Bi kịch những người mẹ khờ

Họ trở thành con mồi cho những kẻ thú tính lạm dụng tình dục. Họ phải làm mẹ trong nghịch cảnh trớ trêu của số phận.

Chưa có con số thống kê chính xác về tình trạng người tâm thần bị lạm dụng tình dục, những câu chuyện đau lòng thì vẫn xảy ra ngay ở thành phố hay tận những vùng nông thôn hẻo lánh. Tương lai nào cho những đứa trẻ không có cha, làm con của mẹ khờ. Câu hỏi ấy luôn nhức nhối, đau đáu mà chưa ai có thể giải đáp được.

"Cứ tưởng nó thương mình..."

Căn phòng trọ hẻo lánh tại xã Nhị Bình (Hóc Môn, TP HCM) của mẹ con Lê Thị Kim Y. (27 tuổi) mấy ngày nay luôn có người lạ tới hỏi thăm, chia sẻ, giúp đỡ. Y. bảo rằng, mình không xấu hổ, cũng chẳng ngại ngùng khi công khai phơi bày sự thật về bản thân và đứa trẻ, bởi cô bị người ta dụ dỗ, lừa gạt.

Vụng về ôm đứa con đỏ hỏn vào lòng, Y. hồn nhiên kể về cuộc đời mình. Gia đình Y. ở Sài Gòn, từng có nhà cửa đàng hoàng tại quận Tân Bình. Trải qua thăng trầm của cuộc sống khiến họ phải bán nhà, tiêu hết tiền rồi dạt về xã Nhị Bình thuê trọ.

K.Y mắc bệnh thần kinh một phần do cuộc sống, phần khác do di truyền bởi trong dòng họ cả nội và ngoại có tới 10 người bị tâm thần và động kinh. Lúc tỉnh táo, Y. nói chuyện mạch lạc, lưu loát nhưng bên trong tâm hồn của cô vẫn chỉ là một đứa trẻ vô lo vô liệu.

20 tuổi, Y. đi làm công nhân rồi chuyển sang phục vụ quán nhậu. Công việc, cuộc sống, các mối quan hệ xã hội chằng chéo phức tạp khiến Y. rơi vào tình trạng stress nặng. Đôi lúc Y. như người lên đồng, hâm hâm, dở dở.

Những lúc lên cơn ham chơi, ham vui, gặp được chàng trai nào để ý tán tỉnh là mắt Y. sáng lên, thích thú vô cùng. Một gã đàn ông tới quán nhậu buông lời tán tỉnh, Y. cả tin là hắn thương mình thật nên đã gật đầu đi nhà nghỉ cùng hắn. Sau đận đó, gã đàn ông quăng cho Y. một triệu đồng xem như bồi thường tổn thất.

Y. hồn nhiên, vô tư không hề hay biết một sinh linh bé nhỏ đang hoài thai trong cơ thể của mình. Cô vẫn đi làm bình thường, cho tới khi mấy chị bạn thấy bụng Y. ngày một to. Họ khuyên Y. đi khám xem bị bệnh gì. Y. thấy cơ thể vẫn bình thường, không đau đớn ở đâu nên lần lữa. Mấy chị phải hộ tống cô đến bệnh viện thì phát hiện cái thai đã hơn 6 tháng.

Cuộc sống của Y. chật vật khốn khó khi phải làm mẹ bất đắc dĩ.

Cuộc sống của Y. chật vật khốn khó khi phải làm mẹ bất đắc dĩ.

Biết mình có con, Y. đã nhiều lần gọi điện cho gã đàn ông kia nhưng không thấy hồi âm. Y. nhắn với người bạn của hắn, nói rằng nếu không thương mình thì cũng phải thương lấy đứa trẻ. Tại sao không nhận con? Những câu hỏi của Y. chìm vào im lặng, cô căm hận hắn đến tận xương tủy. Làm mẹ bất đắc dĩ, Y. buồn khổ, đau đớn nhưng vẫn tưng tửng, ngờ nghệch.

Nhìn cách chăm con của Y. nhiều người không khỏi xót xa, thương cảm. Đến bế con như thế nào là an toàn, mặc đồ ra sao để giữ ấm, người mẹ dại khờ vẫn còn chưa biết. Lúc mới sinh con, Y. đã có ý định cho đứa trẻ, nhưng một phút bừng tỉnh cô đã suy nghĩ và quyết định giữ lại. Hơn 2 tháng ôm ấp con nhỏ, Y. đã dần quen thuộc với thiên chức làm mẹ. Những khi tỉnh táo, Y. luôn miệng thốt lên: “Con như món quà ông trời ban tặng, cảm ơn con đã đến bên đời mẹ”.

Sợ Y. không thể chăm sóc tốt cho đứa trẻ, ba mẹ của cô đã thuê một căn phòng trọ ngay bên cạnh để theo dõi và nhắc nhở Y. Hiện nay, cuộc sống của mẹ con Y. trông chờ vào đồng lương công nhân của người anh trai.

Họ sống chật vật, gian khổ, bữa đói bữa no nhưng chưa bao giờ trách móc đứa con gái dại khờ, bị sở khanh lừa gạt. Tiếng ru con của người mẹ thi thoảng vang lên trong căn phòng chật chội, ngột ngạt như tiếng nức nở, đau thương, ai oán của một đời người không tìm được lối thoát cho tương lai.

Ba mẹ và anh trai của Y. buồn khổ nhưng chưa bao giờ trách móc lỗi lầm của Y.

Đứa con từ trên "trời" rơi xuống

Lê Thị Kim H. (30 tuổi, ngụ Tam Nông, Đồng Tháp) bị tật bẩm sinh từ trong bụng mẹ. Cơ thể H. vẹo vọ, chân tay khều khào, miệng ú ớ cười cả ngày. Năm 20 tuổi, bi kịch ập vào cuộc đời cô gái bất hạnh.

Hôm ấy, cả nhà đi vắng, chỉ một mình H. ở nhà. Một gã thanh niên rượu ngà say đi ngang qua nhà thấy H. đang ngồi ngoài hiên liền nảy sinh thú tính. Hắn xông tới bế thốc H. vào trong buồng của gia đình rồi thực hiện hành vi đồi bại.

Không ai trong gia đình biết sự việc động trời vừa xảy ra. H. dù trí não vẫn tỉnh, cô nhận thức được mọi thứ nhưng lại chẳng thể diễn tả bằng lời nói. 8 tháng sau, gia đình phát hiện bụng của H. to bất thường.

Ông Lê Văn M. hoảng hốt, cho rằng con gái bị bệnh xơ gan cổ trướng hoặc có khối u gì trong bụng. Mẹ và người dì dẫn H. đi bệnh viện, bà mẹ té xỉu khi nghe bác sĩ thông báo H. mang thai được 8 tháng. Trong gia đình, làng xóm và cả vùng quê nghèo Tam Nông không ai tin nổi có ngày con H. lại mang bầu, đứa con như từ trên trời rơi xuống vậy.

Ngôi nhà cũ kỹ của gia đình ông M. tại làng quê nghèo Tam Nông.

Một cuộc điều tra âm thầm diễn ra. Ông bà M. móc nối các mối quan hệ, sàng lọc các đối tượng tình nghi cuối cùng đã tìm ra được thủ phạm là tác giả của bào thai. Hắn là bạn chơi chung với anh trai của H.

Gã trai đồi bại bị gia đình H. lôi cổ về nhà tra hỏi, cuối cùng hắn phải cúi đầu thừa nhận hành vi của mình. Gia đình gã tới nhà ông M. quỳ lạy van xin không trình báo cơ quan pháp luật và hứa sẽ phụ cấp 300 ngàn/tháng cho em bé.

Ngày trở dạ, H. được mẹ đưa đi bệnh viện. Do cơ thể khẳng khiu, chân tay bị tật liên tục khua khoắng nên H. không thể nằm trên giường sinh được. Bệnh tật khiến người mẹ chẳng biết thể hiện cơn đau đẻ bằng lời nói. Chứng kiến cảnh sinh nở của H. các bác sĩ cũng cảm thấy xót xa. H. la hét, cào cấu, chạy nhảy mãi rồi cũng sinh được con trong tư thế đứng.

Gia đình bắt gã trai phải có mặt để chịu trách nhiệm với đứa con. Hắn tới bệnh viện rón rén, rụt rè bước vào dòm em bé một cái rồi quay ra. Ông cậu và bà dì của H. tức giận chửi bới dọa đánh, dọa giết, hắn sợ quá tìm đường tẩu thoát rồi lặn mất tăm.

Bé gái sinh ra vuông tròn, xinh xắn, gia đình ông M. đã dành tất cả tình yêu thương cho bé. Có thêm thành viên mới, niềm vui thì ít mà nỗi lo cơm áo thì đong đầy. Ông M. bị bệnh nhiều năm nay, không thể làm được việc nặng nhọc. Gánh nặng dồn cả lên vai bà M. Bà vừa phải chăm sóc con gái, cháu ngoại, vừa ra ngoài làm thuê kiếm tiền về nuôi cả nhà.

H. không có khả năng chăm sóc con. Từ việc bú mớm, tắm rửa, thay quần áo đều một tay bà ngoại làm. Khổ nhất là lúc cho con bú, một người phải giữ người H. cho thẳng, người khác giữ bầu sữa và một người cho em bé bú. Càng lớn, bé càng kháu khỉnh, ngoan ngoãn vâng lời ông bà và rất mực yêu thương mẹ. Chính đứa trẻ đã xoa dịu đi nỗi đau cũng như sự thù hận trong gia đình ông M…

H. luôn cười khi ở bên cạnh con gái.

Bé Lê Thị Kim N. năm nay vào lớp 6. Bé nhận thức trọn vẹn được hoàn cảnh gia đình, hiểu thấu nỗi bất hạnh của mẹ. Đã 10 năm trôi qua, gia đình kia chưa một lần ghé thăm cháu nội và lời hứa phụ cấp tiền nuôi dưỡng cũng chẳng có lấy một đồng. Bây giờ thì cả nhà ông không còn nhớ đến gã đàn ông đốn mạt kia nữa, dù sao thì hắn vẫn là cha của đứa trẻ.

Từ ngày có con, tinh thần H. có nhiều chuyển biến tích cực. Cứ nhìn con là H. lại cười ngặt ra, cả thân hình run lên sung sướng. Niềm hạnh phúc được làm mẹ thể hiện qua ánh mắt và nụ cười méo mó của người mẹ dại khờ này. H. rất chăm chỉ chịu khó, cô dọn dẹp nhà cửa, rửa rau, giặt quần áo cho con. Nhìn cơ thể quằn quại, xiêu vẹo của H. đang cố gắng làm việc mà tưởng như lưng cô muốn gẫy sụp xuống, đầu muốn rơi ra, chân tay thì cong veo như bộ cung tên, xót thương quặn lòng.

H. tập xâu kim bằng chân và tập khâu vá, cắt vải cũng bằng chân. Quần áo của con gái cái nào rách chỉ, H. cặm cụi lấy ra may, tuy đường may không được ngay ngắn, chắc chắn nhưng đó là tất cả tấm lòng, tình yêu thương và trách nhiệm của một người mẹ dành cho con gái của mình. So với những người mẹ mắc bệnh tâm thần động kinh khác, có lẽ bản năng làm mẹ của Lê Thị Kim H. nổi trội và ấm áp hơn.

Dù là tâm thần, khuyết tật thì bản năng tự nhiên và chức năng sinh nở đều có trong mỗi con người. Chính vì nhận thức hạn chế và khả năng tự vệ yếu nên họ trở thành nạn nhân của những kẻ có dã tâm thú tính.

Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ khoa học Trần Hải Lý bày tỏ quan điểm: “Người bị tâm thần sống tại gia đình, ngoài xã hội đang gặp vô vàn cạm bẫy. Lạm dụng tình dục người bị tâm thần là hành vi đặc biệt nguy hiểm, ngoài chế tài xử lý trước pháp luật, chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ và quyết liệt. Bảo vệ người bị tâm thần khỏi xâm hại là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Đó còn là lương tri, tình yêu thương, thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội với nhóm người yếu thế”.

Ngọc Hoa - Cát Tường

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/noi-dau-so-phan/bi-kich-nhung-nguoi-me-kho-610989/