Bí quyết duy trì số ca mắc COVID-19 thấp ở Nhật Bản

Văn hóa trách nhiệm tập thể là một trong những bí quyết giúp Nhật Bản duy trì số ca mắc ở mức tương đối thấp trong suốt đại dịch COVID-19 .

Người dân đeo khẩu trang đi bộ trên phố giữa đại dịch COVID-19 ở Tokyo, Nhật Bản hôm 19/1. Ảnh: Reuters

Người dân đeo khẩu trang đi bộ trên phố giữa đại dịch COVID-19 ở Tokyo, Nhật Bản hôm 19/1. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin CNA, tại một ngôi đền ở vùng ngoại ô Asagaya, phía tây Tokyo, cô Michiko Kubo và chồng, mỗi người đeo 2 chiếc khẩu trang, hòa vào dòng người đứng cách nhau 1 mét để chào năm mới 2022.

“Năm ngoái, chúng tôi ở nhà theo yêu cầu của chính phủ, tránh đến những nơi đông người, để ngăn dịch bệnh lây lan. Nhưng giờ đây, chúng tôi cảm thấy mình được bảo vệ khi đã tiêm phòng và đeo khẩu trang”, cô Kubo, 45 tuổi, cho biết.

Dưới ánh nắng nhẹ của mùa đông, các tình nguyện viên đi đến từng nhóm người, lịch sự nhắc nhở mọi người thực hành giữ khoảng cách an toàn.

Mặc dù số ca nhiễm do biến thể Omicron gây ra đang gia tăng, nhưng các ca nhiễm ở Nhật Bản nhìn chung vẫn còn thấp so với hầu hết các nước phương Tây. Tính đến giữa tháng 1, quốc gia này đã ghi nhận khoảng 1,9 triệu ca COVID-19 và gần 18.500 ca tử vong. Trong khi đó, Vương quốc Anh – quốc gia có dân số bằng một nửa Nhật Bản – đã ghi nhận trên 15 triệu ca mắc với 152.000 ca tử vong.

Ý thức tuân thủ quy định phòng dịch

Một trong những lý do khiến Nhật Bản vẫn duy trì số ca mắc ở mức tương đối thấp đó là người dân tuân thủ quy định đeo khẩu trang phòng dịch.

Giáo sư Yoshiaki Katsuda tại Đại học Phúc lợi xã hội Kansai, Osaka, cho biết: “Người Nhật rất thoải mái khi đeo khẩu trang và rửa tay, hai yếu tố quan trọng giúp ngăn virus lâu lan. Người dân cũng rất có ý thức tuân thủ các quy định phòng dịch khác. Nhìn chung, những thói quen hình thành từ thời thơ ấu đã ăn sâu vào ý thức của mỗi người dân, đã mang lại hiệu quả cao trong việc phòng dịch COVID-19”.

Ông Katsuda nói thêm rằng đeo khẩu trang y tế khi bị cảm cúm thông thường hoặc ho cũng được coi là một thói quen trong xã hội Nhật Bản.

“Khi còn nhỏ, chúng tôi đã được dạy cách bảo vệ người khác khỏi nhiễm bệnh của mình bằng cách giữ khoảng cách xã hội. Điều này gần như được coi là trách nhiệm của mỗi công dân”, ông Katsuda giải thích,

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết khẩu trang là biện pháp chính giúp giảm lây nhiễm và bảo vệ sức khỏe của mỗi người. Khẩu trang nên được sử dụng như một phần của chiến lược toàn diện về các biện pháp phòng bệnh COVID-19. Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus đã đề cao việc tuân thủ các quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội của người dân Nhật Bản. Năm 2020, ông đã ca ngợi việc xử lý đại dịch ở quốc gia này là một thành công.

Vai trò của chính phủ

Một con phố ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Trong khi những thói quen xã hội lâu đời đã trở thành yếu tố quan trọng trong việc phòng dịch COVID-19, những chiến lược của chính phủ cũng đóng vai trò then chốt. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã sớm thiết lập một đường dây nóng miễn phí giúp giải đáp thắc mắc của công chúng về dịch bệnh và cũng đang thúc đẩy “lối sống mới” để giảm thiểu lây nhiễm.

Trên trang web của boo, người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang như một phần của 3 biện pháp phòng dịch cơ bản, ngoài giãn cách xã hội và rửa tay thường xuyên. Các nhân viên chính phủ tại các thành phố địa phương cũng đã liên kết với các chuyên gia y tế để thông báo và khuyến khích người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch an toàn.

Khi Nhật Bản đối mặt với sự bùng phát của các ca nhiễm liên quan đến biến thể Delta vào năm ngoái, chính phủ đã triển khai các nhóm vận động đến các khu vực có nguy cơ cao, như các khu phố mua sắm, để kêu gọi mọi người tự bảo vệ mình trước virus SARS-CoV-2.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã đưa ra nhiều chiến dịch truyền thông, với sự góp mặt của các y bác sĩ, để xoa dịu nỗi lo của công chúng về việc tiêm chủng. Gần 90% dân số Nhật Bản đã tiêm hai mũi vaccine và chính phủ đã thông báo vào đầu tuần trước rằng họ sẽ đẩy nhanh việc triển khai các mũi tiêm nhắc lại.

Giới chức cho biết Nhật Bản cần phải cảnh giác trước mối đe dọa từ biến thể Omicron và cam kết giải quyết tình trạng thiếu giường bệnh mà Nhật Bản lần đầu tiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào năm 2020.

Theo Giáo sư Katsuda, cam kết của Nhật Bản trong việc chiến đấu với đại dịch - được các nhà lãnh đạo hàng đầu làm gương tuân thủ như tất cả các công dân bình thường – là minh chứng cho văn hóa trách nhiệm tập thể trong thời kỳ khủng hoảng.

Cách tiếp cận tập thể

Người dân đeo khẩu trang đi xuống nhà ga tàu điện ngầm ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Ông Kazuya Nakayachi, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Doshia, tin rằng việc tập trung vào phương pháp tiếp cận tập thể đối với đại dịch đã giúp Nhật Bản tránh khỏi tình trạng thường xuyên bị phong tỏa và phải áp đặt các biện pháp khắc nghiệt.

Hồi tháng 2 năm ngoái, một đạo luật mới nhằm tăng cường thực thi các hạn chế COVID-19 đã được thông qua. Các doanh nghiệp vi phạm quy định phòng dịch, như không đóng cửa khi chính phủ yêu cầu, có thể bị phat tiền. Mặc dù vậy, trước khi luật được thông qua, hầu hết các trường học, phòng tập thể dục và nhà hàng đã tuân thủ qui định này, đóng cửa hoạt động khi chính phủ yêu cầu.

Theo dữ liệu từ chính quyền Tokyo, ngay cả khi không bị dọa phạt tiền, 90% trong số 300.000 nhà hàng được khảo sát đã tuân thủ các yêu cầu đóng cửa sớm.

Ở cấp độ cá nhân, Giáo sư Nakayachi nhắc lại tầm quan trọng của văn hóa, trái ngược với y tế, là lý do khiến người Nhật có xu hướng tuân thủ quy định đeo khẩu trang một cách nghiêm ngặt.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí học thuật Frontiers in Psychology, ông Nakayachi cho biết: “Sự phù hợp với chuẩn mực xã hội là động lực lớn nhất để đeo khẩu trang. Nhưng nhìn chung, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng thói quen giám sát nhau của người Nhật trong trường hợp khẩn cấp đã góp phần mang lại kết quả tích cực trong cuộc chiến chống COVID-19."

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bi-quyet-duy-tri-so-ca-mac-covid19-thap-o-nhat-ban-20220124111050231.htm