Bí mật lớn phía sau vụ Israel không kích phá hủy lò phản ứng hạt nhân Syria

Đầu năm nay, sau hơn một thập kỷ im lặng thì cuối cùng Israel đã chính thức thừa nhận mình là tác giả đã tiến hành không kích phá hủy lò phản ứng hạt nhân của Syria. Tuy nhiên một vài bí mật phải đến gần đây mới được tiết lộ thêm.

Không quân Israel mới đây đã công bố những hình ảnh gắn biểu trưng cho các máy bay tiêm kích F-15I Ra'am và F-16I Sufa đã tham gia chiến dịch không kích phá hủy lò phản ứng hạt nhân của Syria diễn ra vào đêm ngày 5, rạng sáng 6/9/2007.

Đây là một trong những chiến dịch tập kích được đánh giá là thành công nhất trong lịch sử Không quân Israel, được so sánh với vụ việc tương tự trong quá khứ khi họ hủy diệt lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq.

Trước nguy cơ từ phía Israel và mong muốn thu hồi lại phần cao nguyên Golan bị chiếm đóng, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad được cho là đã tìm cách nghiên cứu để sở hữu vũ khí hạt nhân.

Việc một quốc gia thù địch nắm trong tay vũ khí hủy diệt hàng loạt là điều mà Tel Aviv không bao giờ chấp nhận và họ luôn xác định sẽ tấn công phủ đầu để ngăn chặn tham vọng của đối phương.

Năm 2006, tình báo Israel đặc biệt chú ý tới một tòa nhà hình khối lập phương lớn đang được xây dựng ở trung tâm sa mạc Syria, cách không xa thành phố Deir al-Zour.

Mối nghi ngờ ngày càng lớn rằng bên dưới lớp mái nhà đang che giấu dự án tuyệt mật của Tổng thống Bashar al-Assad: một lò phản ứng hạt nhân, mà tình báo Israel tin là giống lò phản ứng Yongbyon của Triều Tiên.

Đến đầu năm 2007 thì Mossad nhận định rằng khu nghiên cứu sắp hoàn tất và chuẩn bị đi vào hoạt động, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì chỉ trong một thời gian ngắn Syria sẽ chế tạo thành công vũ khí hạt nhân và "đe dọa đến sự tồn vong" của quốc gia Do Thái.

Trước tình hình trên, giới quân sự Israel quyết định sẽ tấn công và im lặng không nhận trách nhiệm, để chính quyền Syria tự tuyên bố theo cách của mình thì sẽ tránh được xung đột vũ trang trực diện sau đó. Một chiến dịch mang tên "Out of the Box" (Bên ngoài chiếc hộp) đã được vạch ra.

Tuy nhiên lúc này lại có một mối lo ngại khác đó là tình báo Israel chưa nắm rõ tình trạng hoạt động của lò phản ứng đến đâu, vì dễ xảy ra nguy cơ nổ lò phản ứng làm một phần lãnh thổ Israel bị nhiễm xạ.

Để giải quyết thắc mắc này, một chiến dịch song song đã được đặc nhiệm Israel tiến hành khi họ bí mật dùng trực thăng đưa biệt kích áp sát lò phản ứng của Syria.

Lính đặc nhiệm Israel đã thu thập các mẫu đất cát và nước xung quanh lò phản ứng để mang về phân tích, các nhà khoa học Israel kết luận rằng cơ sở hạt nhân đã hoạt động nhưng chưa hết công suất và có thể tấn công mà không e ngại hậu quả nhiễm xạ diện rộng.

Khi vướng mắc cuối cùng được xóa bỏ, ngay trước nửa đêm ngày 5/9/2007, 8 chiếc F-15 và F-16 cất cánh khỏi hai căn cứ không quân Hatzerim và Ramon, miền Nam Israel hướng thẳng về phía mục tiêu.

Được bảo vệ bởi hệ thống tác chiến điện tử phức tạp có thể che mắt hệ thống phòng không Syria, các máy bay tiêm kích Israel không gặp mấy khó khăn khi thả hàng chục quả bom nặng 2.000 cân Anh xuống mục tiêu và quay về mà không bị bất cứ trở ngại nào.

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy cơ sở hạt nhân Syria được ngụy trang như một nông trại đã bị san phẳng hoàn toàn, trong số những người thiệt mạng được biết có cả một số chuyên gia Triều Tiên.

Tel Aviv chọn cách im lặng, chỉ thông báo với một số đồng minh chủ chốt về phi vụ vừa diễn ra. Tính toán của Israel đã đúng khi Syria đành phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" và tuyên bố rằng đó là một địa điểm quân sự không có giá trị lớn, đồng thời phòng không nước này đã đuổi tiêm kích Israel đi.

Vụ tấn công hồi năm 2007 đã một lần nữa khẳng định Israel luôn sẵn sàng tấn công phủ đầu quốc gia đối địch nào có ý định sở hữu vũ khí hạt nhân, thời điểm công khai bí mật có thể nhằm mục đích cảnh cáo Iran khi họ được cho là cũng đang theo đuổi chương trình hạt nhân tương tự.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-bi-mat-lon-phia-sau-vu-israel-khong-kich-pha-huy-lo-phan-ung-hat-nhan-syria/781442.antd