Bí kíp leo núi Bà Đen 2 ngày 1 đêm chỉ với 300.000 đồng

Núi Bà Đen từ lâu trở thành điểm đáng chinh phục' của biết bao bạn trẻ yêu phượt, thích khám phá. Họ đến đây không chỉ để leo núi, ngắm hoàng hôn, bình minh, săn mây trời...

Núi Bà Đen với phong cảnh núi non hùng vĩ, nhiều hang động, chùa chiền nguy nga gắn với nhiều truyền thuyết là một điểm đến không thể bỏ qua của khách hành hương đến vùng đất phương nam, đồng thời cũng là một mục tiêu hấp dẫn với các bạn trẻ thích du lịch, leo núi và trải nghiệm. Tuy vậy, để chinh phục núi Bà Đen với độ cao 986 mét, được mệnh danh là “nóc nhà Đông Nam Bộ” không phải là một việc dễ dàng, chúng ta cần phải tìm hiểu và tham khảo kinh nghiệm phượt núi Bà Đen an toàn trước khi lên đường; đó là cũng là lý do bài viết này ra đời.

Lựa chọn cung đường

Lượng sức mình để chọn cung đường phù hợp. Có nhiều đường lên đỉnh, cứ hỏi người dân xung quanh là sẽ ra điểm bắt đầu. Mình liệt kê 03 đường mà nhiều người thường hay lui tới, độ khó tăng dần nha:

- Đường chùa (nửa đường là bậc thang lên chùa Bà, nửa đường còn lại là đất đá như hình dưới)

Hình ảnh minh họa.

- Đường cột điện (đường thẳng, đất đá như hình, cứ bám theo hướng các cột điện sẽ lên đỉnh).

- Đường Ma Thiên Lãnh (đường dài nhất, dễ lạc nhất, xa nhất, lời khuyên là lần đầu tiên leo thì đừng đi cung này).

Chuẩn bị sức khỏe

Khác với các núi khác, núi Bà Đen gần như là đâm thẳng lên trời, nên việc leo núi sẽ chỉ có một hướng đi lên, đi lên, đi lên và đi lên liên tục, chứ không phải đi lên rồi đi xuống rồi đi lên rồi đi xuống như cách chinh phục các ngọn núi khác. Điều này cần nhiều thể lực của người leo núi.

Trước khi leo núi Bà Đen, các bạn nên chuẩn bị xíu về thể lực, cần lắm đùi khỏe, bắp chân khỏe, cổ chân khỏe, tim khỏe, cái gì cũng cần phải khỏe!

Chuẩn bị hành lí

Một bộ dành riêng cho việc di chuyển trên xe máy (tay dài, quần dài lỡ có té xe thì ít trầy). Tới nơi mình thay bộ đồ leo núi, bỏ bộ đó vào bỏ cốp xe, hôm sau thân xác tả tơi còn bộ đồ quay về nơi thành thị. Ưu tiên quần áo gọn nhẹ, thoáng khí, co dãn tốt, 1 ngày 1 bộ, 2 ngày 2 bộ.

Giày tốt, có gai, bám đất. Giày leo núi chuyên dụng thì nhất rồi, sang thì Nike Running, nhưng mình khuyên mang giày bộ đội hoặc Thượng Đình là tốt nhất rồi, nhìn nó cùi cùi vậy thôi chứ giúp ích cho chuyến đi của mình lắm.

Găng tay nhé, vì đường đá gần như 90%, không có bao tay thì sẽ dễ té hoặc bị trầy.

Nước: 2 ngày thì 4 lít, 1 ngày thì 2 lít. Uống thành từng ngụm, tiết kiệm nước vì bạn không biết hành trình mình sẽ khó khăn và cần nước thế nào đâu. Cách đỉnh tầm 45’ có một trạm dừng chân nhỏ có bán nước, Sting, mì gói các kiểu, có thể tiếp đạn ở đây trước khi đi tiếp.

Đi trong ngày thì mang đồ chống nắng, mình khuyên các bạn phượt thủ nên sắm cái bao tay chống nắng, chống trầy xước khi leo, chống côn trùng nữa.

Đi đêm thì phải có đồ lạnh, đèn pin.

Thuốc chống côn trùng, nếu mà mặc đồ bít bùng toàn thân thì khỏi, nhưng mà trên người mình có chỗ hở thì phải cẩn thận, chỉ cần ngồi nghỉ là muỗi xuất hiện.

Thức ăn cung cấp năng lượng, dao, bật lửa, đồ y tế, áo mưa nếu đi vào mùa mưa.

Mình thấy nhiêu đó là đủ cho những hành trình leo núi thông thường, còn những cung đường đặc thù sẽ có những món đồ chơi riêng. Nên nhớ 1kg dưới đất liền, sau vài tiếng leo núi sẽ thành 10kg, nên mình chuẩn bị đủ những thứ cần thiết thôi, không cần màu mè hoa lá hẹ làm gì, lên đó mệt lắm.

Lịch trình chi tiết

Ngày 1

6:30: Tập trung tại CV Hoàng Văn Thụ.

7:00: Xuất phát đi Tây Ninh.

8:00: Dừng ăn sáng tại phở Quỳnh.

9:00: Di chuyển tiếp.

11:30: Tới KDL núi Bà Đen (46.5 km), gửi xe ăn trưa tới 12:00

12:00: Thảo luận nhóm trước lúc leo.

12:30: Xuất phát theo đường cột điện lên đỉnh núi.

17:00: Lên tới đỉnh núi. Do đây là lần đầu leo núi Bà Đen và trong nhóm có một số bạn không tập thể lực nên thời gian leo khá lâu.

17:30: Dựng trại và chuẩn bị ăn tối.

Dựng lều nghỉ ngơi.

Buổi tối lành lạnh, ngồi trên đống lửa là điều tuyệt vời nhất.

Lưu ý: Mỗi thành viên trong đoàn đều phải mang vác ít nhất từ 7 kg – 10 kg bao gồm cả vật dụng cá nhân, nước uống, thức ăn và lều trại. Trong vòng một giờ đầu tiên, bạn sẽ thấy uể oải vì mệt, vì thời tiết nóng… nhưng bù lại bạn được thiết đãi vô vàn cảnh đẹp.

Ngày 2

4:30: Thức dậy ngắm bình minh, nhớ là nên thức dậy trước 5:00 để chờ bình minh lên vì chỉ muộn vài giây thôi, bạn cũng đã đánh mất những giây phút đẹp của mây trời cùng hòa hợp tạo nên.

Nên thức dậy sớm 5h để đón chờ bình minh lên, đừng quá muộn vì chỉ vài giây trôi qua thôi, bạn cũng đã đánh mất những giây phút đẹp của mây trời cùng hòa hợp tạo nên.

Bình minh trên Hồ Dầu Tiếng, góc nhìn từ núi Bà Đen.

Khoảng 5:30 mặt trời bừng đỏ trên nền trời, hắt những vệt nắng hồng xuống lòng hồ Dầu Tiếng, khiến bức tranh thôn quê ngày mới tràn đầy sức sống. Nhất định phải ngắm bình mình nhé, vì nếu leo núi Bà Đen mà không ngắm được cảnh tượng đẹp ấy thì coi như chưa đặt chân đến đâu.

7:00: ăn sáng, uống cà phê và hạ trại. Các bạn nên thu dọn sạch sẽ rác mang xuống nhé! Đừng để lại bất cứ thứ gì mình mang lên.

Ly cà phê này được dung hòa giữa ngọt và đắng, nhưng nghiêng về phần đắng nhiều hơn và đặc biệt hơn là được pha trên đỉnh.

Đu bám những cành cây, gốc rễ để xuống núi...

Hành trình xuống núi, nhóm mình quyết định về theo đường chùa. Con đường vô cùng dốc, đá tảng lớn, có lúc vừa bò, trườn, vừa đu đây để qua.

7:30: Xuất phát xuống núi.

13:00: Chúng mình đã có mặt tại chân núi và mệt rã rời.

Sau khi đã xuống núi các bạn nên nghỉ ngơi thư giãn một chút và ăn trưa rồi lên trở về Sài Gòn. Lúc về các bạn vẫn đi theo đường và lịch trình như lúc đi nhé. Cứ chạy xe thong thả thong dong thôi, đừng vội vàng. Nhớ là đói đâu ăn đó, mệt đâu nghỉ đó nhé.

17:00: Bọn mình đã về tới Sài Gòn an toàn.

Chi phí

Tiền xăng xe: 100.000 VND / xe / 2 ngày

Đồ ăn vặt, nước uống và đồ ăn sáng nhẹ hôm sau: 50.000 VND / người.

Lều ngủ: 50.000 VND / người.

Ăn trưa: 2 bữa x 25.000 VND / bữa = 50.000 VND / người.

Tiền lặt vặt: 100.000 VND / người.

Tổng tiền: 300.000 VND / người.

Bên trên là một vài trải nghiệm cũng như kinh nghiệm leo núi Bà Đen của nhóm mình, bạn nào có đi cung này rồi, đọc thấy cần bổ sung gì thêm thì tư vấn cho mình nhé. Và cuối cùng, mình muốn nhắn nhủ với các bạn rằng: “Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh, đừng để lại gì ngoài những dấu chân”. Hãy là những người trẻ du lịch có văn minh các bạn nhé!

Hành trình leo núi Bà Đen.

Ảnh: Traveloka

Lê Tuyết / Tin Nhanh Online

Nguồn Tin Nhanh: http://tinnhanhonline.vn/bi-kip-leo-nui-ba-den-2-ngay-1-dem-chi-voi-300000-dong-1483750