Bí quyết để Sơn La nằm trong tốp dẫn đầu về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

Những năm gần đây, nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, đưa cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc, phát huy vai trò các già làng, trưởng bản... ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La đã thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đây là chia sẻ của đồng chí Thiều Quang Ngãi, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Sơn La với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh việc thực hiện chính sách BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng trên địa bàn tỉnh Sơn La.

 Đồng chí Thiều Quang Ngãi, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La. (Ảnh: KT)

Đồng chí Thiều Quang Ngãi, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La. (Ảnh: KT)

Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, ngày 23/05/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH ghi dấu mốc quan trọng trong thực hiện chính sách này ở nước ta. Xin đồng chí cho biết kết quả triển khai Nghị quyết trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc phát triển bền vững đối tượng tham gia BHXH tự nguyện?

Đồng chí Thiều Quang Ngãi: Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, BHXH tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 105-KH/TU ngày 7/8/2018 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 19/9/2018 về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, Quyết định số 2831/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 về chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ. Phối hợp với các huyện, thành ủy xây dựng và đã đưa chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT vào Nghị quyết Đại hội đảng bộ các huyện, thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 và xây dựng chương trình hành động thực hiện chỉ tiêu BHXH, BHYT đề ra; tham mưu với UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT (QĐ số 699/QĐ-UBND ngày 25/3/2019 và Quyết định số 3014/QĐ-UBND ngày 30/12/2020); giao chỉ tiêu BHXH, BHYT hằng năm cho các huyện, thành phố và tới các tổ, bản, tiểu khu...nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chủ động, tích cực tuyên truyền, thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, sau hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhanh chóng. Cụ thể, năm 2018 có 4.495 người tham gia, năm 2019 đã tăng lên 12.934 người tham gia, tăng 8.439 người, tương ứng tăng 187,7% so với năm 2018; số người tham gia BHXH tự nguyện đến 31/12/2020 đã đạt 25.226 người, tăng 12.292 người, tương ứng tăng 95% so với năm 2019. Tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 3,74% lực lượng lao động toàn tỉnh.

Đưa cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc là yếu tố quyết định

PV: Như đồng chí chia sẻ, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian vừa qua đã mang lại kết quả rất tích cực, Sơn La đứng trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi đó với đặc thù là tỉnh miền núi, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, phần lớn dân số là đồng bào dân tộc ít người, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Vậy xin đồng chí chia sẻ những cách làm sáng tạo và một số kinh nghiệm trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện?

Đồng chí Thiều Quang Ngãi: Thực tiễn cuộc sống cho thấy, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La rất tin tưởng và nêu cao ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nên khi tuyên truyền, vận động chính sách BHXH tự nguyện, bà con thường rủ nhau đi dự hội nghị đông đủ, đúng giờ. Từ trước tới nay, người dân vẫn mong mỏi “có lương hưu khi về già là niềm mơ ước” và vẫn nghĩ đó là do Đảng, Nhà nước “cho” cán bộ (người đi công tác), mà chưa hiểu rằng cán bộ cũng phải đóng góp tiền lương hàng tháng để tham gia BHXH. Nhận thức điều đó, có ý nghĩa quan trọng trong triển khai tuyên truyền tại vùng sâu, vùng xa.

Mặt khác, kinh nghiệm thực tiễn rút ra đó là: Sự nhận thức trách nhiệm và sự vào cuộc cấp ủy, chính quyền nhất là hệ thống chính trị cơ sở (xã, phường, thị trấn, tổ bản, tiểu khu…) trong tuyên truyền, vận động, có vai trò quyết định, đưa chính sách xã hội vào cuộc sống, đến với người dân. Tiêu biểu là các xã Bon Phặng, Mường Khiêng, Co Tòng, Muổi Nọi (huyện Thuận Châu), xã Gia Phù (huyện Phù Yên), thị trấn Nông trường (huyện Mộc Châu), xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn)… Việc đưa cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc, phát huy vai trò các già làng, trưởng bản là yếu tố quyết định trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố tổ chức giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đến các tổ, bản, tiểu khu; mở hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu BHXH, BHYT, đề xuất đưa vào tiêu chí thi đua và đánh giá xếp loại cuối năm; các xã, phường, tổ bản xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tiếp, các hội nghị hầu hết đều có các đồng chí lãnh đạo các xã, tổ, bản tham dự và chỉ đạo, do đó người dân tin tưởng vào chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nên đã tích cực hưởng ứng, tham gia BHXH tự nguyện.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể đó là: kịp thời khen thưởng, động viên, nhân rộng những điển hình tiên tiến, đề ra các giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu. Chỉ đạo BHXH các huyện ký kết Chương trình với các tổ chức Hội, đoàn thể, đề ra những giải pháp cụ thể: Hội Cựu chiến binh (vận động hội viên là đảng viên phải có trách nhiệm tham gia BHXH tự nguyện), các cấp Hội Phụ nữ (người giữ tay hòm, chìa khóa trong gia đình) vận động hội viên, thành viên trong gia đình tham gia; rà soát, đào tạo đại lý thu BHXH tự nguyện, phân tích nhóm đối tượng tiềm năng để vận động, tạo tiền đề tích cực như: vận động thân nhân của cán bộ xã (là những người trực tiếp gần dân); gia đình quân nhân (sỹ quan tham gia cho vợ, bố mẹ...). Biên soạn bộ tài liệu tuyên truyền riêng để triển khai tại các xã, tổ, bản, tiểu khu (ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, thời gian thuyết trình nhắn, tập trung vào giải đáp thắc mắc về chính sách BHXH, BHYT; tham gia được hưởng những quyền lợi gì; mức đóng bao nhiêu sẽ được hưởng là bao nhiêu...).

Để tuyên truyền đưa chính sách BHXH của Đảng và nhà nước đến người dân, BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ các hình thức tuyên truyền, xác định tổ chức hội nghị trực tiếp tuyên truyền tại các tổ, bản là chủ yếu. Đồng thời đã phát động phong trào thi đua mỗi công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH là một tuyên truyền viên tích cực, với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” tranh thủ thời gian được nghỉ ngơi, ngày nghỉ hàng tuần đi đến từng hộ gia đình, cụm dân cư nơi khó tổ chức hội nghị để vận động tuyên truyền. Kết quả, trong năm 2020, sau 6 tháng phát động phong trào thi đua CCVC, NLĐ toàn tỉnh đã phát triển được 3.015 người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 23,3% số người tham gia năm 2020) góp phần hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Người dân đến giao dịch tại BHXH tỉnh Sơn La. (Ảnh: KT)

Sửa đổi quy định về điều kiện, thời gian đóng BHXH tự nguyện

PV: Từ thực tế địa phương, đồng chí có khuyến nghị gì để tăng độ bao phủ của BHXH nói chung, cũng như BHXH tự nguyện nói riêng để hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân?

Đồng chí Thiều Quang Ngãi: Để đạt chỉ tiêu bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, từ thực tế quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương, BHXH Sơn La đề nghị:

Chính phủ, các Bộ, Ngành khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW, sửa đổi quy định về điều kiện, về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; Quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện nhất là đối tượng người nông dân, người lao động phi chính thức không thuộc người thuộc hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện; Quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức là nam giới tham gia BHXH tự nguyện.

Ngành LĐ-TB&XH, Thanh tra và các ngành liên quan tại địa phương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng, trục lợi BHXH.

Cấp ủy, chính quyền, các ngành và đơn vị tiếp tục vào cuộc đồng bộ, hiệu quả hơn nữa, từ ban hành Nghị quyết lãnh đạo, Quyết định giao chỉ tiêu hằng năm, kế hoạch thực hiện chỉ tiêu được giao, tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân về đóng góp, tích lũy chăm lo cho cuộc sống lâu dài, tích cực tham gia BHXH; HĐND, UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Tính chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT bao gồm người cư trú trên địa bàn nhưng tham gia BHXH, BHYT tại địa bàn tỉnh khác (Sơn La là tỉnh Miền núi, kinh tế chậm phát triển, thiếu việc làm, thu nhập thấp nên người dân tham gia BHXH, BHYT ngoại tỉnh rất lớn: từ 30 – 40 nghìn người) nhưng hiện nay không được tính chỉ tiêu BHXH, BHYT của tỉnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!./.

Kim Thanh (thực hiện)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/bi-quyet-de-son-la-nam-trong-top-dan-dau-ve-phat-trien-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-579030.html