Bí quyết giúp Hàn Quốc xử lý tốt trong đại dịch Covid-19

Sau Trung Quốc, Hàn Quốc là nước thứ hai trên thế giới từng bùng phát ổ dịch Covid-19 lớn nhưng đã khống chế, giảm hẳn các ca nhiễm mới. Đặc biệt, tỷ lệ ca tử vong mới ở nước này chỉ hơn 1%, thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Cuộc chiến chống đại dịch vẫn còn dài, nhưng ít nhất họ đã tránh được viễn cảnh xảy ra khủng hoảng nằm ngoài tầm kiểm soát.

Hàn Quốc mặc dù có khoảng 8.900 bệnh nhân dương tính với Covid-19 nhưng mới chỉ có 104 trường hợp tử vong. Sau khi 5 bệnh nhân qua đời do không có giường bệnh, tất cả những người có triệu chứng nghiêm trọng đều được nhập viện. Và trong số các ca tử vong, không có ai là bác sỹ hay y tá.

Hàn Quốc được ghi nhận là nước thứ hai sau Trung Quốc hãm được tốc độ lây lan nhanh của dịch Covid-19

Hàn Quốc được ghi nhận là nước thứ hai sau Trung Quốc hãm được tốc độ lây lan nhanh của dịch Covid-19

Bài toán về cơ sở vật chất

Khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt hàng ngày, việc thiếu giường bệnh, khẩu trang phòng dịch, vật tư, nhân viên y tế, đều là mối lo chung ở các quốc gia. Ở Italia, nơi số ca tử vong hiện đang vượt xa Trung Quốc, các bệnh viện buộc phải lựa chọn bệnh nhân nặng nào mới được đưa vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Một số nhà lập pháp Anh đang kêu gọi các quan chức y tế trưng dụng giường bệnh từ các bệnh viện tư nhân. Trung Quốc giải quyết tình trạng thiếu giường bằng cách xây dựng 2 bệnh viện tạm thời ở thành phố Vũ Hán và lập 16 bệnh viện dã chiến khác. Tại Mỹ, một số thành phố lớn dự tính chuyển đổi toàn bộ khách sạn thành bệnh viện, trong khi nhóm bệnh viện lớn nhất của đất nước cảnh báo về tình trạng thiếu khẩu trang phòng dịch.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, Hàn Quốc có một lợi thế là số giường bệnh tính trên đầu người khá cao. Cụ thể là họ có hơn 12 giường bệnh/1.000 người, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ chỉ là gần 3 giường bệnh/1.000 người. Trong những ngày đen tối nhất của đợt bùng phát dịch Covid-19, Hàn Quốc đã không có đủ bác sĩ và y tá để điều trị cho người bệnh, bệnh nhân đã qua đời trong khi đang chờ đến lượt được sắp xếp giường nằm. Tuy nhiên, nước này đã xoay xở để khắc phục tình trạng xấu đi nhanh chóng bằng cách xử lý khủng hoảng khá sáng tạo, nhất là giải quyết tình trạng thiếu giường bệnh. “Chúng tôi buộc phải bước vào cuộc chiến trong khi chỉ còn rất ít thời gian. Nếu không bảo đảm về cơ sở vật chất, tỷ lệ tử vong của chúng tôi sẽ giống với các quốc gia khác” - ông Min Pok-kee, người đứng đầu nhóm phản ứng về dịch Covid-19 Hàn Quốc tại tâm dịch Daegu chia sẻ.

47 nước đã đề nghị nhập khẩu bộ xét nghiệm Covid-19 do Hàn Quốc sản xuất

Phân loại và huy động giường bệnh tư nhân

Quyết định mang tính bước ngoặt là vào ngày 1-3, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc ngừng tiếp nhận mọi bệnh nhân nhiễm Covid-19 vào bệnh viện. Thay vào đó, họ chia bệnh nhân thành 4 nhóm dựa trên các tiêu chí: Không có triệu chứng, nhẹ, nặng và nguy kịch. Chỉ bệnh nhân nặng và nguy kịch mới cho nhập viện với triệu chứng là sốt cao, khó thở hoặc từ 50 tuổi trở lên, theo hướng dẫn từ Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc. Việc phân loại này có một số điểm tương đồng với Vũ Hán (Trung Quốc). “Kết quả, khoảng 80% trường hợp là nhẹ, chứng tỏ chỉ khoảng 10% số bệnh nhân cần điều trị y tế tại bệnh viện được trang bị đầy đủ. Qua phân loại, chúng tôi có thể tập trung vào điều trị cho bệnh nhân nặng và nguy kịch để giúp giảm tỷ lệ tử vong” - ông Son Young-rae, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết.

Những người trẻ tuổi và không có triệu chứng được đưa tới các khu ký túc xá thuộc sở hữu của các hãng lớn như Công ty Bảo hiểm nhân thọ Samsung, Công ty LG… có trang bị giường, tivi và wifi. Đầu tháng 3, khoảng 3.000 người đã được chuyển đến hơn 10 ký túc xá được phê duyệt là cơ sở điều trị dân cư. Các tòa nhà này thường là nơi đào tạo dài ngày cho nhân viên, tách biệt với trụ sở chính nhưng các doanh nghiệp lớn sẵn sàng cho chính phủ mượn. Nhà nước bỏ tiền thuê nhân viên và cơ sở vật chất tại các khu này.

Quyết định nói trên nhằm đảm bảo rằng các cá nhân có nguy cơ thấp vẫn bị cách ly dưới sự giám sát của chính phủ. Vào ngày 15-3, khoảng 5.000 bệnh nhân ở Daegu được đưa về 70 bệnh viện hoặc khu nhà ở cho nhân viên trên toàn quốc. Đáng nói, việc chia tách bệnh nhân nhẹ cũng giảm đáng kể tình trạng thiếu nhân sự vốn rất căng thẳng ở giai đoạn đầu tiên. Một cơ sở 200 bệnh nhân như vậy chỉ cần khoảng 10 nhân viên y tế. Tình trạng nào xấu đi được chuyển ngay đến một bệnh viện gần đó.

Các container cũ được chuyển đổi thành phòng khám tạm thời trong sân một bệnh viện ở Daegu thời kỳ dịch bùng phát đỉnh điểm

4 bài học từ kinh nghiệm của Hàn Quốc

Bên cạnh đó, trong một bài viết đăng vào tuần vừa rồi, tờ New York Times cũng đã lý giải vì sao Hàn Quốc có thể chặn đứng tốc độ lây nhiễm Covid-19, từ đỉnh điểm 909 ca nhiễm mới của ngày 29-2 xuống con số khoảng 100 ca/ngày hiện nay, trong đó nêu ra 4 bài học dưới đây:

Thứ nhất: Can thiệp nhanh trước khi xảy ra khủng hoảng. Chỉ 1 tuần sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào tháng 1-2020, chính phủ đã gặp mặt đại diện các công ty y tế hàng đầu, kêu gọi họ phát triển ngay bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 để sản xuất hàng loạt. Nước này hiện có khả năng sản xuất 100.000 bộ xét nghiệm mỗi ngày và 47 nước đã đặt hàng nhập khẩu sản phẩm này. Hàn Quốc cũng nhanh chóng áp dụng các biện pháp khẩn cấp ở Daegu, thành phố có 2,5 triệu dân vốn là nơi bệnh dịch lây lan mạnh. “May mắn là chúng tôi xác định được nguồn lây nhiễm chính từ khá sớm. Nếu biết muộn hơn, mọi thứ có thể còn tồi tệ hơn nhiều” - ông Ki Mo-ran, một nhà dịch tễ học tư vấn về phòng dịch cho chính phủ nói.

Thứ hai: Xét nghiệm sớm, thường xuyên và đảm bảo an toàn. Hàn Quốc đã thực hiện số lượt xét nghiệm Covid-19 nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào. Điều đó cho phép họ nhanh chóng cách ly và điều trị cho nhiều người ngay sau khi họ bị nhiễm bệnh. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nhận định, xét nghiệm rộng khắp là chìa khóa giúp Hàn Quốc có tỷ lệ tử vong thấp trong vụ dịch này. Để các bệnh viện và phòng khám không bị quá tải, Hàn Quốc đã mở 600 trung tâm xét nghiệm để sàng lọc càng nhiều người càng tốt, càng nhanh càng tốt và giữ an toàn cho nhân viên y tế bằng cách giảm thiểu tiếp xúc. Tại 50 trạm xét nghiệm lưu động, bệnh nhân được đo thân nhiệt, lấy mẫu trong vòng 10 phút, kết quả được thông báo trong vòng vài giờ. Tin nhắn công cộng không ngừng thúc giục người Hàn Quốc tìm kiếm xét nghiệm nếu họ hoặc ai đó họ có các triệu chứng.

Thứ ba: Truy vết, cách ly và giám sát. Khi ai đó phát hiện dương tính với Covid-19, thông tin và quá trình tiếp xúc của bệnh nhân sẽ nhanh chóng được tìm ra từ hệ thống camera an ninh, hồ sơ thẻ tín dụng, thậm chí dữ liệu GPS từ ô tô và điện thoại di động của họ. Các cuộc điều tra dịch tễ học này được ví như thám tử và trong thời điểm khủng hoảng vì dịch bệnh, Hàn Quốc đã sửa đổi luật, đề cao an sinh xã hội hơn là quyền riêng tư cá nhân. Người Hàn Quốc cũng đã chấp nhận việc mất quyền riêng tư như một sự đánh đổi cần thiết. Cũng nhờ áp dụng công nghệ, người sử dụng điện thoại di động ở Hàn Quốc được cập nhật từng giờ, từng phút về các ca nhiễm mới, lịch trình di chuyển của họ và được khuyến khích đi xét nghiệm nếu có thể đã tiếp xúc với bệnh nhân. Những người nằm trong diện kiểm dịch phải cập nhật ứng dụng để chịu sự giám sát và nếu vi phạm, họ có thể bị phạt tới 2.500 USD.

Thứ tư: Sự tin tưởng và ủng hộ của người dân. Chính phủ Hàn Quốc thẳng thắn thừa nhận không đủ nhân viên y tế hay máy quét thân nhiệt để giám sát tất cả mọi người. Họ cho rằng cuộc chiến chống dịch thành công hay không phụ thuộc vào việc dân chúng có được thông báo đầy đủ và hợp tác hay không. Các cuộc khảo sát cho thấy, đa số người dân Hàn Quốc tin tưởng vào các nỗ lực của chính phủ nên không có sự hoảng loạn tinh thần hay hiện tượng đầu cơ tích trữ. “Sự tin tưởng này đã dẫn đến kết quả là công dân nhận thức về tình hình dịch bệnh và tự nguyện hợp tác rất cao” - ông Lee Tae-ho, Thứ trưởng Ngoại giao nói.

“Các cuộc khảo sát cho thấy, đa số người dân Hàn Quốc tin tưởng vào các nỗ lực của chính phủ nên không có sự hoảng loạn tinh thần hay hiện tượng đầu cơ tích trữ. Sự tin tưởng này đã dẫn đến kết quả là công dân nhận thức về tình hình dịch bệnh và tự nguyện hợp tác rất cao”

Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae-ho

Hải Yến (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/bi-quyet-giup-han-quoc-xu-ly-tot-trong-dai-dich-covid19/848442.antd