Bi kịch từ những cuộc hôn nhân chồng già - vợ trẻ: Được chiều nhưng chẳng được 'yêu'!

Chồng già vợ trẻ - một bên mang đến 'luồng gió' trẻ trung còn một bên cảm thấy an toàn bên cạnh sự trải nghiệm, chín chắn. Tuy nhiên, 'lệch pha' tuổi tác thường kéo theo những bất đồng quan điểm, nhận thức, lối sống

Nỗi sợ của người chồng già sau 1 tháng lấy vợ trẻ

Năm 2009, ông Phạm Văn Hành (59 tuổi) trong bộ dạng khắc khổ gửi đơn đến TAND huyện Vị Thủy, Hậu Giang xin ly hôn người vợ Trần Thị Nguyệt (40 tuổi). Giọng thều thào ông Hành trình bày với thẩm phán, hai vợ chồng tôi lấy nhau sinh được 3 người con. Chẳng may vợ ông Hành đến năm 53 tuổi thì bất ngờ chết vì mắc phải cơn bạo bệnh.

Một mình sống trong căn nhà ba gian trống trải khiến tâm hồn người đàn ông bước sang sườn dốc bên kia của cuộc đời cảm thấy cô độc. Con cháu đi làm ăn xa, một năm cũng chỉ về nhà thăm ông được vài hôm rồi lại khăn gói lên đường, bỏ mặc ông sống đối diện với bốn bức tường và màn đêm lạnh lẽo.

Ông Hành quyết định đi tìm người bạn đời lần thứ 2 trong cuộc đời. Ý định này của ông bị các con phản đối kịch liệt. Họ đưa ra đủ mọi lý do, cho rằng ông đã quá già không nên vướng bận thêm vào chuyện vợ con hay một lần nữa phải gánh vác trọng trách con rể với gia đình khác.

Sự cô đơn khiến ông cảm thấy sợ hãi mà quyết tâm “đi thêm bước nữa” với bà Nguyệt. Người vợ 2 của ông Hành cũng từng có một đời chồng nhưng không may chồng bà qua đời trong một tai nạn giao thông. Mặc dù chăm sóc hai người con vất vả nhưng đang vào độ tuổi hồi xuân nên trông bà Nguyệt còn khá trẻ.

Đám cưới của hai người diễn ra chóng vánh, trong ngày cưới người bà con của ông Hành ra xã đăng ký kết hôn hộ, còn hai người ở nhà làm vài mâm cơm đãi khách đôi bên gia đình.

Từ sau ngày lấy vợ, mỗi khi màn đêm buông xuống ông Hành không còn phải đối diện với sự cô độc. Nhưng ông lại phải đối diện với một nỗi ám ảnh khác đến từ người vợ mới cưới của mình. Bà Nguyệt luôn đòi hỏi cao trong chuyện “chăn gối”, có hôm mỗi đêm ông Hành phải “chiều” vợ mình đến 3 lần.

Ban đầu, ông Hành còn chịu được vì nghĩ có thể do lâu ngày vợ không được giải tỏa nên mới đòi hỏi cao như vậy. Thế nhưng, tình trạng ấy kéo dài, ngày nào ông Hành hết làm việc đồng áng, tối đến lại phải đáp ứng nhu cầu sinh lý của vợ.

Hơn nửa đời người lao động cực nhọc khiến các khớp chân của ông Hành đau nhức thường xuyên. Không những thế, căn bệnh gai đôi cột sống còn hành hạ người đàn ông này mỗi khi trái gió trở trời. Ngược lại, bà Nguyệt lại là người phụ nữ có nhan sắc, đang vào độ tuổi hồi xuân khiến vẻ đẹp của bà càng mặn mà.

Từ việc khao khát có người phụ nữ ở bên cạnh trò chuyện, ông Hành cảm thấy sợ hãi mỗi khi ở gần vợ mình. Rồi ông quyết định phải ly hôn.

Ngày hòa giải, chính ông Hành cũng thừa nhận, bà Nguyệt là người phụ nữ rất tốt, được lòng mọi người bởi lối cư xử khéo léo, nhẹ nhàng. Chỉ có điều, mỗi khi ở bên cạnh chồng, bà Nguyệt như một người khác khi không thể kìm nén được ham muốn cá nhân.

Sau buổi hòa giải thứ nhất, cả hai người đều hứa sẽ cố gắng kìm nén lại cái tôi cá nhân của mình để sống hòa hợp hơn, đặc biệt bà Nguyệt hứa sẽ dùng mọi biện pháp để hạ bớt nhu cầu sinh lý xuống. Mọi chuyện tưởng chừng như êm thấm, không ngờ một tuần sau, ông Hành lại thất thểu đến gõ cửa phòng thẩm phán yêu cầu được giữ lại lá đơn xin ly hôn của mình.

Bởi bà Nguyệt chỉ giữ lời hứa được đúng 3 đêm. Còn những đêm về sau, mọi chuyện lại diễn ra… khiến ông Hành cảm thấy sợ hãi, không còn đủ sức lực để tiếp tục cuộc sống vợ chồng với bà Nguyệt. Trước tình cảnh đó, không còn cách nào khác, thẩm phán phải đồng ý cho hai người ly hôn.

Kẻ “nhún” – người “kiễng” được bao lâu

Không ai dám khẳng định rằng chồng già - vợ trẻ là không hạnh phúc. Đa số các ông chồng già và cô vợ trẻ thời kỳ đầu sống khá hòa hợp. Tình yêu khiến họ sẵn sàng "kẻ kiễng chân” -"người nhún mình”. Song càng về sau, sự chệch choạc bộc lộ càng rõ nét bởi chẳng ai có thể cứ kiễng và nhún mãi được. Và mâu thuẫn, xích mích xảy ra từ đó.

Sinh ra và lớn lên ở Sơn Tây (Hà Nội), ngay từ khi mới bước chân lên giảng đường đại học, An đã xác định sẵn "mục tiêu" khi lựa chọn "một nửa" của mình: người đàn ông đó ít nhất phải hơn An l0 tuổi, công việc ổn định với mức thu nhập khá, ga lăng, nhiệt tình và yêu cô chân thành. Là một cô gái khá xinh xắn, ngay từ những năm đầu tiên, An đã khiến nhiều bạn nam cùng khoa hoặc trên khoa thương thầm nhớ trộm, quan tâm tỏ tình nhưng tất cả không ai lọt vào mắt xanh của An bởi "họ trẻ con quá chị ạ" - An chia sẻ với tôi.

Với An, những ánh chàng bằng tuổi hoặc trên một vài tuổi đều trông chẳng có chút gì chững chạc cả, không đáng tin cậy, sẽ chẳng nhờ vả được gì. Thậm chí, An con thấy mình lớn hơn những anh chàng ấy không chỉ bề ngoài mà cả trong suy nghĩ. An quyết định chỉ quen và yêu những người đàn ông thực sự chững chạc, càng lớn tuổi càng tốt. sẵn mục tiêu ấy, trong 4 năm sinh viên, An trải qua hai mối tình thì cả hai người yêu của An đều hơn cô trên chục tuổi. An bảo: "Người yêu em lớn tuổi nên tâm lý và chiều em lắm. Chỉ có em giận anh ấy chứ anh ấy không bao giờ giận hờn trẻ con như những bạn nam trẻ khác. Họ đi làm có tiền nên việc mua sắm cho người yêu cũng thường xuyên. Tình yêu như vậy mới thú vị chứ”.

Đến khi lấy chồng, An quyết định lấy người đàn ông hơn cô 18 tuổi. Chồng An là một phó hiệu trưởng trường đại học nơi cô làm giảng viên. Anh đã có một đời vợ nhưng đã ly dị vì vợ cũ ngoại tình. Kể từ khi về trường, An đã thực sự bị thu hút bởi sự điềm đạm của anh. Chẳng mấy chốc, vị phó hiệu trưởng cũng nhận thấy tình cảm của cô giảng viên trẻ, thấy An trẻ trung xinh đẹp nên cũng không kìm nén được tình cảm. Hai người làm đám cưới sau năm tháng yêu nhau. An hạnh phúc và mãn nguyện khi lấy được một người chồng đúng như mong muốn. Cô tin mình sẽ hạnh phúc trọn vẹn nhưng niềm hạnh phúc ấy chẳng được lâu khi cô thấy sự chênh lệch quá lớn giữa cô và chồng.

An còn trẻ, sở thích của cô là cùng chồng đi mua sắm, đi xem phim hay gặp gỡ bạn bè thì chồng lại ngại những tiết mục đó. Dù cho An có rủ rê ngọt ngào thế nào đi chăng nữa thì chồng cũng tìm mọi lý do để từ chối. Anh sẵn sàng chi tiền nhưng bao giờ cũng kèm theo câu nói: "Em đi một mình đi, anh hơi mệt. Mà tới những chỗ đó, anh chẳng hợp". Sở thích của chồng lại là ở nhà chăm cây cảnh, nuôi cá cảnh hay đọc sách, nghiên cứu... An cảm thấy tủi thân và đơn độc khi đi đâu cũng chỉ lủi thủi một mình trong khi bạn bè ai cũng có chồng bên cạnh. Tâm sự với chồng, An lại càng thấy chán nản hơn khi nghe chồng buông câu: "Ôi trời, em chỉ giỏi so sánh. Cái thời của em hiện tại anh đã trải qua 20 năm về trước rồi, làm sao so sánh bạn bè em với anh được?".

Đó còn chưa kể sự khập khiễng trong những công việc quan trọng trong gia đình. An luôn có xu hướng tiến bộ, đổi mới còn chồng lại theo hướng cổ hủ, lạc hậu. 3 năm sau ngày cưới, An đã thấy "phát ngất" người chồng càng ngày càng già của mình và hối hận bởi quyết định sai lầm thời tuổi trẻ.

Với suy nghĩ "chồng già vợ trẻ là tiên" như hiện nay, đã để lại không ít những bi kịch đau lòng. Giới trẻ nên hiểu rằng, sự ham mê chỉ là nhất thời, còn cuộc sống chung dài lâu lại cần có sự hòa hợp, chia sẻ, cố gắng của cả hai phía. Đừng để những ông chồng già phải gắt lên: "Cô còn muốn gì ở tôi nữa? Đừng có nhõng nhẽo như trẻ con thế có được không?". Và cũng đừng để những cô vợ trẻ, đêm nằm với người chồng già mà khóc thầm khi nghĩ đến người yêu xưa cũ. Đó là lời nhắn gửi của người viết bài này tới những ai đang nghĩ "Chồng già - vợ trẻ là tiên".

Chuyên viên tâm lý Tô Nhi A:

Số cho bằng

Xã hội hiện đại quan niệm hôn nhân rộng thoáng, không ai còn thấy “sốc” trước một cặp đôi quá chênh lệch tuổi tác, mà xu hướng chồng già vợ trẻ, cách nhau một thế hệ (ít nhất 12-15 tuổi) có vẻ như ngày càng… thịnh. Thế nhưng, nếu nhiều cặp vợ chồng “sàn” tuổi khi chung sống đã có sự khác biệt trong quan niệm, lối sống thì khoảng cách này đối với những cặp vợ chồng “lệch pha” càng bị nới rộng.

Lấy chồng lớn tuổi, suy nghĩ của người vợ thường “trẻ” hơn, cách sống, nhìn nhận theo đó cởi mở, phóng khoáng hơn; trong khi người chồng lại có xu hướng bảo thủ, áp đặt, khó chấp nhận sự “mới mẻ”. Bất hòa về quan điểm, lối sống là một trong những nguyên nhân khiến gia đình tan vỡ. Càng cách biệt tuổi tác càng có nguy cơ đổ vỡ.

Vì vậy muốn thu hẹp khoảng cách, đòi hỏi hai bên phải có sự “hy sinh”, thay đổi sao cho đạt đến sự đồng thuận, tìm được tiếng nói chung bằng cách đặt mình trong hoàn cảnh, suy nghĩ của đối phương để cảm thông, điều chỉnh.

Chuyên gia gia tâm lý Văn Thanh Sỹ, Tổng đài 1088 TP HCM:

Mỗi người nên tìm cho mình một niềm đam mê riêng

Công bằng mà nói, nếu vợ chồng đến với nhau bằng tình yêu thực sự thì hạnh phúc ấy không phân biệt tuổi tác. Khi đó, hai người sẽ cố gắng điều chỉnh mình để có sự hòa hợp trong cuộc sống vợ chồng.

Ngược lại, những cô gái chỉ vì say mê danh vọng, tiền tài, sự lịch lãm và từng trải của người đàn ông đứng tuổi, đi đến hôn nhân thì cái kết thúc không mấy khi vui. "Tuổi tác lúc này lại góp một phần không nhỏ dẫn các gia đình đến với bi kịch tan vỡ khi họ đến với nhau vì vụ lợi vật chất, vì ảo vọng lấy chồng già sẽ được chiều.

Đối với những cặp vợ trẻ chồng già thì mỗi người nên tìm cho mình một niềm đam mê riêng. Không nên bắt ép đối phương cũng giống như mình, chẳng hạn sở thích shopping, nuôi thú cưng, sáng tạo nghệ thuật… Chính những sở thích này giúp mỗi người vơi đi những khoảng trống trong tâm hồn. Khi vợ chồng trục trặc, có thể tìm niềm vui lành mạnh từ niềm đam mê của mình.

PV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/bi-kich-tu-nhung-cuoc-hon-nhan-chong-gia-vo-tre-duoc-chieu-nhung-chang-duoc-yeu-53818.htm