Bị lãng quên 20 năm, 'Có phải em mùa thu Hà Nội' tái xuất thế nào?

Hồng Nhung vào phòng thu, ai nấy mới phát hiện thiếu bản phối Có phải em mùa thu Hà Nội, nhạc sĩ Đức Trí lập tức viết ngay tại chỗ, đưa bài hát trở lại sau 20 năm.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sở hữu gia tài hơn 600 bài hát, trong đó ca khúc được khán giả yêu mến nhất là Có phải em mùa thu Hà Nội. Dù chưa từng đặt chân tới Hà Nội nhưng ông hoàn thành ca khúc này trong thời gian rất ngắn. Năm 1971, khi nhạc sĩ giao lưu với nhóm thơ Hàn Giang, nhà thơ Tô Như Châu khoe: "Tao có bài thơ này viết về Hà Nội hay lắm, mày thích tao cho".

Đọc lướt qua bài thơ dài, Trần Quang Lộc sửng sốt với với những câu, tứ lãng mạn, thấm đẫm chất Hà Nội nên lập tức nhận phổ. Chỉ sau một đêm, ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội ra đời, ca từ được lựa từ những ý thơ hay nhất của Tô Như Châu. Bài hát không hề nhắc tới bất cứ địa danh cụ thể nào của Hà Nội, chỉ có "tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ?" nhưng bất cứ ai cũng thấy thấm đẫm "hồn vía" của mảnh đất nghìn năm văn hiến này và nao lòng, xao xuyến nhớ về nó.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc.

Sau khi hoàn thành ca khúc, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đưa cho danh ca Thái Thanh - giọng hát nổi tiếng nhất Sài Gòn lúc bấy giờ - thể hiện. Sau khi lên sóng phát thanh khoảng 2 tháng, bản thu Có phải em mùa thu Hà Nội của Thái Thanh bị chính quyền Sài Gòn thu hồi với lý do "có xu hướng thân miền Bắc". Và ca khúc bị lãng quên suốt hơn 2 thập kỷ sai đó.

Nhạc sĩ Đức Trí, người góp phần đưa ca khúc này trở lại đời sống âm nhạc, cho biết, năm 1994, ca sĩ Hồng Nhung được mời thực hiện album Chợt nghe em hát gồm các tình khúc của Trần Quang Lộc và Lã Văn Cường. Đức Trí là một trong những người phụ trách sản xuất và anh đề nghị đưa Có phải em mùa thu Hà Nội vào album.

Mọi việc chuẩn bị xong xuôi, khi Hồng Nhung và ban nhạc bước vào phòng thu, mọi người mới phát hiện ra còn thiếu bản phối bài Có phải em mùa thu Hà Nội. Tình huống gấp gáp, không thể đợi thêm được nữa, nhạc sĩ Đức Trí vội ngồi xuống, viết bản phối cho ca khúc này ngay tại chỗ và hoàn thành trong vỏn vẹn 5-10 phút.

"Đây có lẽ là bản phối được thực hiện trong thời gian ngắn nhất của tôi" - nhạc sĩ Đức Trí kể.

Sau khi album ra mắt, ca khúc Có phải em là mùa thu Hà Nội ngay lập tức được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc cũng rất hài lòng với bản phối của Đức Trí và giọng ca Hồng Nhung. Mỗi khi nói đến ca khúc này, vị nhạc sĩ người Đà Nắng thường hay nhắc Đức Trí. Có lẽ ông cho rằng, nhờ bàn phối này, đứa con tinh thần của ông mới được yêu thích trở lại sau 20 năm chìm vào lãng quên.

Còn nhạc sĩ Đức Trí tâm sự: "Đôi khi có những bài hát tôi bỏ cả buổi để hoàn thành bản phối. Còn với Có phải em là mùa thu Hà Nội, có lẽ nó được mọi người yêu thích bởi sự đơn giản, tự nhiên".

Sau Hồng Nhung, có nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc Có phải em là mùa thu Hà Nội, trong đó người thành công nhất là Thu Phương. Ca khúc này góp phần không nhỏ đưa giọng ca đất Cảng vươn lên thành ngôi sao ca nhạc hồi thập niên 1990.

Video: Hồng Nhung thể hiện ca khúc "Có phải em là mùa thu Hà Nội"

Còn với nhạc sĩ Trần Quang Lộc, việc chưa bao giờ được đặt chân đến Hà Nội là một trong những điều tiếc nuối lớn nhất của ông. Nhạc sĩ từng chia sẻ: "Tôi chưa có duyên đến Hà Nội nên chưa đi. Nhưng tôi vẫn mong sẽ được ra Hà Nội dù chỉ một lần, được đến với không khí của mùa thu lá vàng, hồ Tây xao động hay con đường phố xào xạc. Được một lần đặt chân tới Hà Nội, biết đâu tôi sẽ lại có cảm hứng sáng tác thêm về nữa!”.

Rời cõi tạm sau 5 năm chống chọi với bệnh ung thư, Trần Quang Lộc không còn cơ hội thực hiện mong ước đó, nhưng với Hà Nội, nhạc sĩ Đà Nẵng tài hoa này mãi là người thân.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc mất chiều 7/6 tại nhà riêng thuộc TP Bà Rịa (Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu).

Tang lễ tác giả ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội được tổ chức tại nhà riêng của ông ở Vũng Tàu. Lễ di quan dự kiến sẽ diễn ra lúc 3h30 sáng 10/6. Sau đó, thánh lễ an táng được tổ chức tại Thánh đường giáo xứ Long Tâm - TP Bà Rịa.

Hoàng Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/sao-viet/bi-lang-quen-20-nam-co-phai-em-mua-thu-ha-noi-tai-xuat-the-nao-ar551020.html