Bị nợ đọng hàng nghìn tỉ đồng, doanh nghiệp xây dựng đối mặt phá sản

Nợ đọng đang là vấn đề nan giải trong ngành xây dựng, hiện 100% các doanh nghiệp xây dựng đều bị nợ đọng. Thực trạng này khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản và đang mong mỏi các giải pháp để xử lý, tháo gỡ.

Hội thảo "Nợ đọng xây dựng, kiến nghị giải pháp"

Hội thảo "Nợ đọng xây dựng, kiến nghị giải pháp"

Nợ đọng ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền cũng như sự sống còn của doanh nghiệp. Chia sẻ tại hội thảo "Nợ đọng xây dựng, kiến nghị giải pháp", do Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 18/8 tại Hà Nội, nhiều tập đoàn cho biết có những doanh nghiệp vốn chủ sở hữu chỉ vài trăm tỷ đồng mà số nợ đọng tới hàng nghìn tỷ đồng khiến đối mặt với nguy cơ phá sản.

Nợ đọng xây dựng khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản

Kết quả khảo sát khoảng 2.000 nhà thầu xây dựng trên cả nước do VACC thực hiện thời gian qua cũng cho thấy 100% nhà thầu có nợ đọng xây dựng.

Là doanh nghiệp lớn tham gia xây dựng nhiều dự án, công trình lớn của đất nước, ông Khương Tất Thắng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, tính đến đầu tháng 4/2022, tổng số nợ phải thu của doanh nghiệp là hơn 1.500 tỷ đồng.

"Tổng công ty có 1.280 hợp đồng có công nợ phải thu, tổng số nợ phải thu lên tới 1.539 tỉ đồng, riêng nợ lĩnh vực xây lắp 1.260 tỉ đồng. Số nợ có thời gian từ 1-3 năm của Tổng công ty Trường Sơn là 506 tỉ đồng, nợ từ 3-5 năm là 539 tỉ đồng, nợ trên 5 năm là 149 tỉ đồng".

Ông Khương Tất Thắng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn

Theo ông Thắng, nguyên nhân nợ đọng có nhiều lý do, song chủ yếu vẫn là do chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, liên quan đến thiết kế bị điều chỉnh dẫn đến chờ các cấp thẩm quyền phê duyệt chậm. Theo đó, nhiều công trình thực hiện 2 – 3 năm và đã đi vào khai thác nhưng công tác nghiệm thu công trình cuối cùng và quyết toán chưa thực hiện được.

Cũng trong tình trạng tương tự, với 50 năm kinh nghiệm thi công và thanh toán các công trình, ông Vũ Xuân Thắng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) cho biết, thủ tục thanh toán quyết toán rất rườm rà, phiền phức mà người thiệt hại trước hết là nhà thầu.

"Hợp đồng thi công là chế tạo 500 tấn của một hạng mục thiết bị cơ khí, nhưng thực tế khi làm xong là 530 tấn, nhà thầu chỉ được thanh toán tạm 500 tấn, còn 30 tấn vượt khỏi khối lượng nhà thầu đã bỏ tiền ra làm rồi bị tạm giữ lại, chờ ký được phụ lục bổ sung hoặc khi quyết toán mới được thanh toán. Đây là lỗi của công tác lập khối lượng của chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn, nhưng thiệt hại lại dồn về nhà đầu tư”.

Ông Vũ Xuân Thắng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA)

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nguyên nhân chính của nợ đọng xây dựng đối với đầu tư công là do thủ tục thanh quyết toán phức tạp. Với những dự án có vốn ngoài ngân sách, nhiều chủ đầu tư do năng lực kém nên phải vay mượn tiền để triển khai nên khi có biến động bất thường thì không có tiền trả cho nhà thầu.

Cùng đó, nhiều chủ đầu tư còn chây ì không trả hoặc trả nhà thầu bằng sản phẩm khiến doanh nghiệp xây dựng tiếp tục rơi vào bế tắc khi phải xử lý tình huống này.

“Tình trạng trên diễn ra không chỉ ở các gói thầu dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công mà ở cả các dự án sử dụng các nguồn vốn khác. Rất nhiều khó khăn đến với các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng, nếu không được tháo gỡ kịp thời cộng với việc không có công ăn việc làm, nhiều doanh nghiệp xây dựng thật sự đang đối mặt với thực trạng sẽ bị phá sản”.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam

“Nếu tình trạng nợ đọng không giải quyết thì trong 5-7 năm nữa, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành xây dựng sẽ không còn tồn tại. Vì vậy, đây là tiếng kêu cứu của ngành xây dựng mà các cơ quan chức năng cần phải xem xét và giải quyết” ông Hiệp nhấn mạnh.

Cần những giải pháp "cứu" doanh nghiệp

Trước tình trạng trên, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nếu không được giải quyết, nhiều nhà thầu tốt sẽ không tham gia gói thầu cho Chính phủ, cho Nhà nước, mà cũng khiến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bị chiếm dụng vốn và không có vốn để tái đầu tư và phát triển.

Để giải quyết có nhiều giải pháp cần thực hiện: Về những quy định về xây dựng và đấu thầu cần phải rà soát sửa đổi để bổ sung, tăng quyền của nhà thầu xây dựng trong; cần phải quy rõ trách nhiệm của chủ đầu tư.

Về mặt hệ thống tư pháp, cần có cải cách mạnh mẽ hơn nữa để những tranh chấp giải quyết tại tòa án diễn ra một cách thuận lợi, công bằng minh bạch, để làm sao doanh nghiệp không phải mất hàng năm trời để bảo vệ quyền của mình.

“Ngoài ra cần có những giải pháp phi tư pháp khác như: Công khai, tập hợp những chủ đầu tư chây ì, chủ đầu tư bội tín, và chủ đầu tư thường xuyên vi phạm hợp đồng”.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó TTK VCCI

Cùng với đó, phải nâng cao vai trò của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam để có thông tin về các nhà thầu; có những chuyên trang pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp hội viên; và có thể ban hành hợp đồng mẫu để bảo vệ tốt nhất cho doanh nghiệp hội viên.

Phía Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng đưa ra giải pháp như đối với dự án sử dụng vốn ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính cần rà soát lại toàn bộ việc nợ đọng xây dựng hiện nay để có biện pháp xử lý dứt điểm.

Đối với vốn ngoài ngân sách, nên có cơ chế hợp đồng là 20% cuối cùng của chủ đầu tư buộc phải có bảo lãnh thanh toán. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương cần công khai danh sách những chủ đầu tư nợ đọng xây dựng để có cảnh báo cho họ phải nghiêm túc hơn nếu muốn đầu tư tiếp.

Bên cạnh đó, chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cũng cho biết thời gian tới VACC sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm quy định chủ đầu tư phải hoàn thành thanh toán với nhà thầu trong quá trình khi nghiệm thu, đánh giá, xếp hạng công trình xây dựng.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, để khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng kéo dài nhiều năm, ông Hoàng Ngọc Tú - phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Delta - khuyên các nhà thầu nên "chọn bạn để chơi", chọn những chủ đầu tư có uy tín, thay vì những chủ đầu tư coi dự án như "ván cờ" để chiếm dụng vốn của nhà thầu.

Ông Tú đề xuất cần thực hiện đánh giá, xếp hạng uy tín với các chủ đầu tư như xếp hạng các nhà thầu xây dựng thời gian qua, để các nhà thầu xây dựng nắm được thông tin, chủ động hợp tác với chủ đầu tư thực sự uy tín, hạn chế rủi ro nợ đọng xây dựng.

Theo Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, trong 2.000 doanh nghiệp xây dựng trên cả nước, doanh nghiệp có quy mô khoảng 100 tỷ đồng, chiếm 90%; doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tất cả doanh nghiệp xây dựng đều có nợ đọng, ít thì 30 đến 50 tỷ đồng. Còn doanh nghiệp đang "gánh" số nợ trên 1.000 tỷ đồng cũng rất nhiều. Các doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng để tiếp tục thi công với lãi vay khoảng 90%/năm.

Vốn bị nợ gấp đôi vốn doanh nghiệp hiện có mà lãi vay tới 90% thì càng làm càng "lỗ", rơi vào tình trạng "nợ chồng nợ". Nhưng nếu doanh nghiệp không làm thì chậm tiến độ mà làm thì công nợ phải chịu lãi vay ngân hàng.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bi-no-dong-hang-nghin-ti-dong-doanh-nghiep-xay-dung-doi-mat-pha-san-post10160.html