Bí mật kho báu cổ: Phát hiện 2 ngôi mộ cổ niên đại 3500 năm chứa đầy vàng, trang sức

Kho báu vàng bạc tuyệt đẹp gồm đồ trang sức, đồ trang trí được chôn trong 2 ngôi mộ cổ có từ thời kỳ đồ đồng ở Pylos, Hy Lạp, đã giúp các nhà nghiên cứu giải mã được nhiều bí ẩn.

Hai ngôi mộ cổ nằm gần thành phố cổ Pylos ở miền Nam Hy Lạp được các nhà khảo cổ từ Đại học Cincinnati phát hiện và khai quật từ năm 2015. Được biết, hai ngôi mộ cổ này có từ thời kỳ đồ đồng, có niên đại từ 3.500 năm trước.

Lối vào mộ cổ 3.500 năm tuổi ở Hy Lạp. Ảnh: Getty

Lối vào mộ cổ 3.500 năm tuổi ở Hy Lạp. Ảnh: Getty

Hai nhà khảo cổ Jack Davis và Sharon Stocker đã công bố việc phát hiện hai ngôi mộ cổ ở thị trấn ven biển Pylos, nằm gần cung điện của hoàng đế Nestor - vị vua huyền thoại được miêu tả trong hai cuốn sử thi nổi tiếng The Iliad và Odyssey của nhà thơ Homer.

Hai ngôi mộ được xây dựng theo cấu trúc hình mái vòm được gọi là tholos. Loại lăng mộ kiểu này thường dành cho hoàng gia. Một ngôi mộ có đường kính khoảng 12m và ngôi mộ còn lại có đường kính khoảng 8,5 m.

Mái vòm của cả 2 ngôi mộ đã sụp đổ từ thời cổ đại khiến các căn phòng đầy đất và đá vụn, làm cho những kẻ trộm mộ không thể vào để cướp bóc, nhờ vậy mà chúng hầu như nguyên vẹn như lúc mới được xây dựng.

Bên trong ngôi mộ, Davis và Stocker đã tìm thấy những viên hổ phách có xuất xứ từ vùng biển Baltic và thạch anh tím từ Ai Cập và rất nhiều miếng vàng từng được sử dụng để lót tường, sàn mộ.

Chiếc nhẫn vàng cực kỳ quý giá được tìm thấy trong hai ngôi mộ. Ảnh: Newsweek

Các nhà khảo cổ cũng phát hiện một chiếc nhẫn vàng, được khắc hình hai con bò đực và những họa tiết được cho là hình bông lúa mạch. Đây là hai biểu tượng nghệ thuật tiêu biểu của nền văn minh đảo Crete thuộc vương triều Minoan (Hy Lạp).

Mặt dây chuyền vàng hình nữ thần Ai Cập Hathor được tìm thấy ở một trong hai ngôi mộ 3.500 năm tuổi. Ảnh: Newsweek

Ngoài ra, còn có một mặt dây chuyền bằng vàng, khắc hình nữ thần Ai Cập cổ đại Hathor, vị nữ thần tượng trưng cho tình yêu, sắc đẹp và niềm vui của người Ai Cập.

"Mặt dây chuyền đặc biệt này cho thấy nữ thần Hathor còn có vai trò là vị thần bảo hộ cho linh hồn của người chết", ông Davis nói.

Những đồ vật này đã chứng minh mối liên kết văn hóa và thương mại thời đại đồ đồng.

Trong các ngôi mộ cũng chứa nhiều tác phẩm nghệ thuật mô tả các sinh vật thần thoại. Một chiếc ấn làm bằng mã não, khắc hình hai sinh vật đầu sư tử với đôi chân có móng nhọn. Hai cổ vật khác làm bằng đồng và vàng, chúng đều được khắc hình ngôi sao 16 cánh.

Trong hai ngôi mộ còn chứa tấm bảng làm bằng ngà voi được điêu khắc tinh xảo, cùng với áo giáp, vũ khí. Những phát hiện trên khiến hai ngôi mộ này được so sánh với ngôi mộ cổ nổi tiếng của chiến binh Griffin, được phát hiện vào năm 2015, tại Hy Lạp.

Theo bà Sharon Stocker, người Mycenaean đã xây dựng các ngôi mộ này trước cả thời kỳ Hy Lạp cổ đại cai trị phẩn lớn khu vực phía đông Địa Trung Hải, từ năm 1600 đến 1100 TCN.

Như vậy, chủ của ngôi mộ này sống vào thời thời điểm những năm đầu tiên của nền văn minh Hy Lạp, khi hàng hóa và những món đồ xa xỉ còn chưa phổ biến, và là người rất có địa vị.

"Nếu vào thời đó mà bạn sở hữu số của cải khổng lồ này, mọi người chắc chắn sẽ tranh giành chúng. Người xây dựng hai ngôi mộ này vào thời điểm đó thật sự đã rất thông minh”, bà Stocker cho biết.

“Sự hiện diện của hai ngôi mộ này cho thấy thị trấn Pylos xa xôi trước kia từng là một trung tâm thương mại quan trọng của Hy Lạp vào thời kỳ đồ đồng”, bà Stocker nói thêm.

Bộ Văn hóa Hy Lạp cho biết, phát hiện này đặc biệt quan trọng vì nó làm sáng tỏ các giai đoạn đầu của nền văn minh Mycenaea ở quốc gia này.

Thời kỳ Mycenae, khoảng từ năm 1650-1100 trước công nguyên, được lấy tên từ di chỉ khảo cổ Mycenae phía đông bắc Argolis, nằm ở Peloponnese phía nam Hy Lạp. Giai đoạn cuối cùng của thời kỳ đồ đồng ở Hy Lạp cổ đại này là thời điểm xuất xứ phần lớn văn chương và thần thoại Hy Lạp cổ, gồm cả sử thi Homer như cuộc chiến thành Troy.

Minh Khôi (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/an-choi/bi-mat-kho-bau-co-phat-hien-2-ngoi-mo-co-nien-dai-3500-nam-chua-day-vang-trang-suc-a324218.html