Bí mật đáng sợ trên chuyến bay Esparto 11

7h48 ngày 12/8/2020, chuyến bay đầu tiên trong loạt kế hoạch trục xuất người xin tị nạn của Anh cất cánh rời sân bay Stansterd - mang cả nỗi thống khổ của người không có chốn về.

30 phút trước khi chuyến bay trục xuất Esparto 11 cất cánh từ sân bay Stansted, một người đàn ông yêu cầu được sử dụng phòng vệ sinh trên máy bay. Một nhân viên Bộ Nội vụ Anh đưa anh ta vào nhà vệ sinh, chân giữ cửa hé mở. Chỉ sau vài phút, nhân viên nhìn vào bên trong và phát hiện người đàn ông đã cứa cổ tay.

Ghìm chặt người đàn ông để giành quyền “kiểm soát”, một sĩ quan khác ép anh vào tường và còng tay. Theo lời kể của các sĩ quan, chiếc còng tay được sử dụng để khiến “anh ta đau đớn” - một kỹ thuật xoắn còng vào cổ tay để đối phương khuất phục.

Đó chỉ một trong số những câu chuyện của người tị nạn bị trục xuất thông qua chương trình của Bộ Nội vụ Anh trên chuyến bay Esparto 11 vào ngày 12/8/2020.

Máy bay 295 chỗ ngồi chỉ có 14 người tị nạn, cùng với rất nhiều nhân viên giám sát đi kèm. Trải dài từ Toulouse, Pháp đến Frankfurt, Đức, chuyến bay sẽ đưa những người tị nạn này về nơi xa hàng nghìn dặm so với nhà họ.

Những gì diễn ra trên chuyến bay đã bị che đậy. Tuy nhiên, báo cáo từ những người trên chuyến bay Esparto 11, cùng lời khai của nạn nhân thông qua tổ chức nhân quyền Observer and Liberty Investigates được Guardian trích dẫn, đã cung cấp một cái nhìn đáng kinh ngạc về chuyến đi.

 Esparto 11 là chuyến bay đầu tiên trong chương trình của Bộ Nội vụ Anh nhằm tìm cách trục xuất người tị nạn. Ảnh: Guardian.

Esparto 11 là chuyến bay đầu tiên trong chương trình của Bộ Nội vụ Anh nhằm tìm cách trục xuất người tị nạn. Ảnh: Guardian.

Chính sách bí mật bất hợp pháp

Tài liệu đã làm sáng tỏ cách quan chức cấp cao Bộ Nội vụ Anh ủy quyền một chính sách bí mật - có thể bất hợp pháp - dưới vỏ bọc chính sách liên quan đến Covid-19 để trục xuất những cá nhân dễ bị tổn thương. Triển khai lặng lẽ từ tháng 3/2020, họ có thể dễ dàng trục xuất những người xin tị nạn - đối tượng của nạn buôn người và tra tấn.

Nazeer đã nhìn thấy Kent, một hạt nằm phía đông nam nước Anh, nhưng anh sợ mình sẽ không bao giờ chạm tới đó. Anh cùng 10 người khác rời khỏi bờ biển nước Pháp vào sáng sớm một ngày tháng 6/2020 trên một chiếc xuồng bơm hơi.

Khi chạm bờ, ngay lập tức họ bị cảnh sát bắt đến Yarl’s Wood - nơi anh bị lấy dấu vân tay, điện thoại di động và bị tra khảo. Nazeer đến từ Darfur, miền Tây Sudan - nơi những người không phải người Arab phải chịu đựng hơn một thập kỷ thanh lọc sắc tộc.

Bị chính quyền giam giữ, đánh đập nên anh cố gắng bỏ trốn. Tại Libya, anh rơi vào tay những tội phạm buôn người. Sau nhiều tháng lao động không công, người đàn ông khốn khổ này lại tìm cách trốn đi.

Những người di cư trên chiếc xuồng bơm hơi hướng về bờ biển phía nam nước Anh vào tháng 9/2020 sau khi vượt biển từ Pháp. Ảnh: Guardian.

Omar - một người khác đến từ Darfur giống như Nazeer - thông thường sẽ đủ điều kiện để được hưởng quy chế tị nạn ở Vương quốc Anh. Nhưng Bộ Nội vụ lại chọn cách trục xuất hai người về quốc gia đã lấy dấu vân tay của họ trước đó - theo cơ chế pháp lý của EU là Quy định Dublin.

Nếu Omar và Nazeer gặp vấn đề liên quan đến nạn buôn người, có thể họ sẽ được duyệt yêu cầu xin tị nạn. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đã bí mật loại bỏ các câu hỏi liên quan đến chi tiết này với lý do hạn chế tiếp xúc do lo ngại virus corona. Trong cột đánh giá liệu Omar có bị tra tấn hay không, các quan chức không ngần ngại tích “không”.

Peter - một người khác trên chuyến Esparto 11 - cũng khẳng định chính quyền từ chối đề cập đến sự bóc lột mà anh phải chịu đựng.

“Nếu cuộc tra hỏi không bị cắt ngắn, anh ta có thể được xác định là nạn nhân buôn người và hồ sơ xin tị nạn không bị loại bỏ”, Maria Thomas, luật sư của công ty luật Duncan Lewis khẳng định.

Thay vào đó, Omar và những người khác bị đưa đến Trung tâm giam giữ Brook House vào cuối tháng 7/2020 để đợi bị trục xuất.

Theo quy định, họ có thể gặp luật sư để tìm kiếm trợ giúp pháp lý. Nazeer không thể kiểm tra hồ sơ cho đến khi máy bay rời đi. Luật sư liên lạc với Omar quá muộn - một ngày trước khi khởi hành. Peter thậm chí còn không được nói chuyện với luật sư.

Cái nôi của sự tuyệt vọng

Từ tháng 8 đến tháng 12/2020, Bộ Nội vụ Anh xây dựng lịch trình 19 chuyến bay Esparto. Omar, Nazeer và Peter cảm thấy chật vật trong thời gian ở Brook House.

Trong khi Serco - người điều hành trung tâm - cho biết IMB luôn đối xử “nhân đạo” và có mối quan hệ “tích cực giữa nhân viên và người tị nạn”, Emma Ginn - giám đốc tổ chức Medical Justice (cung cấp trợ giúp y tế cho những người di cư bị giữ tạm ở Anh) - khẳng định hệ thống bảo vệ người tị nạn “rõ ràng không hoạt động”.

“Với các chuyến bay mỗi tuần, khả năng bị trục xuất luôn hiện hữu trong tâm trí họ. Sự dằn vặt tinh thần khiến họ tự làm đau bản thân. Brook House là cái nôi của sự tuyệt vọng”, bà nói.

Trung tâm tị nạn Yarl’s Wood ở Bedfordshire, Anh. Ảnh: Guardian.

Vào cái ngày định mệnh ấy - 12/8/2020 - lúc 2h sáng, Omar bị nhân viên Brook House dựng dậy. 10 người lính mặc trang phục chống bạo động bắt giữ nhiều người khác. Một thanh niên người Iran bị trói và còng tay.

Hai xe khách và 9 xe tải đậu bên ngoài. Omar cầu xin thông dịch viên hãy tìm cho anh một luật sư. Tuy nhiên, người này thúc giục anh hãy tuân thủ. “Có một người Sudan trước cũng cố chống cự. Họ gần như đã giết chết anh ta. Bạn sẽ bị giết nếu bạn không chấp thuận”.

“Tôi bị kèm chặt ở cả hai phía và bị đưa đi. Tôi biết nếu tôi chống cự, tôi sẽ bị cưỡng chế, thậm chí là đánh đập”, Omar kể lại.

Một vụ việc khác cũng được công bố trong tập tài liệu. Jamal - một người xin tị nạn Sudan - chống cự không lên xe. Một sĩ quan đã còng tay Jamal và cảnh cáo anh sẽ bị thương nếu cố chống đối. Jamal sau đó “đập đầu” và cố gắng cắn họ. Sĩ quan đã siết còng tay vào chỗ đau khiến anh “khụy gối và bị đưa lên xe”.

Không rõ liệu có thông dịch viên hay Jamal có hiểu được “hướng dẫn” của người hộ tống hay không, nhưng Jamal từ chối phỏng vấn vì cảm thấy “quá tổn thương”.

Không chỉ thế, khi một người bị phát hiện ngậm lưỡi dao trong miệng và không muốn nhổ ra, một sĩ quan đã áp dụng kỹ thuật ấn dây thần kinh sau tai ở góc hàm dưới để áp chế. Joanne Caffrey - một cảnh sát có kinh nghiệm 24 năm - cho biết nếu thực hiện không chính xác, động tác này có thể gây tê liệt hoặc tử vong.

Sau đó, anh này cũng đã liều mình nuốt lưỡi dao.

Tới đường băng, những người tị nạn bị triệu tập theo số của họ.

Nazeer sẵn sàng lên máy bay một cách ôn hòa “Nhưng hai người giữ hai bên, một người đẩy phía sau để tôi bước lên cầu thang, Nó thực sự không cần thiết, và khiến tôi thấy nhục nhã”, Nazeer nói.

Bộ Nội vụ tuyên bố họ rất coi trọng sức khỏe và thể trạng của những người bị giam giữ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, vũ lực sẽ được cân nhắc sử dụng như là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chính họ và những sĩ quan khác.

Tuyệt vọng

Câu chuyện Esparto 11 đưa ra một câu hỏi: Tại sao nền kinh tế giàu thứ năm thế giới lại kiên quyết nhắm vào một số ít những người dễ bị tổn thương chỉ mong muốn tìm kiếm một nơi trú ẩn?

Bộ Nội vụ không cảm thấy ăn năn. Khi có đơn thư gửi cho Chris Philip - Thành viên Quốc hội Anh - cảnh báo về sự “đối xử vô nhân đạo” với những người tị nạn, ông trả lời một cách đầy lạc quan.

“Vương quốc Anh từ xa xưa vẫn luôn bảo vệ những người cần nó. Chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương nhất thoát khỏi sự áp bức, bắt bớ và chuyên chế”, ông viết.

Một cuộc biểu tình bên ngoài Bộ Nội vụ vào tháng 8/2020 về các chính sách trục xuất của chính phủ. Ảnh: Guardian.

Mưa xối xả, Omar người ướt đẫm chỉ tay về phía thùng gỗ và tấm bạt mà anh ngủ trên đó. Nhiều tháng sau chuyến bay Esparto 11, Omar đến một thành phố tại châu Âu với nỗi lo bị trục xuất thêm một lần nữa.

Biết được lời nói của Chris Philip, Omar bức xúc: “Tôi bị bức hại và phải chạy trốn khỏi quê hương mình, nhưng làm gì có ai bảo vệ tôi?”.

“Tôi chỉ muốn được phép ở lại một nơi nào đó để sống như một người bình thường, xây dựng gia đình của riêng tôi… Tôi chỉ muốn hỏi rằng mong ước như vậy có quá đáng hay không?”.

Phương Linh

Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-mat-dang-so-tren-chuyen-bay-truc-xuat-esparto-11-post1221131.html