Bí mật chưa kể về 'NATO Liên Xô', liên minh quân sự một thời đối trọng với NATO phương Tây

Tổ chức Hiệp ước Warsaw đã từng được ví như 'NATO của Liên Xô' và là đối trọng của liên minh quân sự phương Tây trong suốt chiều dài lịch sử gần nửa thế kỷ.

Tổ chức Hiệp ước Warsaw chỉ được thành lập sau khi NATO xuất hiện cách đó 6 năm.

Tổ chức Hiệp ước Warsaw chỉ được thành lập sau khi NATO xuất hiện cách đó 6 năm.

Trong nhiều thập kỷ, Tổ chức Hiệp ước Warsaw từng được coi như một lực lượng không thể phá hủy. Tuy nhiên, “gã khổng lồ quân sự” có “đôi chân đất sét” đã nhanh chóng sụp đổ mà không hề phải chịu bất kỳ cuộc tấn công nào từ bên ngoài, theo RBTH.

Phương Tây có một quan niệm phổ biến đó là coi Liên Xô như một “quốc gia xâm lược”. Tuy nhiên, nhiều người quên rằng chính các cường quốc phương Tây mới khơi mào căng thẳng bằng cách thành lập liên minh quân sự và chính trị NATO vào năm 1949. Trong khi phản ứng của Liên Xô chỉ đến 6 năm sau đó.

Liên Xô đã không phản ứng với sự trỗi dậy của NATO cho đến năm 1955, khi Cộng hòa Liên bang Đức (còn gọi là Tây Đức) gia nhập khối. Đó là một sự vi phạm trực tiếp Thỏa thuận Potsdam, với nội dung yêu cầu người Đức phải giải giáp.

Vào ngày 9/5, Tây Đức chính thức trở thành thành viên NATO và chỉ năm ngày sau - ngày 14/5 - các nước xã hội chủ nghĩa đã ký Hiệp ước hữu nghị, Hợp tác và Hỗ trợ lẫn nhau, còn được gọi là Hiệp ước Warsaw. Từ đó, tổ chức được ví như “NATO Liên Xô” ra đời.

Tổ chức mới bao gồm các thành viên Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức (còn gọi là Đông Đức), Tiệp Khắc, Bulgaria, Romania, Ba Lan, Hungary và Albania. Nhưng không phải quốc gia thành viên nào cũng đóng góp nhiều bằng quân sự.

Tất cả năm chỉ huy tối cao lãnh đạo quân đội của tổ chức đều là các sĩ quan Liên Xô, nổi bật với Thống chế Ivan Konev lừng lẫy của Thế chiến II.

Thách thức nghiêm trọng đầu tiên mà Tổ chức Hiệp ước Warsaw trải qua chỉ đến vào năm sau. Năm 1956 chứng kiến sự khởi đầu của một cuộc nổi dậy chống Liên Xô ở Hungary, được hậu thuẫn bởi an ninh phương Tây.

Vào ngày 1/11, Chính phủ mới của Hungary tuyên bố rút quốc gia khỏi Hiệp ước Warsaw. Liên Xô quyết định hành động nhanh chóng để dập tắt ngọn lửa nguy hiểm này ở trung tâm châu Âu.

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev khẩn trương gặp các đồng minh Đông Âu và tuyên bố quyết định can thiệp. Trong tuần tiếp theo, quân đội Liên Xô và Hungary, được hỗ trợ bởi lực lượng an ninh hai nước, đã trấn áp mọi sự kháng cự ở Budapest, kéo Hungary trở lại liên minh xã hội chủ nghĩa.

Tổ chức Hiệp ước Warsaw đã tồn tại gần nửa thế kỷ trước khi tan rã.

Năm 1961, Tổ chức Hiệp ước Warsaw đã chịu tổn thất đầu tiên khi Albania nhỏ bé thách thức Liên Xô hùng mạnh. Không hài lòng với Liên Xô và sự ấm lên của mối quan hệ Xô Viết - Nam Tư, nhà lãnh đạo Albania Enver Hoxha chuyển hướng sang Trung Quốc, khiến mối quan hệ với Liên Xô trở nên mờ nhạt.

Cuộc chia rẽ Liên Xô-Albania kết thúc với việc quân đội Albania thực tế không còn tham gia vào các hoạt động của tổ chức này vào năm 1961. Bảy năm sau, Albania chính thức rời khỏi khối.

Thách thức nghiêm trọng nhất đối với Hiệp ước Warsaw có thể kể đến cái gọi là Mùa xuân Prague năm 1968, thời kỳ tự do hóa và cải cách hồng y ở Tiệp Khắc, gây ra nhiều lo ngại ở Liên Xô.

Không giống như tình hình năm 1956 ở Hungary, lần này Liên Xô quyết định không hành động một mình mà có sự tham gia của tất cả các thành viên của tổ chức.

Vào ngày 21/8/1968, các quốc gia Hiệp ước Warsaw đã khởi xướng Chiến dịch Danube. Quân đội tổ chức tiến vào Tiệp Khắc và trong vài tuần đã trấn áp sự kiện Mùa xuân Prague.

Lực lượng quân đội được huy động nhiều nhất đến từ Liên Xô (170.000) và Ba Lan (40.000), trong khi CHDC Đức gửi 15.000, Hungary 12.500 và Bulgaria chỉ khoảng hơn 2.000 binh sĩ. Nhà lãnh đạo Romania Nicolae Ceausescu khi đó đã lên án mạnh mẽ sự can thiệp và quân đội nước này đã không tham gia vào chiến dịch.

Hiệp ước Warsaw thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung, trong đó lớn nhất và quan trọng nhất là West-81 (có sự thạm gia của hơn 100.000 người) và Shield-82, được tổ chức trong điều kiện mô phỏng chiến tranh hạt nhân.

Về sau này, hầu hết các nước từng là thành viên Hiệp ước Warsaw đã trở thành một phần NATO.

Hơn 80% vũ khí được sử dụng bởi quân đội Hiệp ước Warsaw có nguồn gốc từ Liên Xô: từ xe tăng và máy bay chiến đấu đến phương tiện chiến tranh điện tử. Tiệp Khắc đã tích cực sản xuất và cung cấp cho các đồng minh của mình các phương tiện chiến đấu bộ binh và xe bọc thép.

“Nhóm phía Bắc” của tổ chức (Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc), nằm trong vùng giáp ranh với kẻ thù tiềm năng, được trang bị tốt hơn so với “Nhóm phía Nam” (Romania, Hungary, Bulgaria), vốn được coi là tương đối yếu. Nguyên tắc tương tự được áp dụng cho các nhóm quân đội Liên Xô được triển khai tại các quốc gia đồng minh này.

Lực lượng xe tăng là một khả năng tấn công lớn của Hiệp ước Warsaw. Quy mô của lực lượng rất lớn: 53.000 xe tăng Liên Xô và 12.000-15.000 xe tăng của Đông Âu. Phần lớn trong số đó là các mẫu T-54A và T-55, dần dần được thay thế bằng T-64 và T-72. Ngay trước khi Hiệp ước Warsaw sụp đổ, các quốc gia thành viên đã bắt đầu nhận được T-80 mới nhất.

Năm 1977, các quốc gia Hiệp ước Warsaw đã tạo ra Hệ thống thu thập dữ liệu kẻ thù chung (SOUD), một hệ thống tình báo tín hiệu toàn cầu bí mật để đánh chặn thông tin. Mục tiêu ban đầu của nó là bảo vệ Liên Xô khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài, bao gồm cả thời gian diễn ra Thế vận hội năm 1980 tại Moscow.

Hiệp ước Warsaw đã không còn tồn tại sau khi Liên Xô sụp đổ. Tổ chức đã chính thức bị giải thể vào ngày 1/7/1991 và tất cả các thành viên cũ đã sớm lấp đầy hàng ngũ của chính kẻ thù năm xưa của họ, NATO.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-chua-ke-ve-nato-lien-xo-lien-minh-quan-su-doi-trong-voi-nato-phuong-tay-a435086.html