Bí mật nhà nước ngành Kế hoạch - Đầu tư được bảo vệ như thế nào?

Theo dự thảo Thông tư quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Kế hoạch và Đầu tư, có 6 hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bí mật nhà nước ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Có 6 hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bí mật nhà nước ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Có 6 hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bí mật nhà nước ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Thứ nhất, thu thập, làm lộ, phát tán, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, lưu giữ, sử dụng, tiêu hủy trái phép tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trong ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Thứ hai, cung cấp cho cơ quan báo chí, xuất bản, các cơ quan đại chúng trong nước cũng như nước ngoài các tài liệu mật trong ngành Kế hoạch và Đầu tư khi không được phép của người có thẩm quyền.

Thứ 3, tự nghiên cứu, sản xuất, sử dụng mật mã để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và các hành vi khác vi phạm quy định về công tác lưu trữ, bảo quản, bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ 4, soạn thảo, lưu trữ, trao đổi, sao chụp tin, tài liệu mật trên máy tính, thiết bị có kết nối Internet hoặc có kết nối với các thiết bị khác có kết nối Internet.

Thứu 5, sử dụng các thiết bị có tính năng ghi âm, ghi hình, thu phát tín hiệu và thực hiện việc ghi âm, ghi hình trong các cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước khi chưa được người chủ trì cuộc họp cho phép.

Thứ 6, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật; xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân.

Đáng chú ý, quy định về sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, dự thảo quy định người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ “Tuyệt mật” gồm Bộ trưởng Bộ KH&ĐT; Tổng cục trưởng, Viện trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ; Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Giám đốc Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tài liệu mật phải được cất giữ, bảo quản nghiêm ngặt tại nơi bảo đảm an toàn tuyệt đối do Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quy định. Khi không sử dụng, phải cất tài liệu mật vào tủ, két và khóa chắc chắn.

Tùy theo tính chất của từng nơi cất giữ tài liệu mật mà áp dụng các biện pháp bảo vệ thích hợp với nguyên tắc đảm bảo an toàn tuyệt đối, nội quy bảo vệ chặt chẽ.

Về việc tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, dự thảo thông tư quy định tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước sẽ được tiến hành thực hiện tiêu hủy trong các trường hợp: khi không cần thiết phải lưu giữ và việc tiêu hủy không gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; nếu không tiêu hủy ngay sẽ gây nguy hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc.

Việc tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải đáp ứng các yêu cầu không để bị lộ, bị mất bí mật nhà nước. Đối với tài liệu mật là văn bản in trên giấy phải được đốt hoặc xé, nghiền nhỏ tới mức không thể chắp lại được.

Đối với tài liệu mật lưu trữ dưới dạng băng, đĩa mềm, phim chụp ảnh, thiết bị lưu giữ ngoài giao tiếp qua cổng USB và các phương tiện lưu trữ tương tự, việc tiêu hủy phải làm thay đổi toàn bộ hình dạng và tính năng, tác dụng để không còn phục hồi, khai thác, sử dụng được.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bi-mat-nha-nuoc-nganh-ke-hoach-dau-tu-duoc-bao-ve-nhu-the-nao-130057.html