Bị mẹ cấm dùng điện thoại, hai mẹ con như 'mặt trăng, mặt trời'

Tròn 1 tuần nay hai mẹ con mình như 'mặt trăng, mặt trời', sống cùng nhà mà mẹ và con chẳng nói với nhau câu nào, khác hẳn mọi lần mẹ kiểm soát con vô cùng gắt gao. Đây là lần đầu tiên con và mẹ giận nhau khủng khiếp như vậy. Chuyện cũng chỉ vì con bị mẹ cấm dùng điện thoại.

Con không thể chịu đựng khi bố mẹ muốn kiểm soát con mọi thứ. Ảnh minh họa

Ngày này tuần trước, mẹ phát hiện ra con lấy điện thoại mà mẹ cất trong tủ để dùng. Trước đó, mẹ có giao hẹn với con chỉ được dùng điện thoại vào cuối tuần, những ngày trong tuần chiếc điện thoại sẽ được mẹ quản lý. Hôm đó, vì cần nhắn tin với bạn, con đã lấy “trộm” điện thoại khi chưa hỏi ý kiến mẹ. Ngay khi đi làm về, phát hiện ra điều đó, mẹ đã nổi điên và chửi mắng con thậm tệ.

Mẹ không nghe con giải thích mà quả quyết cho rằng con là đứa trẻ xấu xa, không ra gì, khiến mẹ thất vọng, làm mẹ mất niềm tin. Ngay lập tức, mẹ gọi điện cho bố và kể tội về con. Mẹ nói với bố rằng mẹ bất lực với con, mẹ trả con về cho bố, rằng con hư hỏng, khó dạy bảo lắm rồi.

Chửi con chưa hả, mẹ còn đưa điện thoại cho bố để bố tiếp tục dội lên đầu con “cơn mưa bom” khiến con nổ tung mọi cảm xúc. Bố và mẹ hùa vào dọa dẫm cho con nghỉ học, nói rằng tốn bao nhiêu tiền cho con ăn học mà lúc nào con cũng chỉ nghĩ đến điện thoại để chơi game, để nhắn tin, chát chit…

Tối hôm ấy, mẹ còn nổi xung ném sách vở của con xuống đất và cấm con học bài. Mẹ nói, đi học làm gì khi con không có ý thức học, khi con cần điện thoại hơn cả lòng tự trọng của mình, hơn cả lời hứa với mẹ.

Mẹ à, con thấy mẹ hơi nói quá mọi thứ. Con rất xin lỗi vì đã lấy điện thoại khi chưa xin phép mẹ. Nhưng điều đó không có nghĩa là con hư hỏng, không có nghĩa là con trở nên vô dụng, xấu xa. Rất nhiều lần con đề đạt với bố mẹ rằng con muốn có một cái điện thoại để liên lạc với bạn bè, để tra từ mới tiếng Anh… và con đảm bảo rằng con vẫn sẽ chu toàn việc học của mình. Thế nhưng, lần nào bố mẹ cũng gạt phắt và cho rằng đưa con điện thoại chẳng khác gì làm hư con, rồi con lại bỏ bê, sao nhãng học hành, không thể tin con được.

Con chỉ muốn bố mẹ đặt niềm tin vào con và không áp đặt những suy nghĩ của người lớn lên con. Ảnh minh họa

Hình như chưa bao giờ bố mẹ đặt niềm tin vào con. Con làm gì, đi đâu, bố mẹ cũng tra khảo, kiểm soát. Bố mẹ chỉ lo rằng “nếu sểnh ra một tí là “xã hội xấu xa” nuốt chửng con của bố mẹ vào”. Có hôm, con chỉ đi học về muộn 20 phút mà bố đã “kêu toáng” trên zalo của nhóm các phụ huynh và cô giáo chủ nhiệm trong lớp để hỏi thăm về con. Việc bố mẹ kiểm soát con không sai nhưng khi việc bố la lối ở nơi tập thể ấy, mọi người sẽ nghĩ về con thế nào? Bố mẹ các bạn lại nghĩ rằng con có “phốt” gì, thường xuyên về muộn hay sao mà khiến bố lo lắng như thế. Biết đâu, họ nghĩ con chơi game, đi chơi với bạn xấu mà cấm các bạn chơi với con?

Con biết rằng bố mẹ rất lo lắng cho con ở năm cuối cấp này. Bố mẹ sợ rằng nếu không quản lý, không kiểm soát gắt gao thì con sẽ chểnh mảng học hành và không đua nổi các bạn trong kỳ thi vào lớp 10. Thực sự, kiến thức năm học này của con khá nặng, con khá mệt mỏi vì đi học thêm suốt ngày, tối nào cũng đánh vật với một chồng bài tập. Thế nhưng, đó là những thứ con có thể làm được, có thể chịu đựng được.

Điều mà con bị áp lực và không thể chịu đựng nổi chính là bố mẹ. Con sử dụng điện thoại để nói chuyện với bạn bè cũng là cách để con giảm stress, chia sẻ với các bạn những nỗi khổ tâm, sự lo lắng. Nếu có chơi game, con cũng chỉ chơi một chút trong giờ giải lao, không ảnh hưởng đến học tập. Vậy mà những nhu cầu đơn giản ấy con cũng bị cấm đoán gay gắt. Chưa kể, lúc nào nói với con, bố mẹ cũng chỉ nhắc đến học và học. Cứ như thể rằng không học thì con không nên tồn tại làm gì.

Chính vì thế mà lần này con quyết định “chiến tranh lạnh” với mẹ. Con cũng sẽ không “kêu gọi hòa bình” như trước. Con muốn mẹ con mình có thời gian để suy nghĩ về mọi việc. Con hy vọng bố mẹ hiểu hơn về những đứa con tuổi teen để không áp đặt những suy nghĩ của người lớn lên con và biết đặt niềm tin vào con hơn.

Nhật Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/bi-me-cam-dung-dien-thoai-hai-me-con-nhu-mat-trang-mat-troi-post50971.html