Bí quyết để cặp vợ chồng lương tháng 14 triệu có thể mua nhà sau 5 năm

Vấn đề ở đây không phải là bạn có tin hay không mà là bạn có quyết định lựa chọn cách sống giống như họ không?

Các cụ ta xưa đã đúc kết, liệu cơm gắp mắm, có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Thế nên, các cặp vợ chồng chỉ nên chi tiêu phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Vợ chồng Lương và Minh đều xuất thân từ gia đình nghèo nên từ lúc đi làm, cả 2 đều đã ý thức việc tiết kiệm. Trước khi cưới nhau, dù lương thấp nhưng vợ chồng cũng góp chung với nhau được 6 chục triệu.

Thực sự để có số tiền ấy cả 2 người đều vô cùng tiết kiệm chi tiêu. Tuy không ở chung nhưng phòng 2 người lại nấu cơm chung để tiết kiệm chi phí. Mỗi lần về quê, họ lại tha lôi rau cỏ, cá khô các kiểu lên để ăn, đỡ tiền đi chợ.

Hai vợ chồng Minh lên kế hoạch chi tiêu thật tiết kiệm để dành tiền mua nhà.

Hai vợ chồng Minh lên kế hoạch chi tiêu thật tiết kiệm để dành tiền mua nhà.

Tiền mừng đám cưới có bao nhiêu họ giữ lại tất. Ngay cả đồ đạc cưới ở quê cô cũng chấp nhận dùng đồ cũ của bố mẹ chồng để lại chứ không mua mới gì cả. Nhờ vậy, sau đám cưới, hai vợ chồng họ có được 100 triệu tiết kiệm.

Lương năm nay 26 tuổi, là giáo viên tại một trường mầm non tư thục, tiền lương được 6 triệu đồng/tháng. Minh làm xây dựng, lương 8 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập 14 triệu đồng/tháng.

Cả hai đều là dân tỉnh lẻ, hiện làm việc tại Hà Nội và có ý định sẽ bám trụ ở đây lâu dài, vì tương lai con cái sau này. Trong khi, bố mẹ hai bên gia đình đều không thuộc diện khá giả để hỗ trợ con cái mua nhà cửa, hai vợ chồng phải tự thân vận động nếu muốn mua được nhà ở Hà Nội.

Đây là lý do chính khiến họ ngay từ khi có ý định kết hôn, đã lên kế hoạch chi tiêu chi tiết để mỗi tháng bắt buộc phải tiết kiệm được 5 triệu đồng.

Sau khi cưới nhau, hai vợ chồng chỉ thuê một căn phòng trọ rộng chưa tới 20 mét vuông với giá 2 triệu đồng/tháng. Tiền điện, nước, gas, cước Internet (dùng chung với hàng xóm) hết tổng 1 triệu đồng/tháng. Tiền tiêu vặt, điện thoại của cả 2 người hết thêm 1 triệu đồng nữa.

Khoản lớn nhất chính là tiền ăn. Hai vợ chồng hầu như không đi ăn ngoài hàng, chịu khó ngày nấu cơm 3 bữa, cơm trưa đã được công ty hỗ trợ trả tiền. Bữa tối hàng ngày cũng nấu đơn giản, không cầu kỳ. Nhiều hôm chỉ có bát canh rau với chiên 3-4 quả trứng là đủ ăn. Bữa sáng lại càng đơn giản hơn, ăn mì tôm, cơm rang, nấu cơm nếp...

Thi thoảng mỗi lần về quê, họ lại được bố mẹ 2 bên cho con gà, con cá, vài chục trứng gà, thêm chục cân gạo, rau củ... Toàn đồ của nhà làm ra, vừa sạch lại đỡ tốn kém.

Nhờ đó, mỗi tháng tiền chi tiêu cho ăn uống của hai vợ chồng chỉ hết khoảng 4 triệu đồng, có tháng còn hết ít hơn. Tiền xăng xe 500.000 đồng/tháng cho cả 2 người. Thậm chí, vì công ty gần nhà trọ nên Lương còn để xe máy ở nhà và đi bằng xe đạp suốt mấy năm mặc ánh nhìn soi mói của mọi người.

Cả hai vợ chồng cố gắng hạn chế về quê, chỉ 1 lần/tháng. Mỗi lần về họ đều đi bằng xe máy (quê cách Hà Nội 80km) để tiết kiệm tiền đi lại.

Tiền mua sắm quần áo, hiếu hỷ, mua dầu gội đầu, sữa tắm, kem đánh răng,... hết 1,5 triệu đồng/tháng. Thường thì khoản tiền này không cố định, tùy vào mỗi tháng. Ví như, tháng nào không có hiếu hỷ thì mình mua quần áo, tháng nào có hiếu hỷ thì thôi không mua sắm nữa.

Cưới nhau xong Lương có bầu luôn. Cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn khi đứa trẻ ra đời. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Lương cắn răng đem gửi con cho ông bà nội ngoại ở quê nuôi giúp khi con vừa tròn 1 tuổi để đi làm vì không ai lên trông giúp được.

Biết các con khó khăn, ông bà ở quê (đều có lương hưu) nhận giúp nuôi con cho hai vợ chồng. Mỗi tháng về thăm, họ chỉ mua sữa bột hay quần áo cho con. Ở quê, chi phí sinh hoạt rẻ hơn ở thành phố nhiều, thậm chí còn không mất tiền bỉm trẻ em vì tã lót đã có ông bà giặt thường xuyên cho.

Từ ngày đưa con về quê, vợ chồng cô lao vào làm như con thiêu thân. Ngoài lương cố định hàng tháng, Minh cũng có đi làm ngoài để kiếm thêm được thu nhập. Có chuyên môn, anh nhận thêm nhiều công trình nhỏ nên việc đều đều tháng cũng có thêm 4, 5 triệu nữa.

Lương bán thêm hàng trên mạng, nhờ kinh doanh có uy tín và chịu khó, mỗi tháng cô cũng có thêm vài dăm triệu tiền thu cho gia đình.

Nhờ sống tiết kiệm, 5 năm sau khi cưới, họ đã mua được căn hộ cho riêng mình.

Sau 3 năm thực hiện theo kế hoạch, cộng thêm cả các khoản tiền thưởng ngày lễ tết, Minh còn được tăng lương 1 lần, hai vợ chồng họ vừa mới hoàn thành xong việc mua nhà trả góp. Đó là 1 căn hộ chung cư gần 800 triệu ở ngoại thành, đi làm xa 1 chút nhưng đối với những người phải đi ở thuê thì cứ có nhà là hạnh phúc rồi.

Ngoài số tiền phải trả trước gần 500 triệu, còn lại gần 300 triệu họ được cho vay trả góp trong 15 năm, tính ra 1 tháng khoảng gần 3 triệu tiền lãi.

Có được căn nhà riêng, cảm giác thoải mái vô cùng. Dù vẫn còn phải tiếp tục trả góp hàng tháng, họ vẫn cảm thấy nhẹ cả người. Tháng sau được nhận nhà, có hộ khẩu, hai vợ chồng kế hoạch sẽ về quê đón con lên sống cùng và cho cháu đi học trường mẫu giáo.

Minh chia sẻ: "Để có được căn nhà, chúng tôi đã phải tiết kiệm mua sắm các khoản tới mức tối đa. Cũng may chúng tôi có sự hậu thuẫn của 2 bên gia đình, giúp chăm sóc con cho.

Tôi nghĩ khổ trước thì sướng sau, vợ chồng đồng lòng chịu khó tiết kiệm cùng nhau cố gắng. Chúng tôi đều còn trẻ, bao giờ trả hết nợ thì chi tiêu sẽ thoải mái hơn là được. Tôi chỉ mong thu nhập của cả 2 vợ chồng ngày càng tốt và ổn định hơn để có thể lo cho việc học hành sau này của con.

Khi tôi mua nhà, hầu hết bạn bè đều ngạc nhiên, đặc biệt là những bạn ra trường đi làm có thu nhập tốt hơn tôi. Họ không thể tin được 2 vợ chồng trông nghèo kiết xác lại có thể mua được nhà chung cư 2 phòng ngủ.

Thật sự tôi nghĩ nếu vợ chồng quyết tâm thì không gì là không thể. Những lúc mệt mỏi khó khăn quá, chỉ cần nghĩ đến con còn đang ở quê với ông bà là tôi lại có động lực tiếp tục phấn đấu. "Và rồi mọi chuyện sẽ ổn cả thôi" - Tôi luôn tự nhủ mình như vậy".

Minh Khôi (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/gia-dinh-tinh-yeu/bi-quyet-de-cap-vo-chong-luong-thang-14-trieu-co-the-mua-nha-sau-5-nam-a290834.html