Bỉ: Lĩnh vực kinh doanh du lịch phục hồi chậm

Tình trạng thắt chặt an ninh đã gây ra nhiều thiệt hại kinh tế cho ngành dịch vụ, du lịch vốn đang gặp nhiều khó khăn của nước này.

Các tác phẩm tại Liên hoan điêu khắc trên cát ở Bỉ. Ảnh:TTXVN

Cách đây một năm, vào ngày 21/11/2015, Bỉ đã nâng cấp độ cảnh báo an ninh lên mức 4 (mức cao nhất), một tuần sau đó hạ về mức 3 và vẫn giữ từ đó đến nay. Tuy nhiên, hiện các cửa hàng kinh doanh, các nhà hàng và khách sạn vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa thể tìm lại đà tăng trưởng như năm 2014.

Tình trạng thắt chặt an ninh đã gây ra nhiều thiệt hại kinh tế cho ngành dịch vụ, du lịch vốn đang gặp nhiều khó khăn của nước này.

Ngay khi cấp độ cảnh báo an ninh do đe dọa khủng bố tại thủ đô Brussels được nâng lên mức cao nhất, hệ thống tàu điện ngầm, trường học, nhà trẻ, trung tâm văn hóa và thể thao, trung tâm thương mại và một số đơn vị hành chính công phải đóng cửa. Mọi người đều nhớ lúc đó trên những con phố hầu như không có bóng người và xe tăng quân sự xuất hiện trên quảng trường Grand-Place.

Trong khi tình hình an ninh được siết chặt, cuộc tấn công ngày 22 tháng 3 vừa qua tại Bỉ càng làm những vấn đề kinh tế của thủ đô Brussels trở nên trầm trọng hơn. Sau 1 năm, tình hình tuy có được cải thiện, nhưng nhìn chung các hoạt động kinh doanh vẫn chưa thể lấy lại được nhịp độ.

Trong số các lĩnh vực bị ảnh hưởng, du lịch là ngành phải hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Từ khi mức cảnh báo cấp độ 4 được thiết lập, tình trạng khách hủy bỏ các chuyến du lịch tới Bỉ gia tăng rõ rệt. Chỉ riêng ngày 23/11, các khách sạn tại Brussels ghi nhận tới 2.000 lượt khách hủy đặt phòng.

Tính đến tháng 12/2015, tỷ lệ đặt phòng khách sạn là 70%, giảm 20% so với năm trước đó. Rõ ràng khách du lịch là những người lo ngại nhất. Ông Patrick Bontinck, giám đốc công ty du lịch VisitBrussels cho biết hồi tháng 1/2016, công ty đã chi 4 triệu euro để xúc tiến các chương trình thu hút khách du lịch từ các quốc gia láng giềng. Với những nước ở xa hơn như Trung Quốc và Mỹ, việc này đòi hỏi mất nhiều thời gian hơn nữa.

Ngoài ra, chính quyền vùng Brussels cũng cân nhắc việc tiếp tục những biện pháp hỗ trợ kinh tế nhằm giúp phục hồi các hoạt động du lịch. Các cơ sở kinh doanh khách sạn sẽ được miễn thuế nội đô cho đến hết năm nay. Bên cạnh đó, từ năm 2017 loại thuế này sẽ được thay đổi tùy theo khu vực nhằm loại bỏ sự chênh lệch giữa các vùng.

Không chỉ việc kinh doanh khách sạn chịu ảnh hưởng, thời gian qua rất nhiều bảo tàng đã phải đóng cửa. Tháng 8/2016, các bảo tàng và điểm tham quan du lịch tại Bỉ đón 279.000 lượt khách, giảm 29,5% so với năm 2015.

Thêm vào đó là sự khó khăn khi đi vào khu vực trung tâm Brussels do việc một số hầm đường bộ phải đóng cửa. Tính từ tháng Tư đến nay, lượng người đi lại trong khu vực trung tâm, nhất là trên phố thương mại Neuve nổi tiếng nhất của Bỉ, giảm rõ rệt.

Nhằm cứu trợ những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính quyền vùng thủ đô Brussels thông qua Cơ quan xử lý khủng hoảng đã “bơm” 3 triệu euro để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này. Trong 6 tháng vừa qua, 238 chủ doanh nghiệp đã tiếp xúc với Cơ quan xử lý khủng hoảng và 94 doanh nghiệp đã được hưởng trợ cấp tài chính từ nguồn trên.

Một số tín hiệu tích cực được ghi nhận và mọi người vẫn tiếp tục đầu tư kinh doanh trong các khu phố Brussels. Tuy nhiên đến thời điểm tháng trước, cơ quan chức năng Bỉ vẫn ghi nhận số doanh nghiệp phá sản tăng và chính quyền cũng đang theo dõi sát diễn biến này.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/bi-linh-vuc-kinh-doanh-du-lich-phuc-hoi-cham/29091.html