Bí quyết đem lại sự thành công của vợ chồng Bill Gates doanh nghiệp nào cũng có thể học hỏi

Đó là một bài học về trí thông minh cảm xúc. Khả năng giải quyết những bất đồng của gia đình nhà Gates có thể là bài học dành cho các tập thể ở bất cứ quy mô nào.

Khi Bill và Melinda Gate kết hôn, bố mẹ của ông Bill đã tặng cho đôi vợ chồng một món quà thú vị: một tác phẩm điêu khắc hình 2 chú chim ngồi cạnh nhau và cùng nhìn về một hướng. 24 năm sau, bà Melinda cho biết bức tượng vẫn nằm ở trước cửa ngôi nhà của họ.

Vào năm 2018, Melinda đã từng viết: “Tôi nghĩ về nó mọi lúc, vì về cơ bản, chúng tôi đang cùng nhìn về một hướng.” Và sự thật có vẻ đúng như vậy. Ngoài việc kết hôn và cùng nhau nuôi dạy 3 người con, cả hai đã làm việc cùng nhau trong một thời gian dài để điều hành tổ chức từ thiện của họ, Quỹ Bill & Melinda Gates.

Nhưng bất kỳ cặp vợ chồng nào cũng đều có thể cảm nhận rằng chung sống và làm việc cùng nhau không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là cùng với sự xuất hiện của những đứa con. Vậy bí quyết của gia đình nhà Gates là gì?

Một bài đăng trên blog của Bill Gates đặt ra một câu hỏi hóc búa cho vợ chồng Gates: “Hai người đã xử lý bất đồng như thế nào?”.

Câu trả lời của họ tiết lộ những bài học quan trọng cho các nhóm dù lớn hay nhỏ. Đó là một bài học về trí thông minh cảm xúc, khả năng xác định, thấu hiểu và quản lý cảm xúc.

Phẩm chất này là vô giá khi làm việc nhóm, vì cảm xúc đóng một vai trò rất lớn trong giao tiếp của chúng ta với người khác trong công việc và cuộc sống thường ngày.

Vậy Bill và Melinda đã sử dụng trí thông minh cảm xúc để giải quyết những thách thức lớn nhất của họ như thế nào?

Họ thể hiện sự đồng cảm

Đồng cảm là một trong những phẩm chất mà chúng ta đều muốn người khác thể hiện với mình, nhưng chiều ngược lại thì không hề dễ dàng, đặc biệt là khi chúng ta không tán thành với ý kiến của họ.

Melinda viết: “Tôi yêu Bill vì anh ấy có một trái tim nhân hậu, biết lắng nghe người khác và cho phép bản thân cảm động trước những gì họ nói. Khi tôi kể một câu chuyện về những thứ tôi nhìn thấy, anh ấy cảm nhận được điều đó. Anh ấy có thể yêu cầu tôi thu thập thêm dữ liệu, nhưng anh ấy không nghi ngờ tính thực tế trong những trải nghiệm của tôi hay sự đúng đắn trong nhận định của tôi.”

Mô tả của Melinda về hành vi của Bill là một mô tả hoàn hảo về sự đồng cảm:

1- Đầu tiên, hãy lắng nghe

2- Cảm thông với cảm xúc của người đối diện

3- Không phán xét

Điều này nói dễ hơn làm vì xu hướng của nhiều người là bác bỏ cảm xúc hoặc trải nghiệm của người khác. Ví dụ, hãy nghĩ đến một thời điểm khi một thành viên trong nhóm của bạn (hoặc gia đình hoặc một người bạn) phàn nàn với bạn về một điều gì đó mà bạn chỉ coi đó là một vấn đề nhỏ nhặt.

Tuy nhiên, khi bạn có thể tìm ra cách để đồng cảm với người đối diện, bạn sẽ tự bộc lộ điều này trong từ ngữ bạn sử dụng, giọng điệu bạn nói, nét mặt, và thậm chí cả ngôn ngữ cơ thể của bạn.

Sự đồng cảm đóng vai trò nền tảng tuyệt vời cho bất kỳ mối quan hệ nào, vì khi ai đó thể hiện sự đồng cảm với bạn, bạn sẽ có xu hướng hành động tương tự.

Họ đưa ra những phản hồi (feedback) có giá trị

Bill viết: “Một số người coi Melinda là trái tim của quỹ tài trợ của chúng tôi, cốt lõi về mặt cảm xúc. Nhưng cũng như việc cô ấy biết rằng tôi giàu cảm xúc hơn mọi người nghĩ, tôi biết cô ấy phân tích nhiều hơn mọi người biết.”

Bill nói rằng vợ chồng ông đã tận dụng những điểm mạnh này để giữ cho nhanh cân bằng. Bill nói: “Khi tôi thực sự say mê một thứ gì đó, tôi tin rằng cô ấy sẽ đảm bảo rằng tôi vẫn đang thực tế. Cô ấy giúp tôi hiểu khi nào tôi có thể thúc giục nhóm của chúng tôi chăm chỉ hơn (như tôi đã từng làm ở Microsoft) và khi nào tôi cần phải nới lỏng.” Tương tự, Melinda cho biết theo thời gian vợ chồng bà đã học cách phản hồi cho nhau ở nhà khi họ không đạt được mục tiêu tại nơi làm việc.

Các nhóm ở mọi quy mô có thể phát triển mạnh mẽ khi các thành viên trong nhóm có thể tin tưởng lẫn nhau để đưa ra những phản hồi mang tính xây dựng. Khi cần thay đổi, điều quan trọng không phải là xác định xem ai đúng ai sai mà trọng tâm nên được đặt vào sự cải thiện liên tục của cả một tập thể.

Trí tuệ cảm xúc tập trung vào cách đưa ra và đón nhận phản hồi theo cách tốt nhất có thể. Phản hồi nên mang tính chất giúp đỡ chứ không phải hãm hại lẫn nhau nhằm chuộc lợi cá nhân hoặc thỏa mãn cái tôi.

Họ đối xử với nhau bằng sự tôn trọng

Trong một thế giới mà phụ nữ được trao ít cơ hội hơn nhiều so với nam giới, Melinda nói rằng bà rất biết ơn vì bà và chồng đã đạt được sự bình đẳng thật sự, cả trong quan hệ hôn nhân và công việc.

Melinda viết: “Đây là sự cân bằng mà các cặp vợ chồng cũng như đồng nghiệp trên toàn thế giới đang cố gắng đạt được. Một trong những lý do khiến công việc này thật sự thú vị với tôi là vì chúng tôi đã đồng hành cùng nhau trong cuộc hành trình này.”

Bill nói thêm: “Chúng tôi là đối tác theo cả hai nghĩa mà mọi người sử dụng từ này ngày nay: tại gia đình và tại nơi làm việc.”

Mặc dù bạn có thể không làm việc cùng vợ hoặc chồng mình, nhưng có rất nhiều điều bạn cần học hỏi từ trải nghiệm của gia đình nhà Gates.

Hãy làm bất cứ điều gì để trao quyền sở hữu cho nhóm của bạn, khiến họ cảm thấy rằng họ là đối tác chứ không phải con tốt. Điều đó đồng nghĩa rằng bạn cho thành viên trong nhóm tự do khám phá và chia sẻ những ý tưởng mới, đồng thời trao thưởng khi họ làm như vậy.

Đôi khi, nó cũng có nghĩa là bạn phải học cách “disagree and commit” (tạm dịch là không đồng ý và hãy làm theo). Cụm từ này được sử dụng với ý là các thành viên của nhóm có thể tranh luận thoải mái, nhưng một khi quyết định cuối cùng đã được đưa ra thì mọi thành viên đều phải làm theo, dù cho ban đầu họ có đồng ý với nó hay không.

Một khi các thành viên trong nhóm cảm thấy họ được tôn trọng và coi trọng, và đặc biệt là nếu họ cảm thấy mình có quyền tự chủ trong công việc, họ sẽ sẵn sàng cống hiến hết mình cho tập thể.

K Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/bi-quyet-dem-lai-su-thanh-cong-cua-vo-chong-bill-gates-doanh-nghiep-nao-cung-co-the-hoc-hoi-520208910329205.htm