Bí mật thành phần tàu sân bay hải quân Mỹ

Theo một số chuyên gia, chỉ cần duy trì 7 – 8 tàu sân bay thế hệ mới cùng các loại phương tiện chiến đấu công nghệ cao hiện đại khác là đủ để chiến đấu.

Tàu sân bay đa năng, với 70-80 chiếc máy bay và trực thăng trên boong, là nòng cốt của nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) trong đội hình hạm đội cấp chiến dịch của hải quân Mỹ, được triển khai ở Đại Tây Dương, Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây là phương tiện quan trọng nhất để Mỹ giành quyền chủ động trên biển, trên không và trong các cuộc xung đột.

Theo qui định về mặt kỹ thuật, mỗi tàu sân bay (TSB) phải qua đại tu sau 1/2 niên hạn phục vụ (25 năm) có bổ sung năng lượng hạt nhân, thời gian tiến hành các công việc đại tu là 3 năm rưỡi, giá thành mỗi lần đại tu gần 2,9 tỷ USD. Trong thời gian này, TSB không được tính vào thành phần sẵn sàng chiến đấu của hải quân.

Chính vì vậy, hải quân Mỹ cần có 11 CSG mới đủ thay nhau triển khai làm nhiệm vụ chiến đấu trong đội hình của tất cả các hạm đội.

Danh sách tàu sân bay hiện tại của Mỹ

Danh sách tàu sân bay hiện tại của Mỹ

Thực hiện Chương trình hiện đại hóa hải quân được thông qua vào năm 2010, 4 tàu lớp Ford khác hiện đang trong các giai đoạn hoàn thành khác nhau. Hải quân Mỹ dự kiến đưa các tàu sân bay này vào hoạt động từ năm 2024 đến 2034.

TSB mới nhất (CVN-78) đồng thời là chiếc tàu lớp Gerald R.Ford đầu tiên, được lắp đặt lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới và thiết bị máy phóng từ trường, bảo đảm tốc độ cất cánh của máy bay đạt hơn 209 km/giờ với trọng lượng 45 tấn. Mặt boong được mở rộng, cho mọi loại máy bay, trực thăng hay phương tiện bay không người lái đều có thể trú đậu và sẵn sàng chiến đấu. Quân số của tàu giảm từ 5.500 xuống 4.300 người.

Tuy nhiên, trong quá trình chạy thử, con tàu này đã gặp phải một loạt vấn đề như hệ thống phóng và thu hồi máy bay gặp trục trặc, hầu hết thang máy nâng hạ vũ khí không hoạt động, việc cắt giảm thuyền viên, tiết kiệm chi phí cũng chưa rõ ràng.

Hiện nay, Hạm đội Đại Tây Dương có các CSG số 2, 8, 10 và 12. Hạm đội Thái Bình Dương có CSG số 1, 3, 5, 7, 9 và 11. Trong đó, CSG số 1 (thành phần tàu chủ lực gồm TSB CVN-70 Carl Vinson và tàu khu trục tên lửa CG-52) neo đậu thường xuyên tại căn cứ San Diego; CSG số 3 (CVN-74 John S.Stennis, các tàu khu trục tên lửa CG-57 và CG-54), căn cứ Kitsan và San Diego;

CSG số 5 (CVN-73 G.Washington, các tàu khu trục tên lửa CG-63 và CG-67), Yokosuka/ Nhật Bản; CSG số 7 (CVN-76 R.Reagan, các tàu khu trục tên lửa CG-62 và CG-71), căn cứ Colorado và San Diego; CSG số 9 (CVN-72 A.Lincoln, tàu khu trục tên lửa CG-53), neo tại Everest/ Washington và San Diego; CSG số 11 (CVN-68 Nimitz, tàu khu trục tên lửa CG-59), căn cứ San Diego.

Tàu sân bay CVN-78. Ảnh: Hải quân Mỹ

Chương trình hoàn thiện nhóm tác chiến TSB của hải quân Mỹ đang vấp phải sự phê phán của nhiều nhà phân tích quân sự Mỹ. Họ cho rằng, việc duy trì tới 11 TSB hạt nhân trong thành phần chiến đấu của hải quân và một số lượng tương ứng các tàu chiến đấu, máy bay, trực thăng trên tàu đòi hỏi chi phí rất lớn. Vấn đề tiếp theo là nỗi lo ngại trước mức độ sát thương ngày càng tăng của vũ khí chống tàu sân bay của đối phương.

Hải quân Nga đã đưa vào sử dụng tên lửa siêu thanh chống hạm Kinzhal; Với hải quân Trung Quốc, đó là tên lửa chống hạm DF-21D. Đây là những loại vũ khí có thể làm hư hỏng nghiêm trọng hoặc thậm chí đánh chìm một tàu sân bay. Chỉ cần 1 trong số 11 TSB bị loại khỏi vòng chiến đấu sẽ kéo theo 70-80 máy bay bị phá hủy cùng 4.000-5.000 sinh mạng thủy thủ đoàn, đồng thời làm phá sản toàn bộ tình hình bố trí lực lượng hải quân Mỹ ở phạm vi toàn cầu.

Ngoài ra, việc đóng thêm TSB sẽ cản trở những chương trình đầu tư khác đáng được ưu tiên (như chương trình đóng mới tàu ngầm hạt nhân), nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang gặp nhiều khó khăn và ngân sách quốc phòng Mỹ có thể bị cắt giảm.

Theo Nguyên Phong/Vietnamnet

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/bi-mat-thanh-phan-tau-san-bay-hai-quan-my/20210203012835717