Bí quyết cho bài thi năng khiếu vẽ đạt điểm cao

Năng khiếu vẽ là môn khó khi thí sinh xét tuyển các khối V, H. Để đạt điểm cao trong bài thi này đòi hỏi sĩ tử phải có sự luyện tập, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Những thí sinh đam mê các ngành Mỹ thuật, Kiến trúc, Thiết kế sẽ dự thi môn năng khiếu vẽ để xét tuyển. Mỗi loại bài thi vẽ đều có những yêu cầu, tiêu chí chấm điểm riêng.

TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Trưởng khoa Kiến trúc Mỹ thuật, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã chỉ ra những điểm quan trọng trong bài thi vẽ và những bước chuẩn bị, ôn luyện cho thí sinh tại nhà.

Được dùng kết quả thi của trường khác

TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên cho biết với những trường đại học có xét tuyển khối V, H, trong đó có môn năng khiếu vẽ thường yêu cầu thí sinh dự thi vẽ mỹ thuật, hình họa mỹ thuật. Cụ thể, thí sinh sẽ vẽ đầu tượng hoặc vẽ khối tĩnh vật bằng chì hoặc vẽ trang trí màu (hướng tới tính tạo hình và tư duy thiết kế).

Các trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM đều tổ chức thi cả 3 loại hình này. Nhưng cũng có một số trường tổ chức thi trực tiếp tại trường hoặc cho thí sinh tự vẽ tác phẩm ở nhà, sau đó đến trường thi vấn đáp như ĐH Văn Lang.

"HUTECH nhận thấy các ngành như Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất, Kiến trúc đều có cơ sở ban đầu là những hình khối cơ bản như hình trụ, hình nón, hình lập phương, hình cầu và các khối kết hợp. Từ đó, sinh viên có thể sáng tạo nên những sản phẩm chuyên ngành với những ý tưởng mới lạ. Vì vậy, HUTECH tổ chức kỳ thi năng khiếu vẽ các hình khối cơ bản, ít nhất là 3 khối cơ bản", TS Quyên nói.

Trưởng khoa Kiến trúc Mỹ thuật của trường cho hay khi xét tuyển khối H, V vào các ngành liên quan của HUTECH, thí sinh có thể tham gia kỳ thi năng khiếu vẽ do trường tổ chức hoặc sử dụng kết quả thi môn vẽ của trường khác để xét tuyển.

 HUTECH tổ chức 4 đợt ôn thi môn năng khiếu vẽ miễn phí cho thí sinh trong năm nay. Ảnh: NTCC.

HUTECH tổ chức 4 đợt ôn thi môn năng khiếu vẽ miễn phí cho thí sinh trong năm nay. Ảnh: NTCC.

Những lưu ý trong các bài thi vẽ

Với loại hình vẽ bằng bút chì như đầu tượng, tĩnh vật và hình khối cơ bản, TS Ngọc Quyên khuyên thí sinh cần lưu ý về bố cục sao cho cân đối trên tờ giấy thi. Bố cục cần đảm bảo không quá to, không quá nhỏ, không lệch qua phải hay lệch qua trái cũng như không để trống phía trên hay phía dưới tờ giấy thi quá nhiều.

Trước khi vẽ, sĩ tử phải quan sát kỹ mẫu thi, dùng que đo tỷ lệ của mẫu so với giấy thi để có được bố cục cân đối và hợp lý trên tờ giấy thi.

Đối với vẽ đầu tượng, thí sinh phải đo chính xác tỷ lệ, khoảng cách các bộ phận của đầu tượng. Nếu thí sinh vẽ theo góc nhìn phải hoặc trái của mẫu thì càng phải đo kỹ hơn để đảm bảo sự chính xác, tránh tình trạng hai mắt của đầu tượng gần như bằng nhau.

Đối với vẽ tĩnh vật hoặc hình khối cơ bản, người thi nên quan sát hình mẫu, dùng que đo xác định bố cục trên giấy thi, xác định tỷ lệ tương quan to, nhỏ, cao, thấp, trên, dưới và khoảng cách giữa các mẫu với nhau (vẽ tĩnh vật hoặc hình khối cơ bản thường có ba mẫu xếp chung với nhau).

Sau khi đo và xác định được tỷ lệ chính xác, thí sinh tiến hành vẽ phác, nét vẽ nên nhẹ nhàng, áp dụng những gì đã được học về phương pháp vẽ đầu tượng, tĩnh vật hay hình khối cơ bản để tạo được bản vẽ cân đối về bố cục và tỷ lệ giữa các mẫu vẽ.

Nữ tiến sĩ trường ĐH HUTECH nhắc thí sinh quan sát mẫu vẽ và bản vẽ trên giấy một lần nữa. Nếu thấy ổn, các em bắt đầu đánh bóng, nheo mắt khi xác định những mảng sáng tối lớn nhỏ trên mẫu vẽ để tránh đi sâu vào chi tiết.

Thí sinh lưu ý không đánh đậm ngay từ đầu mà dùng nhiều nét bút chì chồng lên nhau để tạo độ đậm nhạt, qua đó sẽ có được những mảng sáng tối rõ ràng, trong trẻo. Cách này diễn tả được chất liệu của mẫu vẽ.

Thí sinh quan sát phông nền và mẫu vẽ để đánh bóng phông nền hài hòa với mẫu vẽ. Các em dùng bút chì đậm để nhấn mạnh những chỗ đậm nhất tạo chiều sâu không gian cho bài vẽ.

"Tất nhiên thí sinh dự thi vẽ cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ vẽ như các loại bút chì từ HB cho đến 2B và 3B. Bút chì HB dùng để dựng hình nhằm tránh việc dựng hình quá đậm. Bút chì 2B và 3B dùng để đánh bóng và tạo độ nhấn. Bên cạnh đó còn cần que đo, chuốt bút chì, gôm, kẹp giấy", TS Quyên dặn dò.

Tự tin và thả lỏng cơ thể

Khác với các môn thi khác, các môn năng khiếu như vẽ thí sinh phải tự luyện tập hoặc tự tìm nơi dạy. Nếu tự luyện tập tại nhà, giảng viên HUTECH khuyên các em có thể tự xếp mẫu bằng cách dùng chai thủy tinh, lọ gốm, chén ăn cơm hoặc trái cây...

Thí sinh vẽ các mẫu trên theo đúng thời gian thi để xác định được bài vẽ của mình có đạt kết quả tốt không.

Bên cạnh việc đọc thêm các trang mạng về những phương pháp dựng hình và đánh bóng mẫu vẽ bằng bút chì, thí sinh nên tập quan sát và nhận xét về tỷ lệ, độ tương phản sáng tối, từ đó rút ra cho mình nhiều kiến thức bổ ích giúp vững tin hơn khi đi thi.

Ngoài ra, tâm lý cũng là một vần đề có thể ảnh hưởng tới chất lượng bài thi của thí sinh. TS Ngọc Quyên cho biết nhiều thí sinh cảm thấy hồi hộp và căng thẳng nên nóng vội và quên những gì đã học, dẫn đến bài thi không thể hiện được như ý muốn.

Thí sinh cần giữ thái độ bình tĩnh, tự tin về những gì mình đã được học, như vậy khi bước vào phòng thi sẽ không bị hồi hộp, lo lắng.

"Cơ thể thư giãn, thả lỏng các cơ, đặc biệt là cơ bàn tay, như vậy nét vẽ sẽ mềm mại nhưng dứt khoát và chính xác hơn. Việc thả lỏng cơ bàn tay và các ngón tay cũng giúp việc đánh bóng mẫu vẽ trở nên nhẹ nhàng nhưng vẫn tạo được tỷ lệ đậm nhạt, sáng tối rõ ràng và có chiều sâu. Ngoài ra, thái độ tự tin, bình tĩnh cũng giúp thí sinh có sự quan sát các mẫu vẽ kỹ lưỡng và chính xác hơn", nữ tiến sĩ khuyên.

Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) là trường đại học đa ngành nổi bật với môi trường năng động, chương trình học chú trọng thực hành, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Năm 2020, HUTECH tuyển sinh 45 ngành theo 03 phương thức xét tuyển độc lập, bao gồm:

1/ Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT

2/ Xét tuyển theo kết quả thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM

3/ Xét tuyển học bạ

Độc giả tìm hiểu về các phương thức tuyển sinh của Đại học HUTECH tại đây.

Riêng đối với các ngành Kiến trúc - Mỹ thuật, HUTECH tổ chức 4 đợt thi năng khiếu vẽ diễn ra tại trường vào các ngày thứ bảy (Đợt 1: 4/7; Đợt 2: 15/8; Đợt 3: 29/8; Đợt 4: 5/9). Thí sinh sẽ thi vẽ tĩnh vật (vẽ khối cơ bản bằng chì đen) với thời gian làm bài thi là 240 phút.

Đặc biệt, xét tuyển học bạ là hình thức được nhiều thí sinh tin chọn nhờ quy trình xét tuyển linh hoạt, hồ sơ đơn giản và giảm tải áp lực thi cử. Thí sinh có tổng điểm trung bình 3 học kỳ (hai kỳ lớp 11 và HK1 lớp 12) hoặc tổng điểm trung bình 3 môn lớp 12 theo tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên sẽ có cơ hội trúng tuyển cao khi xét tuyển học bạ vào HUTECH. Thí sinh quan tâm có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến ngay tại đây.

http://www.hutech.edu.vn/dang-ky-xet-hoc-ba

Thanh Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-quyet-cho-bai-thi-nang-khieu-ve-dat-diem-cao-post1103277.html