Bí kíp vượt 'bão' Covid-19 từ doanh nghiệp

Đại dịch Covid-19 kiến nhiều DN bị ngưng trệ sản xuất. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn đạt mức tăng trưởng cao, đóng góp tốt vào nguồn thu ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp chia sẻ bí quyết vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp chia sẻ bí quyết vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm vượt "bão" Covid-19 và những đề xuất từ các doanh nghiệp" nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam do Báo Người Lao động tổ chức ngày 12/10, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt cho hay, du lịch là một trong những ngành kinh tế bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, buộc bản thân từng DN phải thích nghi để vượt qua khó khăn.

Để ứng phó với đại dịch, Công ty Du ngoạn Việt đã chuyển đổi cơ cấu dòng khách từ phổ thông sang phân khúc khách cao cấp. DN trước đây chuyên phục vụ khách quốc tế, nhưng khi thị trường khách này đóng cửa đã chuyển sang đào tạo thêm cho cán bộ nhân viên để tập trung phục vụ khách nội địa tốt hơn. Đầu tư thêm một số sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của từng dòng khách, từng phân khúc khách...

Chẳng hạn như tour trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khách đi tour chuyển sang các nhóm nhỏ từ 4-6-8 người, ngồi trên thuyền được nghe nhạc, có phần ăn riêng… Hay một resort 5 sao ở Tiền Giang sau chuyển đổi vẫn tiếp tục đón du khách, đến giờ này lượng khách đặt phòng thường xuyên hơn.

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn KIDO cho biết, ngay khi dịch bắt đầu xảy ra, KIDO đã có quyết định táo bạo là nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài trước nhiều tháng để chủ động nguồn nguyên liệu, tránh hoạt động sản xuất kinh doanh phải ngừng trệ…

Thậm chí, từ tháng 3 DN còn quyết định mua luôn cả nguyên liệu cho quý III để bảo đảm công việc cho cán bộ nhân viên, duy trì hoạt động. Với những giải pháp hiệu quả, 9 tháng đầu năm, KIDO đạt kết quả tăng 30% so với cùng kỳ khi doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận khá tốt; không nhân viên nào bị giảm lương, giảm thưởng.

Tương tự, trong lĩnh vực gỗ xuất khẩu, khi nhiều DN đang gặp khó khăn, đơn hàng giảm nhưng Gỗ Đức Thành vẫn tăng trưởng khả quan. Chia sẻ “bí kíp” vượt “bão” của DN, bà Nguyễn Hà Ngọc Diệp, Phó Tổng giám đốc Công ty gỗ Đức Thành cho biết, với những giải pháp ứng phó của DN trong đại dịch tập trung vào việc mua nguyên liệu, đầu tư công nghệ… Đến giờ, đơn hàng của DN vẫn tăng hơn so với cùng kỳ, thậm chí có đủ đơn hàng từ giờ đến cuối năm.

Tương tự, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), khoe đến giờ chưa một nhân viên nào của công ty phải nghỉ việc dù DN cũng không tránh khỏi tác động của đại dịch. Ngay khi đại dịch xuất hiện, công ty đã triển khai giải pháp thống kê, nắm lại thị phần, thông tin thị trường từ các kênh phân phối, kênh du lịch, nhà hàng, khách sạn… để từ đó có kế hoạch tung hàng kịp thời. Đồng thời, DN cũng chuyển đổi sản phẩm bằng việc tìm nguồn nguyên liệu trong nước, tìm sản phẩm bổ dưỡng, gần thiên nhiên như sản phẩm củ quả, trái cây, nước chanh muối…

Mặc dù có những điểm sáng trong bức tranh tối, nhưng nhìn chung nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, bên cạnh sự nỗ lực của DN, cần sự đồng hành, chia sẻ, rủi ro của các cấp, sở, ngành, đặc biệt để các gói hỗ trợ tới tay DN, mới có thể thúc đẩy kinh tế.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt phản ánh dù Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành để giảm lãi vay cho DN nhưng thực tế, thời gian qua chưa DN nào tiếp cận được lãi suất giảm. Do vậy, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cố gắng đưa lãi suất hợp lý đến tay DN như là một giải pháp tiếp sức trong giai đoạn khó khăn.

Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho thấy số lượng doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường chiếm khoảng 5%, số doanh nghiệp vượt qua những khó khăn bước đầu chiếm 9%, khó khăn còn nghiêm trọng là 40%. Số doanh nghiệp khó khăn và rất khó khăn chiếm 84%.

Về nguyên nhân khó khăn, 40% DN được hỏi trả lời là do thiếu vốn, 14% khó khăn là do đứt gãy các chuỗi cung ứng, 88% DN bị thu hẹp thị trường. Ngoài ra, có 52% DN được hỏi cho biết đã cắt giảm lao động vì khó khăn.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bi-kip-vuot-bao-covid-19-tu-doanh-nghiep-134949.html