tỏ thái độ hay quát nạt, tài xế này đã từ tốn xuống đỡ xe cho người phụ nữ, đưa vào quán nước ven đường để phân tích cái sai của chị. Sau khi biết hoàn cảnh khó khăn của người gây thiệt hại cho chiếc xe của mình, tài xế đã không yêu cầu bồi thường và vui vẻ lên xe đi tiếp.

Nên hành xử thế nào khi xảy ra va chạm giao thông?

Luật sư Trần Đăng Ngọc Sơn (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, để là người có hành xử văn minh khi có va chạm giao thông thì đầu tiên cần giữ kiềm chế, không tỏ thái độ tiêu cực, hạn chế lời ăn tiếng nói khiến tăng thêm hiềm khích đôi bên. Tiếp đến, cần kiểm tra những thiệt hại từ vụ va chạm. Trong trường hợp không có quá nhiều thiệt hại xảy ra thì đôi bên có thể thương lượng giải quyết tại chỗ. Nên giải quyết nhanh rồi tiếp tục tham gia giao thông để tránh gây ùn tắc. Trong trường hợp có thiệt hại lớn về tài sản hoặc tính mạng thì nên giữ nguyên hiện trường vụ va chạm. Không xê dịch, thay đổi vị trí các phương tiện và thông báo cho cơ quan công an gần nhất đến giải quyết, đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để đảm bảo sức khỏe, tính mạng.

“Trong các vụ va chạm giao thông, nếu có những hành vi ứng xử không đúng mực như dùng hung khí, lời nói thô tục,…hoàn toàn có thể là các cơ sở dẫn tới xử lý hình sự. Ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân hiện nay còn rất kém. Vì vậy hãy nâng cao ý thức và trách nghiệm của mình vì một xã hội văn minh”, Luật sư Trần Đăng Ngọc Sơn đưa ra lời khuyên.

“Thay vì những màn ẩu đả, mọi người có thể lựa chọn cách giải quyết văn minh hơn, vừa tránh phiền phức cho mình lại khiến đối phương nể phục. Điều này vừa giúp xây dựng văn hóa giao thông, mặt khác cũng là cách nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Khi họ mắc lỗi và được phân tích, nói chuyện tử tế, họ sẽ nhanh chóng nhận ra lỗi sai của mình hơn là việc lao vào tranh cãi ẩu đả”, Luật sư Sơn cho hay.

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm từng đưa ra lời khuyên để đối phó với những trường hợp nguy hiểm sau khi xảy ra va chạm giao thông: “Trong trường hợp này, tài xế cần giữ được bình tĩnh, lắng nghe người bị va chạm và nói chuyện với thái độ chăm chú, cầu thị. Nếu nhận thấy người bị va chạm không bị thương, xe không hư hỏng nặng, có thái độ hung hăng, tài xế không nên tiến đến hiện trường nơi va chạm mà hãy giữ khoảng cách an toàn. Khi phần lỗi rõ ràng thuộc về mình, cần nhẹ nhàng xin lỗi, nếu họ yêu cầu bồi thường, chấp nhận thương lượng bồi thường hợp lý. Trong trường hợp họ đòi bồi thường quá cao, vô lý, có biểu hiện ăn vạ, đám đông gây áp lực, tài xế cần phải tạo cớ trì hoãn để nhờ sự trợ giúp của cơ quan chức năng. Nhưng khi lỗi thuộc về người kia, sau khi để họ nói xong, tài xế cần nhẹ nhàng phân tích dựa trên cơ sở luật giao thông đường bộ. Nếu họ nhận thức được mới tính đến việc bồi thường.

Khi xảy ra va chạm giao thông, dù có lỗi cũng không nên bỏ chạy mà cần nhẹ nhàng xin lỗi, thương lượng bồi thường. Trong trường hợp xe gây tai nạn bỏ chạy, hãy ghi lại đặc điểm của chiếc xe và báo với cơ quan công an gần nhất để được xử lý chứ không liều lĩnh đuổi theo”.

Anh Nguyễn Quốc Huy (Nghệ An) với kinh nghiệm lâu năm làm tài xế chia sẻ: “ Tôi đã chứng kiến rất nhiều cuộc va chạm giao thông, ngay cả bản thân tôi cũng đã từng bị va chạm. Với quan điểm vì một xã hội văn minh, đâu cần phải nặng lời hay đánh nhau làm gì, cứ bình tĩnh nói chuyện mà giải quyết. Nếu không giải quyết được, hãy nhờ đến công an. Như vậy mới là văn minh khi xảy ra va chạm”.

Lưu Trang

Nguồn Xe Giao Thông: http://xe.baogiaothong.vn/bi-quyet-hoa-giai-cang-thang-khi-va-cham-giao-thong-d409742.html