Bí mật chiến dịch phá hoại ngớ ngẩn nhất của Đức Quốc xã trong Thế chiến 2

Dù nổi tiếng với các hoạt động phá hoại bằng lực lượng lính dù và biệt kích, năm 1943, quân đội Đức vẫn phạm phải sai lầm là tạo ra một trong những chiến dịch phá hoại ngớ ngẩn nhất trong lịch sử quân sự.

Vào mùa hè năm 1943, khi hứng chịu thất bại nghiêm trọng trong Trận chiến Kursk nổi tiếng, quân đội Đức đã nảy ra ý tưởng tổ chức các nhóm phá hoại hoạt động ở các vùng hậu phương của Liên Xô. Đức kỳ vọng những nhóm phá hoại này sẽ làm giảm tiềm năng công nghiệp của toàn Liên Xô.

Tổng cộng, Đức đã tổ chức huấn luyện và tổ chức hai nhóm phá hoại độc lập: Nhóm biệt kích phía Nam, được sử dụng để nhằm phá hoại Magnitogors - nơi cung cấp phần lớn sắt thép cho công cuộc chiến tranh của Liên Xô, và Nhóm biệt kích phía Bắc, nhằm tiêu diệt Uralvagonzavod - một trong những phức hợp khoa học, công nghiệp lớn nhất và là nhà sản xuất xe tăng lớn nhất của Liên Xô. Theo người Đức, hai doanh nghiệp nằm ở vùng núi Ural này là những doanh nghiệp chủ lực của Liên Xô, do đó việc phá hoại tại các mục tiêu này sẽ dẫn đến một thảm họa trên các mặt trận đối với quân đội Liên Xô.

Chiến dịch bắt đầu vào ngày 10/2/1944. Tuy nhiên, trước khi chiến dịch diễn ra, tình báo Liên Xô ở Đức đã báo cáo về điều đó. Quan trọng hơn, những người lính du kích hợp tác với Hồng quân đã bắt được người đứng đầu trại huấn luyện Zeppelin của Abwehr-cơ quan phản gián quân sự của Đức Quốc xã, qua đó chi tiết của chiến dịch phá hoại hậu phương Liên Xô đã bị phát hiện.

Các nhân viên của SMERSH (tổ chức phản gián độc lập ở Liên Xô) ngay lập tức được gửi đến điểm đổ bộ của các nhóm biệt kích để “đón lõng”, trong khi việc bảo vệ các nhà máy đã được thắt chặt tối đa. Tuy nhiên, vào thời điểm đã định, những kẻ phá hoại đã không xuất hiện. Các lực lượng Liên Xô đã được tìm kiếm trong một thời gian rất dài, nhưng không tìm thấy dấu vết của nhóm này.

Trong một thời gian dài, người ta cho rằng chiếc máy bay chở các nhóm biệt kích Đức đã bị chặn trên chiến tuyến và bị bắn hạ. Nhưng thực tế thú vị hơn nhiều - do thời tiết xấu và không biết địa hình, các phi công Đức đã phạm sai lầm và quá trình đổ bộ lại diễn ra ở biên giới của vùng Kirov và Perm (cách vị trí dự kiến khoảng 2000km). Chính ở đó, các toán biệt kích đã bị lạc.

Sau này, qua lời kể của các thành viên còn lại của các nhóm biệt kích, họ đã bị loại khỏi vòng chiến một cách vô cùng ngớ ngẩn. Khi thả dù, gió mạnh đã khiến các kiện hàng hóa và vũ khí cách rất xa các toán biệt kích. Đồng thời, các toán biệt kích đã mất một phần nhân lực trong quá trình hạ cánh và dò tìm đường, cuối cùng chỉ còn lại 3 người.

Một chỉ huy của nhóm có biệt danh là Tarasov được tìm thấy bị thương, với đôi chân tê cóng và dạ dày rỗng tuếch. Khi nhóm điều tra được thành lập, Tarasov quyết định tự tử bằng thuốc độc. Tuy nhiên, khi thuốc được sử dụng kết hợp với rượu, các hóa chất đã bị giảm bớt tác dụng, khiến Tarasov không thể thực hiện hành động như dự kiến.

Điều nực cười là vẫn có 3 lính biệt kích sống sót. Họ bị bắt giữ, xét xử như tội phạm chiến tranh và bị kết án từ 8-10 năm tù. Sau thời gian thụ án, họ trở về nhà với gia đình ở Đức, nhưng không phải là với tư cách cựu binh Đức, mà là những người di cư.

Hạ Thảo (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/bi-mat-chien-dich-pha-hoai-ngo-ngan-nhat-cua-duc-quoc-xa-trong-the-chien-ii-5008879.html