Bí mật tuyệt chiêu giúp tuyển Anh suýt vào chung kết World Cup

Chỉ với một bí kíp vay mượn từ môn bóng rổ và bóng bầu dục, đội tuyển Anh tạo nên thứ 'vũ khí' đáng sợ suýt đưa họ vào chung kết World Cup 2018.

Hai năm trước ở EURO 2016, các cổ động viên đội tuyển Anh không khỏi ngỡ ngàng khi HLV Roy Hodgson giao nhiệm vụ đá phạt góc cho… Harry Kane. Một tiền đạo cao gần 1m90 với thân hình vạm vỡ đứng ở cột cờ góc thay vì đóng vai “cây sào” trong vòng cấm đối thủ.

Harry Kane không mất nhiều thời gian để chứng minh đây là phương án tồi nhất mà ban huấn luyện có thể lựa chọn. Những cú đá của anh, kể cả đá phạt trực tiếp, hầu hết là thừa lực và thiếu chính xác. “Có lẽ tôi sẽ không bao giờ đá phạt góc nữa. Đó rõ ràng là một trò cười”, Harry Kane thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn sau khi giải đấu kết thúc chừng ba tháng.

Tính đến hết EURO 2016, đội tuyển Anh trải qua ba giải đấu lớn mà không ghi được bàn thắng nào từ 72 cú đá phạt góc. Trước đó, lần gần nhất Tam sư ghi bàn từ một tình huống dàn xếp đá phạt góc là trận tứ kết của giải đấu cách đây 8 năm, gặp đội tuyển Đức.

Nhưng đội tuyển Anh ở World Cup 2018 lại là một phiên bản hoàn toàn khác.

Ở EURO 2016, Harry Kane phải đá phạt góc. (Ảnh: AMA/Getty)

Có thể nói rằng đoàn quân của HLV Gareth Southgate vào đến bán kết giải đấu nhờ bóng chết. Với một đội hình không có cầu thủ sáng tạo nào, Tam sư không được đánh giá cao ở các phương án tổ chức tấn công hay thậm chí là phản công. Nhưng bóng chết lại là thứ vũ khí lợi hại của đội tuyển Anh.

Có tới một nửa số pha dứt điểm của Harry Kane và đồng đội ở World Cup 2018 đến từ tình huống cố định (35 lần). Đó là chưa kể tới ba quả phạt đền mà hai trong số đó cũng được tạo ra từ pha dàn xếp đá phạt khác (ở trận gặp Panama và Colombia). Họ là đội tấn công bóng sống kém nhất trong số 8 đội vào tứ kết, nhưng là đội tạo ra nhiều cơ hội nhất từ bóng chết.

Khán giả có thể nói rằng đội tuyển Anh chơi một thứ bóng đá kiểu cầu may. Tuy nhiên khi một đội bóng ghi tới 75% số bàn thắng ở một giải đấu với cùng một kịch bản, có lẽ cách chơi đó cũng chẳng khác nào Bồ Đào Nha trông cậy vào Cristiano Ronaldo. Đội tuyển Anh không chờ đá phạt để ăn may. Họ có sự chuẩn bị bài bản và tập trung biến miếng đánh này trở thành một vũ khí lợi hại.

"Chúng tôi dành rất nhiều thời gian để tập tình huống cố định", tiền vệ Ruben Loftus-Cheek tiết lộ. "Đi vào từng chi tiết, từng bước di chuyển, cản người. Được thấy việc đó phát huy hiệu quả trên sân thật tuyệt".

“Không quan trọng bạn kiểm soát trận đấu như thế nào ở hai đầu sân, bóng chết luôn rất quan trọng”, HLV Southgate chia sẻ sau trận thắng Panama 6-1.

Video: Anh đánh bại Tunisia bằng 2 quả phạt góc

Nhà cầm quân 47 tuổi làm thế nào để biến những pha dàn xếp đá phạt của đội tuyển Anh trở thành nỗi lo sợ với mọi hàng thủ? HLV Southgate đã phải vượt Đại Tây Dương để “vay mượn” một vài ý tưởng từ người Mỹ, nhưng không phải bóng đá.

Cách đây vài tháng, HLV trưởng của đội tuyển Anh lặn lội đến Minnesota dự khán trận Super Bowl, sự kiện lớn nhất thế giới của môn bóng bầu dục. Trong chuyến đi này, ông cũng tranh thủ đến xem một trận đấu tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA.

Cựu tiền vệ MU Darren Fletcher, người đi cùng HLV Southgate tới Mỹ, kể lại rằng: “Anh ấy rất hứng thú với bóng rổ, trên sân là năm đấu năm nhưng luôn có một người không bị kèm ở dưới rổ. Anh ấy muốn biết họ che chắn, cản người như thế nào để tạo ra khoảng trống trong một khoảng sân hẹp đến vậy”.

Southgate trở về với những bài học cơ bản của hai môn thể thao kiểu Mỹ. Nhưng với sự trợ giúp của trợ lý Allan Russells, người từng thi đấu tại xứ cờ hoa, ông biến chúng trở thành bí kíp lợi hại có thể sử dụng, và đặc biệt hiệu quả, ở giải bóng đá lớn nhất hành tinh.

Bàn thắng đầu tiên của đội tuyển Anh ở World Cup 2018 là một pha dàn xếp gợi liên tưởng tới cảnh giao bóng trong một trận đấu bóng bầu dục. Hàng thủ Tunisia dàn thành hai hàng ngang, năm người trước khung thành và ba người ở gần chấm đá phạt đền. HLV Southgate bố trí hai người áp sát hàng sau của đối thủ, bốn người đứng ở vòng ngoài và bóng được nhằm vào khu vực đó.

Bốn thì đương nhiên phải lớn hơn ba. Ba cầu thủ phòng ngự Tunisia chỉ kèm được ba cầu thủ Anh, hay đúng hơn là ba cầu thủ Anh tìm đến ba người của đối thủ để John Stones được tự do. Một kiểu "screen" (chiến thuật cử 1 người đứng sát bên cạnh chắn đối thủ, mở đường cho đồng đội lao vào khoảng trống) của bóng rổ. Hậu vệ số 5 thoải mái tung ra cú đánh đầu và dù thủ môn đối phương phản xạ xuất sắc để cản phá, Harry Kane đã chờ sẵn để đá bồi, cũng trong tư thế không bị ai kèm.

Các cầu thủ Anh xếp thành "đoàn tàu" trong một pha phạt góc ở trận gặp Colombia. Được đồng đội che chắn, Harry Maguire (số 6) có thể di chuyển thoải mái hơn. (Ảnh: Reuters)

Tất nhiên đội tuyển Anh phải có nhân lực để thực hiện những bài đá phạt như vậy. Harry Maguire, John Stones và Harry Kane, ba gã to con vạm vỡ là mục tiêu được nhắm đến trong những cú treo bóng bổng của các cầu thủ Anh. Họ cũng nằm trong top 10 cầu thủ tranh chấp trên không thành công nhiều nhất World Cup 2018.

Chín bàn thắng từ các tình huống đá phạt góc, phạt trực tiếp và phạt đền là một kỷ lục của World Cup. Được giải thoát khỏi nhiệm vụ đứng trước chấm đá phạt, trừ phạt đền, Harry Kane ghi sáu bàn và đang đứng trước cơ hội giành danh hiệu Chiếc giày vàng của giải đấu.

Với một thứ vũ khí sở trường duy nhất, đội tuyển Anh không được đặt nhiều kỳ vọng của HLV Southgate suýt chút nữa vào đến chung kết World Cup, lần đầu tiên kể từ sau chức vô địch thế giới năm 1966. Nhưng Tam sư lại không thể đi đến trận đấu cuối cùng khi thất bại trước Croatia. Rõ ràng để trở thành nhà vô địch và hoàn thành sứ mệnh “đưa cúp về nhà”, họ cần nhiều hơn một tuyệt chiêu.

Ngân Hà

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bi-mat-tuyet-chieu-giup-tuyen-anh-suyt-vao-chung-ket-world-cup-d413126.html