Bí mật xấu xí của đồ trang điểm: Hoàn cảnh của những thợ mỏ nghèo Ấn Độ đằng sau ngành công nghiệp làm đẹp

Đằng sau ánh sáng lấp lánh của các quầy mỹ phẩm, những gì người tiêu dùng không nhìn thấy là tình cảnh làm việc trong điều kiện thiếu thốn và đầy rẫy nguy hiểm của nhiều người Ấn Độ để khai thác nguyên liệu.

Mica tưởng chừng như một thành phần vô thưởng vô phạt được in trên mặt sau bao bì của bảng phấn mắt. Đây là loại khoáng chất được sử dụng trong mỹ phẩm như phấn mắt, son bóng... để tăng độ bóng cho sản phẩm. Các công ty mỹ phẩm chuộng thành phần này vì khả năng khúc xạ, siêu mịn và màu sắc tự nhiên của chúng.

Chúng có thể được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Ấn Độ. Nhưng tại Ấn Độ, có một cái giá đắt mà hàng ngàn thợ mỏ làm việc bất hợp pháp trong các mỏ mica ở nước này đang phải trả.

Điều kiện làm việc thiếu thốn, nguy hiểm

Góa phụ Basanti Mosamat, 40 tuổi, sống tại Jharkhand là người chuyên nhặt và bán mica vụn để kiếm sống. Đây là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình cô.

Mỗi tuần một lần, Mosamat cùng bố chồng và 5 người con của cô đi bộ 10 km vào khu rừng gần làng để dựng trại và dành vài ngày để sàng lọc khoáng sản. Việc nhặt mica từ tờ mờ sáng đến tối mịt mà không có bất kỳ dụng cụ bảo hộ nào khiến bàn tay cô bị trầy xước và thâm tím. Con gái lớn của cô đã nhặt mica từ khi mới lên 5. Càng nhiều tay trong công việc, càng có nhiều khả năng gia đình sẽ có thức ăn trên bàn.

“Một người nhặt mica là không đủ. Cha tôi đã qua đời, vì vậy tôi phải phụ mẹ", theo lời cô bé.

1 kg mica vụn bán được 7 rupee (0,10 USD). Hôm nào may mắn, gia đình Mosamat hy vọng có thể kiếm được 150 rupee (2,06 USD).

Những người khai thác mica. Ảnh: CNA

Những người khai thác mica. Ảnh: CNA

Họ là một phần trong số 100 triệu người bản địa của Ấn Độ được gọi là Adivasis, những người sống ở rìa xã hội với sự hỗ trợ hạn chế của chính phủ về y tế, giáo dục, an ninh việc làm và lương thực.

“Ở đây chẳng có gì cả, cuộc sống bữa đói bữa no khiến chúng tôi chẳng thể trông chờ gì vào tương lai”, Birhor nói.

Nghèo đói đã khiến một số thợ mỏ chuyển sang các hang động và hầm mỏ bỏ hoang, nơi có nhiều mica hơn. Tuy nhiên, họ không có đèn chiếu sáng hay các thiết bị bảo hộ, chỉ khai thác dựa vào kinh nghiệm.

“Mọi người có thể trượt chân và ngã ở đâu đó hoặc bị đá rơi vào đầu. Việc khai thác rất khó khăn. Chúng tôi luôn phải cảnh giác, hầm mỏ có khả năng sập bất cứ lúc nào. Đôi khi một người mắc sai lầm có thể giết chết tất cả”, Mukesh Bhulla, bắt đầu nhặt mica từ khi còn bé sợ hãi kể.

Vào tháng 1, có ít nhất 3 báo cáo về các vụ sập hầm mỏ ở Koderma và Jharkhand. Ước tính có khoảng 10 đến 20 người chết mỗi tháng do những rủi ro trong việc khai thác mica.

Trên thực tế, có nhiều vụ tai nạn hơn những gì được báo cáo. Tuy nhiên các thợ mỏ nghiệp dư không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận rủi ro. “Nếu không làm việc ở đây, tất cả chúng tôi sẽ chết. Không có lựa chọn nào khác cho công việc. Chúng tôi sẽ làm gì?”, Dimpi Devi, một bà mẹ 3 con chia sẻ.

Điều này khiến những người như Devi rất dễ bị bóc lột, nhất là khi không đủ tiền lo toan chi phí sinh hoạt. Nếu không thể vay các ngân hàng chính thống, họ đành tìm tới những người cho vay nặng lãi với lãi suất lên tới 200%/năm.

“Một số người nói với chúng tôi rằng họ chỉ được phép bán mica cho những chủ nợ của họ với mức giá những thương nhân này yêu cầu”, nhà báo điều tra Peter Bengtsen cho biết. Ông đã theo dõi hoạt động buôn bán mica ở Jharkhand hơn một thập kỷ.

“Về cơ bản, thỏa thuận sẽ kéo dài cho đến khi họ trả hết các khoản nợ”, Bengtsen nói.

Các cuộc thanh tra của cơ quan quản lý rừng cũng diễn ra phổ biến, và các thợ mỏ đôi khi phải hối lộ để tiếp tục làm việc. Mosamat nói: “Cảnh sát không thường xuyên đến thăm, nhưng các nhân viên kiểm lâm luôn theo dõi chúng tôi.

Deepak Bara, một nhà báo tự do làm việc tại Jharkhand cho biết: “Có một mạng lưới những người thao túng việc khai thác mica và họ rất quyền lực”.

Trẻ em Ấn Độ tham gia khai thác mica. Ảnh: CNA

Một vấn đề mang tính hệ thống

Tranh cãi về việc khai thác mica bắt đầu nổi lên vào giữa những năm 2000, sau các cuộc điều tra về việc sử dụng lao động trẻ em trong ngành.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, Ấn Độ có hơn 10 triệu trẻ em đang đi làm dù chưa đủ tuổi lao động. Đặc biệt, hoàn cảnh của các thợ mỏ nhí trong ngành công nghiệp mica đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà báo và chính trị gia, những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình khai thác mica không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục công việc của cha mẹ.

“Chúng phải kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Chính phủ không có chính sách hỗ trợ trẻ em hoặc nếu có cũng không đem lại hiệu quả", Bara cho biết.

Để đáp lại mối quan tâm ngày càng tăng của công chúng, một số chiến dịch toàn cầu đã được thành lập. Một trong số đó là Mica Initiative, dự định sẽ xóa bỏ việc trẻ em khai thác mỏ ở Jharkhand vào năm tới. Các thành viên của chiến dịch bao gồm Chanel, L’Oreál và Sephora.

Một số thương hiệu khác cũng cam kết kiểm tra nghiêm ngặt hơn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, họ cũng phải thừa nhận rằng việc quản lý nguồn mica là rất khó khăn.

Năm 2019, mica xuất khẩu tại Ấn Độ đạt hơn 37 triệu USD (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới). Với số lượng giao dịch quá lớn, các thương hiệu không thể theo dõi chính xác mica của họ tới từ đâu.

Yue Jin Tay - Giám đốc phát triển kinh doanh của Circulor, một công ty sử dụng blockchain để xác minh nguồn gốc khoáng sản trong chuỗi cung ứng, cho biết công nghệ có thể là một phần của giải pháp nhưng cần nhiều hơn nữa để biến giao dịch có đạo đức trở thành một thực tế phổ biến. Và người tiêu dùng cần phải chấp nhận rằng công ty phải trả chi phí ngày càng tăng để kiểm tra nghiêm ngặt hơn chuỗi cung ứng.

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/bi-mat-xau-xi-cua-do-trang-diem-hoan-canh-cua-nhung-tho-mo-ngheo-an-do-dang-sau-nganh-cong-nghiep-lam-dep-21913/