Bí kíp trốn thuế của giới 'siêu giàu' ở Anh

Trong bối cảnh đời sống nước Anh đang phần nào bị đảo lộn bởi tiến trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, dư luận 'xứ sở Sương mù' tiếp tục chấn động bởi một báo cáo điều tra vừa được công bố liên quan tới mánh khóe trốn thuế của giới 'siêu giàu' ở nước này.

Kết quả loạt báo cáo điều tra quy mô lớn do tờ The Times công bố ngày 7-3 cho thấy, chỉ trong vòng hơn một thập kỷ qua, giới người “siêu giàu” ở Anh đã gian lận hàng tỷ bảng tiền thuế bằng cách chuyển sang sinh sống tại những nơi vẫn được ví như “thiên đường trốn thuế”. Theo đó, trong khoảng thời gian trên, có tới 28 trong số 93 tỷ phú Anh, tức là gần 1/3 số tỷ phú ở “xứ sở Sương mù”, đã hoặc đang có kế hoạch chuyển chỗ ở nhằm hưởng mức thuế thu nhập nhẹ nhàng hơn. Thậm chí, gần 50% trong số tỷ phú nói trên đã rời khỏi nước Anh vì mục đích này.

Điều tra cũng nêu rõ, trong số những người chuẩn bị chuyển chỗ ở có Jim Ratcliffe, tỷ phú giàu nhất nước Anh, đồng thời cũng là nhân vật ủng hộ mạnh mẽ việc đưa Anh rời khỏi “mái nhà chung” châu Âu. Tỷ phú Jim Ratcliffe hiện sở hữu một trong những công ty hóa chất lớn nhất thế giới với trị giá lên tới 35 tỷ bảng Anh (46 tỷ USD). Công ty này có khoảng 19.000 nhân viên hoạt động tại 24 quốc gia, mỗi năm sản xuất khoảng 60 triệu tấn hóa chất.

 Công quốc Monaco là một trong những điểm đến yêu thích của nhiều tỷ phú Anh. Ảnh: AFP.

Công quốc Monaco là một trong những điểm đến yêu thích của nhiều tỷ phú Anh. Ảnh: AFP.

Tháng trước, tờ Sunday Times cũng loan tin về việc ông Jim Ratcliffe chuyển tới Công quốc Monaco-nơi sinh sống của 10 tỷ phú và 408 người đứng đầu các doanh nghiệp Anh. Nhưng điều đáng nói là kế hoạch “chuyển chỗ ở” của tỷ phú này ước tính sẽ khiến Bộ Tài chính Anh thiệt hại khoảng 4 tỷ bảng Anh.

The Times cho rằng, sở dĩ các tỷ phú và các chủ sở hữu doanh nghiệp lớn ở Anh đổ xô ra nước ngoài là nhằm tìm cách tránh phải trả khoản thuế thu nhập cá nhân ở mức khá cao 38,1%. Những điểm đến lý tưởng mà họ thường lựa chọn là quần đảo Channel, Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)-những nơi phải trả rất ít thuế hoặc không phải trả thuế.

Kể từ khi chính phủ Anh tăng thuế thu nhập đối với tầng lớp "siêu giàu" tới 50% vào năm 2010, ngày càng có nhiều tỷ phú Anh đi theo trào lưu chuyển chỗ ở ra nước ngoài. Dù năm 2013, mức thuế đã giảm xuống còn 45% song vẫn không thể ngăn cản giới "siêu giàu" ở Anh đi theo trào lưu này.

Tháng 11-2016, hãng tin CNBC dẫn một báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh (NAO) cho biết, cứ 3 người thuộc giới "siêu giàu" ở Anh thì có một người khi đó đang bị điều tra… vì đóng thuế quá ít. Rất nhiều “chiến thuật” được những người giàu có ở nước này áp dụng nhằm giảm tối đa mức thuế phải đóng, trong đó phổ biến nhất có lẽ là mở tài khoản ngân hàng ở các quốc gia khác.

Câu chuyện xoay quanh tỷ phú Jim Ratcliffe cũng từng trở thành đề tài bàn tán nhiều tại Anh và khiến các chính trị gia ở Anh tỏ ra bức xúc. Họ cho rằng, mỗi đồng trốn thuế của các tỷ phú sẽ khiến các bệnh nhân không được chăm sóc tốt nhất và trẻ em không nhận được sự đầu tư nhiều nhất cho giáo dục… đồng thời kêu gọi giới "siêu giàu" tại Anh hãy đóng góp cho đất nước như những người bình thường khác.

Sau khi tờ The Times công bố kết quả điều tra, trong khi chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May chưa đưa ra phản ứng gì thì nghị sĩ Margaret Hodge thuộc đảng Lao động tỏ ra khá gay gắt. Nghị sĩ này viết trên mạng xã hội: “Chúng ta phải chấm dứt tình trạng trốn thuế nhằm buộc nhóm những người giàu nhất phải đóng góp một cách công bằng”.

Trên thực tế, không chỉ riêng nước Anh mà hiện nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt với hiện tượng tương tự. Chỉ có điều, kết quả điều tra lần này thực sự là một “cơn địa chấn lớn”, bởi nó xuất hiện trong thời điểm mà chuyện “cơm áo gạo tiền” trước thềm Brexit đang “nóng” lên từng ngày tại Anh.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/bi-kip-tron-thue-cua-gioi-sieu-giau-o-anh-568205