Bi kịch với vùng đất xa xôi nước Nga trước cơn 'khát gỗ' của Trung Quốc

Người dân Siberia bức xúc trước việc các nhà sản xuất gỗ Trung Quốc ào ào kéo tới, đưa gỗ ra khỏi những cánh rừng trước khi mang về nước gia công, chế biến.

Khi cái nắng oi ả ngày hè bao trùm Siberia, những chiếc xe tải chất đầy thông Siberia, thông Scotland và bạch dương ùn ùn lăn bánh khỏi các cánh rừng, tiến về các xưởng gỗ do người Trung Quốc quản lý.

"Tất cả mọi thứ ở đây đều là của Trung Quốc", ông Wang Yiren, quản đốc xưởng gỗ, vừa nói vừa chỉ vào hàng trăm xưởng gỗ mọc lên chỉ trong vòng vài năm qua dọc tuyến đường sắt xuyên Siberia.

Nhu cầu lớn về gỗ của Bắc Kinh mang lại công ăn việc làm cho người dân trong khu vực nhưng vô hình trung biến Nga trở thành quốc gia "đi đầu" về suy thoái rừng trong khi Trung Quốc đang hạn chế tối đa việc khai thác gỗ trong nước để bảo tồn các cánh rừng còn lại của mình.

 Những cánh rừng ở Siberia bị tàn phá nặng nề trước cơn khát gỗ từ Trung Quốc. (Ảnh: NYTimes)

Những cánh rừng ở Siberia bị tàn phá nặng nề trước cơn khát gỗ từ Trung Quốc. (Ảnh: NYTimes)

Nga hiểu được thực tế đó nhưng chấp nhận để tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với nền kinh tế thứ 2 thế giới như một cách đối phó với lệnh trừng phạt khắc nghiệt mà phương Tây đang áp đặt từ năm 2014.

Xuất khẩu gỗ từ Nga sang Trung Quốc đạt 3,5 tỷ USD vào năm 2018, tăng gần gấp đôi so với mức 2,2 tỷ USD năm 2013, một năm trước cuộc khủng hoảng Ukraine. Người Trung Quốc đưa gỗ của Nga về nước gia công thành đồ nội thất, cửa ra vào, sàn ốp và các hàng hóa thành phẩm khác để tiêu thụ khắp nơi trên thế giới.

Vì lẽ đó, mặc dù cơn sốt gỗ của Trung Quốc kích thích kinh tế Siberia, nhiều người dân địa phương tỏ ra bất bình, lo ngại trước cạm bẫy của một thí nghiệm kinh tế tại vùng đất xa xôi của Nga. Họ đau xót cho những cánh rừng địa phương bị chặt phá để phục vụ cho chính sách "hớt tay trên" của Bắc Kinh trong khi các nhà khoa học cảnh báo các tác động về môi trường có thể sẽ rất khó đo lường.

Nga nhiều năm qua luôn "dẫn đầu thế giới" về tình trạng rừng bị thu hẹp. Năm 2018, diện tích rừng bị mất đi của xứ bạch dương là 6,5 triệu, gần gấp đôi diện tích những cánh rừng bị chặt bỏ của Amazon là 3,6 triệu ha.

Công nhân làm việc trong nhà máy gỗ ở Kansk, Nga. (Ảnh: NYTimes)

Khoảng 100 nhà máy do Trung Quốc điều hành đi vào hoạt động từ năm 2014 chỉ tính riêng ở Kansk, một trung tâm công nghiệp khai thác gỗ với khoảng 100.000 người, theo bà Irina Avdoshkevich, một thành viên Hội đồng thành phố và là người phản ứng mạnh mẽ với đầu tư của Trung Quốc.

"Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi cần đầu tư. Nhưng nếu chúng tôi quyết định làm bạn thì chúng tôi phải nhận được như nhau. Nhưng ở đây, các nhà khai thác gỗ của Trung Quốc chỉ chăm chăm vận chuyển gỗ càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng tốt về Trung Quốc mà không cần đầu tư vào sản xuất ở Nga hay quan tâm tới thiệt hại của môi trường", bà Avdoshkevich bức xúc.

Người Trung Quốc đầu tư vào các nhà máy Kansk nhưng chỉ để cưa gỗ sau đó chuyển thành phẩm về quê nhà gia công. Họ chất đống mùn cưa tại các xưởng gỗ. Năm 2017, chúng bốc cháy, gây ra vụ hỏa hoạn đốt cháy 50 ngôi nhà và gây thiệt hại nghiêm trọng cho thành phố.

"Tôi là công dân của thành phố này. Tại sao tôi phải chấp nhận đống phế thải đó, đám cháy đó", bà Avdoshkevich bất bình.

Ông Eduard Maltsev làm việc cho một nhà máy gỗ do người Trung Quốc điều hành với mức lương 230 USD (hơn 5,3 triệu đồng) - một mức lương cao ở vùng này. Nhưng nhà của ông bị cháy trong vụ hỏa hoạn năm 2017. Sau sự cố, người quản lý Trung Quốc tháo chạy khiến Maltsev và nhiều hộ dân khác không nhận được bất cứ đồng bồi thường nào. Giờ đây, ông chuyển nghề sang lái xe buýt.

"Điều tích cực là họ tạo ra việc làm", ông nói. Nhưng giống như nhiều người dân ở các thị trấn khai thác gỗ ở Siberia, Maltsev cho rằng sự vươn lên thống trị chóng mặt của Trung Quốc trong ngành công nghiệp này đang trở nên mối họa thay vì phước lành.

Một số nhà khai thác gỗ Trung Quốc nói người Nga không nên đổ lỗi cho họ về những hạn chế nảy sinh trong làn sóng bùng nổ gỗ ở Siberia. Tuy nhiên, chính quyền Nga đang siết chặt các quy tắc môi trường để ngăn cản các nhà sản xuất gỗ nước ngoài tràn vào cánh rừng lấy gỗ mang đi.

Ông chủ một xưởng Trung Quốc bày tỏ hối hận vì đã dấn thân sang Nga mà không lường trước được việc sẽ bị hạn chế thâm nhập vào các cánh rừng Nga để lấy gỗ. Ông nói thêm rằng những người quản lý như mình phải đổi sang tên Nga vì nhiều công nhân kịch liệt bài xích tên Trung Quốc.

Ông Wang, giám sát một nhà máy lân cận lo ngại người Nga sẽ tiếp tục thắt chặt các quy định và chặn lối vào những cánh rừng đối với ông và các đồng hương Trung Quốc

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bi-kich-voi-vung-dat-xa-xoi-nuoc-nga-truoc-con-khat-go-cua-trung-quoc-d489079.html