Bí mật về 'ông bầu' gánh xẩm nguyện cả đời 'gác đình, canh miếu' để giữ hồn cốt dân tộc

Cuộc đời nhạc sĩ Thao Giang lạ lắm! Hơn nửa đời người chung thủy với 'mối lương duyên' có từ thuở thiếu thời – đó là âm nhạc dân tộc. Giờ đây, dù đã bước sang tuổi xế chiều, song 'ông bầu' gánh hát xẩm Hà thành vẫn còn những trăn trở chưa nguôi... về mối duyên định mệnh ấy!

Nhạc sĩ Thao Giang luôn theo sát học trò trong từng tiết mục.

Nhạc sĩ Thao Giang luôn theo sát học trò trong từng tiết mục.

Muốn gặp nhạc sĩ Thao Giang không khó, cứ đến đình Hào Nam (Hà Nội) – trụ sở của trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam là gặp được ông. Trò chuyện với “ông bầu” gánh hát xẩm Đồng Xuân đúng vào thời điểm Trung tâm vừa mở cửa trở lại sau đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, gương mặt ông trầm buồn: “Đáng nhẽ ra, Trung tâm có mấy chục chương trình đã ký hợp đồng từ tháng Hai đến tháng Sáu. Nhưng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi phải hủy bỏ hết, thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Dù đã mở cửa trở lại nhưng mọi thứ vẫn chưa thể hồi phục ngay được. Thời gian này thật sự rất khó khăn, đã mấy tháng liên tục chúng tôi không có thu nhập rồi. Hiện Trung tâm vẫn đang cố gắng duy trì để đóng bảo hiểm cho các học viên. Hy vọng, thời gian tới công việc, cuộc sống của thầy trò sẽ sớm ổn định”.

Từ cuộn băng cát-set nhàu nát, máy ghi âm cọc cạch

Ngược dòng quá khứ, nhắc về “mối lương duyên” định mệnh thuở thiếu thời, nhạc sĩ Thao Giang không ngại ngần “dốc hết gan ruột”. Trong ký ức xưa, chàng trai đất Thanh Oai như bị “thôi miên” bởi âm hưởng réo rắt, lạ kỳ của tiếng đàn Nhị, rồi đem lòng yêu say đắm. Vì tình yêu đó mà sau này dù dư sức có một công việc nhàn hạ và cuộc sống đủ đầy, nhưng Thao Giang lại chọn cho mình con đường đầy chông gai. Ông quyết tâm bằng mọi giá phải “cứu” dòng nhạc dân tộc khỏi nguy cơ bị thất truyền. Thao Giang tâm niệm “các giá trị âm nhạc dân tộc nếu không khơi dậy, chắc chắn sẽ biến mất”.

Năm 2005, nhạc sĩ Thao Giang cùng cố GS - NSND Phạm Minh Khang thành lập trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam với mong muốn sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng và truyền dạy âm nhạc dân tộc một cách chính quy. Nhưng chỉ có tình yêu thôi thì chưa đủ, phải làm sao để có kinh phí duy trì và phát triển trung tâm mới chính là “bài toán” khiến những người “đứng mũi chịu sào” như Thao Giang ngày đêm trăn trở. “Để có được mọi thứ như bây giờ từ trụ sở, kinh phí, người và phương tiện... tất cả đều gầy dựng từ hai bàn tay trắng. Đầu tiên, phải cảm ơn ban quản lý Đình Hào Nam đã ưu ái cho chúng tôi được “đóng quân” ngay tại đình. Suốt bao nhiêu năm qua, phía đình luôn chăm chút, giúp đỡ và hỗ trợ Trung tâm rất nhiều. Nhờ đó, chúng tôi có được một địa điểm rộng rãi và lý tưởng để thỏa sức cống hiến cho âm nhạc dân tộc.

Trên hành trình tìm kiếm và khôi phục lại những giá trị tinh hoa dân tộc, Thao Giang và những cộng sự của mình phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Tác giả Kể chuyện ngày mùa bồi hồi nhớ lại: “Để giới thiệu đến công chúng một loại hình âm nhạc, trước đó chúng tôi đã phải bỏ ra cả chục năm trời để nghiên cứu, sưu tầm, chứ không tự dưng mà có. Thời điểm đó, chúng tôi không có phương tiện gì trong tay. Để ghi âm được một nghệ nhân đang hát, phải có băng cát-sét. Tôi đã nhờ rất nhiều người mới mua được một cuốn băng. Rồi những lần ra nước ngoài biểu diễn, có bao nhiêu tiền đều dành hết để mua băng hoặc máy ghi âm loại cọc cạch nhất. Nhưng, trong cái rủi có cái may, vì không có phương tiện nên tôi học “sống” luôn. Nghe các cụ hát và tôi học trực tiếp. Nhờ vậy mà tôi có thể nhớ từng giai điệu cho đến tận bây giờ. Còn bao nhiêu băng cát-set, giấy tờ ghi chép giờ đã nhàu nát hết rồi!”.

Người đưa hát xẩm ngân vang ở trời Âu

Nếu cụ Hà Thị Cầu tôn vinh xẩm làng quê, thì Thao Giang chính là người đã làm sống lại xẩm Hà thành. Năm 2005, ông cùng đồng nghiệp đã giới thiệu loại hình hát xẩm này đến với công chúng. Dù giờ đây đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn cần mẫn “chở” từng nốt nhạc, giai điệu của xẩm đến gần khán giả. Điển hình, gánh hát xẩm miễn phí của “ông bầu” ấy suốt 15 năm qua luôn đông nghịt khán giả. Đến độ, người ta còn rỉ tai nhau: “Nếu muốn nghe hát xẩm thì đến với chợ Đồng Xuân”.

Hồi tưởng lại kỷ niệm khó quên trong những lần biểu diễn, nhạc sĩ Thao Giang hào hứng kể, có những khán giả cao tuổi, tối Thứ Bảy nào cũng ra chợ đêm để thưởng thức, bởi dường như nghe hát xẩm đã là một thói quen của họ. Đặc biệt, gánh hát của “ông bầu” Thao Giang còn thu hút rất đông khán giả nước ngoài. Sau khi xem, nhiều du khách Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc... đã tìm đến Trung tâm để học hát xẩm, hát văn, quan họ... Thậm chí, có những người sau khi trở về nước đã tuyên truyền âm nhạc Việt Nam và rất được hưởng ứng. Năm 2018, gánh hát Thao Giang đã được một cộng đồng ở châu Âu mời sang biểu diễn, cũng sau một lần xem ở Đồng Xuân.

Theo thời gian, “ông bầu” Thao Giang vui mừng hơn khi việc lưu giữ và phát triển các loại hình âm nhạc dân tộc được nhân lên rộng rãi. “Hiện chúng tôi có 40 câu lạc bộ ở Hà Nội và 10 câu lạc bộ ở TP.HCM để mọi người tiếp cận và theo học. Trong đó, có rất đông các bạn trẻ yêu thích và theo học các loại hình âm nhạc dân tộc. Đây là cũng là một cách duy trì và phát huy dòng nhạc này”, vị nhạc sĩ chia sẻ.

Vợ chấp nhận chồng “vác tù và hàng tổng”

Người ta vẫn thường nói “phía sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ”. Ngẫm về điều này, Thao Giang cảm thấy rất đúng với cuộc đời mình. Ông thấy mình quá may mắn khi có người vợ chịu thương, chịu khó, chịu chấp nhận một người chồng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Vị nhạc sĩ cười hiền: “Tôi hy sinh cho sự nghiệp một, thì gia đình của tôi phải hy sinh mười. Có nhiều người ngoài công việc, đến giờ phải về đi chợ, nấu cơm, đón con... Nhưng, tôi thấy bản thân rất may mắn khi có một hậu phương vững chắc để toàn tâm toàn ý cống hiến cho công việc. Chính bà xã là người luôn tạo điều kiện, chia sẻ và động viên tôi rất nhiều. Từ trước đến nay những điều tôi muốn làm, luôn được vợ con và người thân ủng hộ. Thậm chí, có những năm làm ăn thất thu, mọi người trong gia đình, họ hàng còn chung tay đóng góp để hỗ trợ. Có lẽ, mọi người hiểu được công việc của tôi rất ý nghĩa nên mới thoải mái như vậy”.

Nhưng, gánh nặng hai vai vừa là trụ cột gia đình vừa là người “chèo lái” Trung tâm cũng khiến Thao Giang bộn bề xoay xở. Thậm chí, ông đã phải “bứt” ra khoảng 3-4 năm làm kinh doanh và đủ thứ nghề để ổn định nhà cửa, kinh tế, lo cho con cái học hành. Khi mọi thứ đã vào guồng quay, ông lại tiếp tục với đam mê. Thao Giang tâm sự: “Tôi quan niệm, đam mê công việc, nhưng không bỏ bê gia đình. Ngẫm câu “tề gia trị quốc” rất đúng! Nếu gia đình không ổn định, thì không yên tâm cống hiến cho xã hội. Vì lẽ đó mà tôi luôn phải cố gắng cân đối cả hai, dù rất mệt và áp lực”.

Bước sang tuổi xế chiều, tóc đã bạc nhiều, sức khỏe cũng yếu hơn, đáng nhẽ Thao Giang phải được nghỉ ngơi sau bao năm miệt mài cống hiến. Ấy nhưng, người thầy nhỏ bé vẫn còn trăn trở chưa nguôi, đó là giành lại công chúng cho dòng nhạc dân tộc. “Ông bầu” ấy nguyện nhường công danh, địa vị cho người khác để “gác đình, canh miếu” trả nợ cho đời!

Hà Linh

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật-22

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giai-tri/bi-mat-ve-ong-bau-ganh-xam-nguyen-ca-doi-gac-dinh-canh-mieu-de-giu-hon-cot-dan-toc-a326152.html