Bí mật và sức mạnh ẩn chứa trong 'Ngôn từ' của Sartre

'Ngôn từ' của Jean Paul Sartre được mệnh danh là cuốn hồi ký khó đọc nhưng vẫn bán chạy nhất thế giới.

Jean Paul Sartre là văn hào chủ xướng dòng văn học dấn thân, có ích cho cuộc sống, ông được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam với tiểu thuyết Buồn nôn. Nhưng nhà văn đồng thời là nhà triết học hiện sinh này có vài chục cuốn sách mà cuốn nào cũng đình đám danh tiếng ở tầm cỡ hàng đầu thế giới, như Tưởng tượng, Tồn tại và hư vô, Bức tường, Ruồi, Xử kín, Tay bẩn, Những con đường của tự do… Ông đặc biệt nổi bật trong góc độ coi triết học là trung tâm của hoạt động sáng tạo.

Sartre nói ông viết cuốn Ngôn từ như một cuốn tự truyện để kể về tuổi thơ, và nó cũng đồng nghĩa với một lời giã biệt văn học ở thời điểm Sartre đang ngự trên đỉnh cao sự nghiệp. Ấp ủ tới hơn 10 năm mới hoàn thành cuốn sách, Sartre công bố tự truyện này năm 1963 và lập tức nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của giới phê bình và độc giả. Giới phê bình văn học đánh giá Ngôn từ là một kiệt tác của tự truyện.

Ngôn từ của Jean Paul Sartre được đánh giá như một đỉnh cao của tự truyện.

Sự mổ xẻ, phân tích, đánh giá rất lạnh lùng và sắc sảo của nhà văn về tuổi thơ đã đem lại phong thái đặc biệt cho cuốn sách, và độc giả vẫn dễ dàng nhận ra nét riêng đầy quyến rũ của Jean Paul Sartre - đó là thái độ châm biếm, mỉa mai, giễu cợt, hài hước xen lẫn với tư duy triết học vừa chặt chẽ, logic, vừa phức tạp, rối rắm, khó hiểu.

Không lâu sau khi công bố Ngôn từ, ông được vinh danh tại giải Nobel Văn học năm 1964. Nhưng Jean Paul Sarte là một trong số ít các nhà văn đã từ chối không nhận giải thưởng danh giá này. Đối với Sartre chỉ có một lý do “Một nhà văn không thể bị ràng buộc vào bất cứ giải thưởng chính thức hoặc một tổ chức nào”.

Viết nên lời giã biệt văn học bằng thứ văn đẹp nhất, thể hiện sự đoạn tuyệt với thứ mình hằng tôn thờ, Ngôn từ là kỹ thuật văn chương điêu luyện của Jean Paul Sartre, với sự chú trọng đặc biệt đến phong cách, vẻ đẹp của ngôn ngữ, và còn ẩn chứa những suy nghĩ, phân tích, triết luận về nhiều vấn đề cơ bản của xã hội, về thân phận con người, về bản chất và sứ mệnh của văn học nghệ thuật.

Vẻ đẹp bác học ấy khiến cho Ngôn từ thực sự cuốn hút nhưng không hề dễ đọc, ngay cả đối với độc giả Pháp. Và đương nhiên, tác phẩm gốc ở tầm cỡ như thế là một thách thức đối với dịch giả khi chuyển ngữ sang bất kỳ thứ tiếng nào.

Jean Paul Sartre - chủ soái của triết học hiện sinh.

Ngay khi công bố bản dịch Ngôn từ ấn bản tiếng Việt, nhà văn Thuận và dịch giả Lê Ngọc Mai cũng nhận được lời mời nhận giải thưởng ở hạng mục sách dịch của năm 2017 do Hội Nhà văn Hà Nội dự kiến trao tặng. Tuy nhiên, khi Hội Nhà văn Hà Nội liên lạc, cả nhà văn Thuận và đồng dịch giả Lê Ngọc Mai đều từ chối nhận giải thưởng này.

Thuận – tên đầy đủ là Đoàn Ánh Thuận, sống trong một gia đình có truyền thống văn học nghệ thuật. Chị là con dâu của cố nhà thơ Trần Dần, hiện sinh sống tại Pháp với gia đình. Em gái của chị, nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi cũng đang sống tại Pháp.

Với văn học, chị chọn bút danh chỉ có một chữ duy nhất, nhà văn Thuận là chủ của rất nhiều tiểu thuyết gây ấn tượng trong văn học Việt Nam đương đại: Made in Vietnam, China town, Paris 11 Tháng 8, T mất tích, Vân vy, Thang máy Sài Gòn, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng 4

Thuận cũng có một số cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Pháp. Thời gian gần đây, độc giả còn được đọc nhiều đầu sách dịch đặc biệt của Thuận: Cho xem đùi nào, Leila (Rashid Al-Daif), Ngôn từ (Jean Paul Sartre). Trong năm 2018, Thuận sẽ công bố tiểu thuyết mới Thư gửi Mina và bản dịch Con miu cái của nàng Sikirida (tựa gốc: La minette de Sikirida) – một tác phẩm khác của nhà văn Rachid El-Daif.

Hòa Bình

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bi-mat-va-suc-manh-an-chua-trong-ngon-tu-cua-sartre-post816077.html