Bí kíp chọn đá có một không hai của 'ông Văn, ông Võ' ở làng cổ Non Nước

Đến với Đà Nẵng, du khách không những được thưởng thức vẻ đẹp của biển, vẻ hùng vĩ mà nên thơ của núi, nét đẹp truyền thống trong các lễ hội mà còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo, tài hoa tại các làng nghề truyền thống. Và trong đó, làng đá Non Nước là làng nghề tiêu biểu, độc đáo nhất của thành phố du lịch Đà Nẵng.

Thổi hồn vào đá

Làng đá mỹ nghệ Non Nước nằm ở dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Theo lời kể của các nghệ nhân cao tuổi của làng thì nghề chế tác đá mỹ nghệ Non Nước đã có từ cuối thế kỷ 18, người có công khai sáng ra làng nghề này là ông Huỳnh Bá Quát - người Thanh Hóa. Ông vào an cư lập nghiệp tại chân núi Ngũ Hành Sơn và khám phá ra đây là một cụm núi đá Cẩm Thạch có thể chế tác ra nhiều sản phẩm trang trí.

Bên cạnh nghề làm nông, mỗi khi rảnh ông lại mang đá ra chế tác, đục đẽo thành những tấm bia mộ, chày và cối giã tiêu, giã thuốc, cối xay, hoặc làm các hòn đá chì cho những ngư dân trong vùng. Các sản phẩm của ông Quát được nhiều người ưa thích mua và lượng khách ngày một đông hơn đã mang tới cho ông một nguồn thu nhập kha khá. Từ đây, ông bắt đầu nghĩ nó sẽ trở thành một nghiệp nên khi nhàn rỗi ông đã truyền lại cho con cháu và những người trong làng.

Người dân trong làng bắt đầu khai thác và chế tác ra các dụng cụ và đồ vật bằng đá phục vụ cho cuộc sống hằng ngày như: Cối xay bột, giã gạo, sau đó là những tác phẩm điêu khắc bia mộ và hơn thế nữa là phượng, rồng, rùa đáp ứng yêu cầu của các chùa chiền, lăng tẩm, miếu và cung đình... Từ đất đá vô cảm, người nghệ nhân làng đá mỹ nghệ đã thổi vào đó tâm hồn của con người.

Nghệ nhân chế tác đá.

Quá trình chế tác đá diễn ra rất nhiều công đoạn, vất vả, nhọc nhằn vô cùng. Nhưng khi tác phẩm thành hình, thái độ ngưỡng mộ của người thưởng thức đã giúp cho dân làng nghề ngày càng gắn bó với công việc của mình.

Khâu đầu tiên trong quá trình chế tác là tìm kiếm nguyên liệu. Công việc khai thác đá rất vất vả, đòi hỏi họ phải có sức khỏe, kinh nghiệm để chọn được loại đá thích hợp. Người chuyên lấy đá được gọi là “ông Võ”, thường là những cụ già, có nhiều kinh nghiệm và bí quyết nhà nghề, sẽ dẫn thanh niên khỏe mạnh vào núi lấy đá. Việc đầu tiên là tìm mạch đá để khai thác, chọn hướng khai thác hầm theo mạch đá. “Ông Võ” dùng cây tựa (bằng sắt dài 60 -70cm, một đầu dẹt, một đầu uốn cong) để tìm thớ, sau đó, thợ khai thác dùng các công cụ tách đá rồi chẻ thành những tảng nhỏ phù hợp với yêu cầu sử dụng. Với kinh nghiệm làm nghề, người thợ giỏi còn có thể biết được đá mềm hay cứng, có thể tạo ra loại sản phẩm gì qua tiếng kêu của đá.

Khi có nguyên liệu, thợ điêu khắc sẽ tạo hình sản phẩm ở dạng thô. Đó là công đoạn ra phôi, công việc của “ông Văn”. Quá trình ra phôi được thực hiện bài bản gồm nhiều công đoạn như: Tìm mặt phẳng để tạo chân đế, xác định điểm chuẩn tạo hình, vẽ phác thảo trên giấy, sau đó vẽ lên mặt đá hoặc in trực tiếp lên tảng đá. Với những sản phẩm khó, có tính nghệ thuật cao, người thợ phải vẽ phác thảo và làm phôi bằng đất sét trước, khi đạt yêu cầu họ mới tạc đá. Theo phác thảo, người thợ tiến hành đục phôi, tạo hình sản phẩm.

Khi phôi hoàn thành, người thợ sẽ làm các chi tiết như: Chạm nét, trang trí hoa văn, mài, đánh bóng sản phẩm. Với người thợ, ở công đoạn này, quan trọng nhất là chạm hình nét và trang trí đòi hỏi kỹ thuật và đôi tay khéo léo của người thợ. Ngoài quy trình chung cho tất cả các sản phẩm, thì mỗi loại sản phẩm lại có yêu cầu kỹ thuật cụ thể.

Đưa tinh hoa người Việt ra thế giới

Để sản phẩm có màu sắc, đôi khi người thợ phải nhuộm đá bằng phẩm màu kết hợp với bã chè xanh, xi đánh giày màu nâu, màu chàm... Bí quyết để có màu đẹp phụ thuộc vào việc pha màu, tạo nhiệt độ và dùng độ đậm nhạt của màu. Sản phẩm hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn, nhờ bàn tay khéo léo và kinh nghiệm của người thợ.

Tọa lạc trong vùng đất Ngũ Hành Sơn, ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Champa từ Thánh địa Mỹ Sơn, làng đá mỹ nghệ là sự giao thoa hài hòa của hai nền văn hóa Việt Cổ và Champa. Điều này đã tạo nên sự phong phú cả về sự sáng tạo lẫn hình tượng nghệ thuật tạo ra những tác phẩm trường tồn. Mỗi tác phẩm không chỉ được đục đẽo, mài gọt bằng bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh anh, mà ở đó, người nghệ nhân còn gửi gắm tình cảm và thổi hồn sức sống cho “đứa con” của mình.

Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước ẩn chứa các lớp lịch sử, văn hóa trong từng công đoạn của nghề, trên từng sản phẩm, là bảo tàng sống về sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của người dân địa phương.

Tại làng có nhiều nghệ nhân nổi tiếng, nhiều gia đình có tới bảy tám thế hệ làm nghề. Khách tham quan từ nhiều nước đến đây đều ngưỡng mộ tài năng của các nghệ nhân và những sản phẩm độc đáo của họ. Ngoài sản phẩm lưu niệm, nếu khách hàng muốn đặt mua những sản phẩm có trọng lượng lớn, kích cỡ to thì tùy theo thỏa thuận giữa người mua và người bán kèm theo địa chỉ của khách hàng, sản phẩm sẽ được đóng kiện cẩn thận rồi gửi theo đường biển đến tận nơi cho khách hàng.

Rất nhiều thương gia hoặc khách du lịch từ Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Pháp, Canada, Hà Lan, Mỹ... đã đến ký hợp đồng đặt mua các sản phẩm ở làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, trong đó có những hợp đồng trị giá hàng trăm ngàn USD.

Thanh Bình

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bi-kip-chon-da-co-mot-khong-hai-cua-ong-van-ong-vo-o-lang-co-non-nuoc-a412584.html