Bi kịch người nông dân quanh dự án sân golf triệu đô

Từ nhiều năm nay, người dân ở xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) hàng ngày phải hít thở mùi hóa chất, sống chung với nguồn nước ô nhiễm, bệnh tật bủa vây…

Tất cả bắt nguồn từ khi sân golf quốc tế Legend Hill (thuộc Cty CP Đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội - Tập đoàn BRG) mọc lên.

8 năm trước, ngày 9/3/2010, Cty CP Đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội khởi công Khu vui chơi giải trí thể thao - Sân golf quốc tế Sóc Sơn tại xã Phù Linh và Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn.

Bất cập ngay từ đầu

Theo tìm hiểu của NNVN, Khu vui chơi giải trí thể thao - Sân golf quốc tế Sóc Sơn được xây dựng quy mô lớn, tổng mức đầu tư gần 100 triệu USD gồm khu vui chơi giải trí công cộng, khách sạn, nhà hàng, CLB sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, công viên cây xanh kết hợp vui chơi giải trí phụ vụ nhiều lứa tuổi, các công trình dịch vụ công cộng, hồ nước và sân golf tiêu chuẩn quốc tế…

Ngay từ thời điểm thực hiện dự án, hàng loạt vi phạm của chủ đầu tư khiến người dân bức xúc.

Cụ thể, chủ đầu tư đã tự ý thu hồi đất và thỏa thuận kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) với người dân phần đất nằm ngoài chỉ giới bị thu hồi. Đồng thời, tuy chưa hoàn thiện GPMB nhưng chủ đầu tư vẫn xây tường bao quanh khu đất nằm trong chỉ giới đã được quy hoạch.

Để có mặt bằng phục vụ chủ đầu tư, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 3671/QĐ-UBND về việc thu hồi 1.251.000m2 đất tại hai xã Hồng Kỳ và Phù Linh, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện hỗ trợ, bồi thường GPMB đối với các hộ gia đình có đất bị thu hồi.

Khi triển khai dự án, công ty đã thu hồi vượt 1.437m2 đất nằm ngoài chỉ giới bị quy hoạch tại xứ Đồng Dầm. Khu đất này là do Chi hội Phụ nữ thôn 8 quản lý, sử dụng nhưng điều khó hiểu là công ty lại đền bù cho ông Lê Hồng Phương, nguyên trưởng thôn 8, xã Hồng Kỳ để ký biên bản giao đất và "tạm ứng" hơn 130 triệu đồng.

Ngoài ra, tuy chưa hoàn tất công tác GPMB đối với 3,4ha và các diện tích nằm ngoài chỉ giới trên địa bàn thôn 8 (xã Hồng Kỳ) nhưng chủ đầu tư đã cho xây tường bao quanh phần đất này.

Bà Lê Thị Nhung (nguyên trưởng thôn 8 xã Hồng Kỳ) dẫn chúng tôi đi đến diện tích ruộng bị sân golf xây tường bao lấn chiếm và biến diện tích này trở thành “cái ao chứa nước thải” của sân golf.

Cống thoát nước của sân golf thải trực tiếp ra kênh mương lấy nước

Theo bà Nhung, Chi hội Phụ nữ thôn 8 có thửa ruộng 1.174,8m2, trong đó có 337,4m2 nằm trong chỉ giới dự án, còn lại hơn 1.437m2 nằm ngoài, cho đến nay sân golf lấn chiếm trái phép, vẫn chưa có quyết định thu hồi, đền bù. Thế nhưng, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn và UBND xã Hồng Kỳ đã bảo vệ thi công của chủ đầu tư, xây tường bao, lấp lối vào của bà con…

Năm 2009, dự án triển khai thực hiện việc đền bù, GPMB trên phần đất 111ha tại xã Hồng Kỳ. Vị trí tại các thôn 6 và thôn 8 nằm trong chỉ giới dự án nhưng đến cuối năm 2014, vẫn còn 3,4ha đất rừng, đất nông nghiệp, đất khai hoang của nhân dân. Đã gần 10 năm trôi qua nhưng có 26 thửa ruộng của 19 gia đình chưa được đền bù.

Ngoài ra, nằm trong dự án sân golf Sóc Sơn còn có gần 10.000m2 đất nằm trên địa bàn thôn 8, được quy hoạch làm đất giãn dân cho nhân dân xã Hồng Kỳ từ năm 1987. Thế nhưng, khi kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, UBND xã Hồng Kỳ lại cho rằng đây là “đất công”. Các hộ dân cho rằng, chủ đầu tư và lãnh đạo thôn, xã, đang có những sai phạm trong việc lập phương án đền bù GPMB và chi trả trái với pháp luật hiện hành.

Đời sống 'lộn tùng phèo"

Không chỉ bức xúc về đền bù, kể từ khi dự án sân golf đổ bộ, nhân dân các xã xung quanh dự án đã gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi phản ánh họ đang đảo lộn cuộc sống. Mùi thuốc trừ sâu, nước thải từ sân golf đã theo mạch nước ngầm và hệ thống kênh mương tưới tiêu của 2 xã ảnh hưởng tới sản xuất của người dân.

Bà Lê Thị Nhung dẫn chúng tôi ra con kênh 402, nơi nước thải của sân golf xả thẳng ra nguồn nước phục vụ chăn nuôi, sản xuất. Cạnh bức tường bao của sân golf nước màu đen đục, sủi bọt trắng xóa, đi ra bờ kênh nguồn nước đục ngầu, có mùi tanh và hắc.

“Từ sân golf, nhân viên của sân golf xả thải trực tiếp nước chăm sóc cỏ ra kênh 402, rồi ra hồ Cửa Đình, thông với hồ Cò Hương của thôn. Nguồn nước này dẫn ra 3 trạm bơm nước phục vụ tưới tiêu cánh đồng lúa các xã liền kề”, bà Nhung nói.

Cá chết vì ô nhiễm

Ngay từ khi khởi công xây dựng, chủ đầu tư đã xả thải trực tiếp từ khu vực này qua một ống thải nằm ngầm dưới tường bao dẫn thẳng ra hồ Cửa Đình. Sau đó, thôn 8 phát hiện ra và cùng nhau bít bê tông lại. Để đối phó, phía chủ đầu tư đã nạo vét bùn nằm dưới tường bao khiến cho lượng nước thải đổ ra còn nhiều hơn trước.

Sống ngay cạnh sân golf, gia đình bà Khổng Thị Tự (thôn 8) cho biết, nguồn nước, không khí ngày càng bị đầu độc: “Ở đây sân golf họ phun thuốc kinh lắm, không chịu nổi, vào nhà đóng cửa mới đỡ. Người dân ai cũng dùng nước giếng khoan, mỗi lần lấy nước lên bể lọc, nước đen sì, nước để lâu thì màu vàng, hôi và tanh. Gia đình tôi cũng muốn mua nước về uống nhưng không có điều kiện”.

Ông Sái Văn Tỵ, Trưởng chi hội Cựu chiến binh thôn 6 cũng mất ăn mất ngủ từ hệ lụy sân golf: “Nhiều khi đêm đang ngủ giật mình, hoảng hốt bởi bóng sân golf rơi trên mái nhà, rồi đêm đêm ánh đèn điện của sân golf chiếu sáng như ban ngày. Đèn sân golf chiếu làm cho nhiều cây ăn quả của tôi không ra được trái”.

Xã Hồng Kỳ vẫn có nhịp sống lặng lẽ, thanh bình. Thế nhưng, trong cái sự bình yên đó, sóng ngầm đang đánh tan, dội vào nỗi buồn bao người dân nơi đây, trong đó người dân phải sống thấp thỏm, lo sợ vì nguồn nước bẩn, hằng ngày phải hít thứ không khí toàn mùi hóa chất do sân golf quốc tế Legen Hill, phun thuốc, rửa cỏ.

Bỏ ruộng vì sân golf

Người dân đều sống 100% dựa vào nông nghiệp, nhưng từ khi sân golf hoạt động đã gây đảo lộn cuộc sống của những con người suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Nguồn nước sân golf ảnh hưởng đến kế sinh nhai của nông dân

Bà Lê Thị Nhung kể: “Năm vừa rồi họ xả nước thải ra kênh mương, nước thải tràn vào cánh đồng Mẫu 3 trước thôn làm ngập cả cánh đồng, 3 - 4 mẫu lúa bị chết, số không chết thì bị lép, không thu được. Vừa rồi cả cánh đồng trên 1 mẫu bị chết, nhà tôi cũng mất 2 sào vì nước sân golf xả thải ra. Mỗi lần sân golf xả thải, lúa ngập cả tuần dẫn đến chết, không chết cũng không phát triển được”.

Không chỉ xã Hồng Kỳ bị mất mùa do sân golf, mà nhiều thôn của xã Phù Linh cũng chung hoàn cảnh. Nhìn cánh đồng lúa, chị Ngô Thị Tuyết thôn Cộng Hòa, xã Phù Linh (Sóc Sơn) chán chường nói: “Lúa năm ngoái người dân ở đây cắt cây không. Nhà tôi có 4 sào mà thu được 5 - 6 bao về quạt đi thì ăn thua gì nữa. Tối đến điện sáng trưng, lúa má hỏng hết, côn trùng tập trung đậu vào. Kêu trời không thấu, biết kêu ai nữa”.

Trao đổi với NNVN, ông Đỗ Thế Thọ, Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ cho biết: “Qua tiếp xúc cử tri, nhân dân có ý kiến, chúng tôi vào trong sân golf nhưng chả thấy nước thải nào cả, chỉ khi nào có mưa lớn tràn nước ra thôi. Nếu mà nói họ phun thuốc gì sao mà ai biết được, bằng mắt thường thì họ xả cũng chịu".

Còn ông Nguyễn Xuân Quy, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Linh lại nói: “Tôi nhận được rất nhiều đơn kiến nghị của người dân liên quan đến sân golf phun thuốc ảnh hưởng đến môi trường nhưng sân golf có đường ống của họ, nước thải ra về tận thôn 8 (xã Hồng Kỳ), chứ không chảy ra Phù Linh".

Sống cạnh sân golf, nhiều căn bệnh, trong đó bệnh ung thư đang gặm nhấm tinh thần cũng như thể xác người dân. Không chỉ sống chung với nước bẩn, mà nơi đây đang bao phủ “bóng ma bệnh tật”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thịnh (thôn 8) nhà chỉ cách một bức tường bao của sân golf, ngày ngày phải tiếp xúc với mùi hóa chất, độc hại, “sống chung” với nước bẩn: “Sống gần sân golf trên 80% người dân mắc bệnh tuyến giáp, trẻ con bị bệnh liên tục. Cách đây không lâu, khi nhân viên sân golf phun thuốc cháu nhà tôi bị ngất, phải đưa đi bệnh viện, không chỉ cháu nhà tôi, mà 6 cháu nhỏ khác cũng bị ngất. Bao nhiêu năm sân golf vào hoạt động, nhưng đến giờ vẫn chưa có đường nước thải sân golf thoát đi đâu, làm sao mà không ô nhiễm được, khi thuốc sâu người ta phun như thế”.

TRẦN HỒ - H.A

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/bi-kich-nguoi-nong-dan-quanh-du-an-san-golf-trieu-do-post215378.html