Bi kịch không dễ nói trong xã hội Nhật Bản từ vụ án cha giết con

Vụ án cha giết con đã gây chấn động dư luận Nhật Bản, nạn nhân được cho là mắc hội chứng Hikikomori. Vụ án này cho thấy một góc khuất trong xã hội Nhật Bản.

Ngày 11-12, tại phiên tòa ở Tokyo, ông Hideaki Kumazawa, 76 tuổi, cựu Thứ trưởng Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (năm 2001); cựu Đại sứ Nhật tại Cộng hòa Czech (giai đoạn 2005-2008) đã thừa nhận việc giết con trai Eiichiro, 44 tuổi ngày 1-6-2019.

Vụ án này đã gây chấn động dư luận Nhật Bản, Eiichiro được cho là mắc hội chứng Hikikomori, trạng thái tâm thần bất thường, mà nguyên nhân của nó do tác nhân bên ngoài tác động vào như: Sức ép từ học hành, thi cử, sức ép từ công việc, hay từ xã hội, gia đình… Vụ án này cho thấy một góc khuất trong xã hội Nhật Bản.

Giết con vì không muốn con thành kẻ sát nhân

Ngày 1-6-2019, nước Nhật chấn động khi báo chí đăng tin cựu Thứ trưởng Bộ Nông- Lâm- Ngư nghiệp Kumazawa giết con đẻ của mình tại nhà rồi đầu thú.

Giải thích cho hành vi này, ông Kumazawa khai với cảnh sát rằng, Eiichiro nhiều lần hành hung cha mẹ và từng đe dọa tấn công một trường học gần nhà. Sau khi nghe tin về vụ đâm dao ở Kawasaki, ông sợ con trai trở thành kẻ sát nhân hàng loạt và quyết định phải giết con để ngăn chặn tội ác.

“Con trai tôi có thói quen nhốt mình ở nhà. Đôi khi nó lại cư xử bạo lực đối với tôi và vợ. Khuynh hướng bạo lực của nó bắt đầu từ những năm cấp 2 và kéo dài đến nay”, ông Kumazawa khai với cảnh sát. Eiichiro khi còn trẻ từng học tại một trường trung học tư danh giá.

Tuy nhiên, cậu thường xuyên bị bắt nạt trong thời gian này. Eiichiro bỏ học khi sang năm thứ hai rồi bắt đầu có xu hướng hành xử bạo lực với mẹ mình. Dần dần cả ông Kumazawa và những thành viên khác trong gia đình cũng trở thành nạn nhân của Eiichiro.

Eiichiro cuối cùng cũng học hết được phổ thông và thi đậu đại học. Sau khi tốt nghiệp, dù có việc làm nhưng anh ta nhảy việc liên tục. Một tuần trước khi xảy ra vụ đâm dao ở Kawasaki, Eiichiro liên lạc lại với cha mẹ thông báo ý định quay về nhà rồi dọn về ngay tối hôm đó.

Cảnh sát áp giải Hideaki Kumazawa (áo trắng) đến gặp công tố viên.

Cảnh sát áp giải Hideaki Kumazawa (áo trắng) đến gặp công tố viên.

Cảnh sát dẫn lời khai của ông Hideaki cho biết một ngày sau khi dọn về nhà bố mẹ, người con trai bỗng thét lớn giữa nhà: "Gia đình có ý nghĩa gì đâu", rồi quay sang đánh đập cha mình.

Ông Hideaki cùng vợ những ngày sau cố tránh mặt con trai và trốn ở tầng trên. Eiichiro suốt ngày cắm mặt vào các trò chơi trực tuyến, nổi nóng bất cứ lúc nào nhìn thấy cha hoặc mẹ trong chính căn nhà của họ.

Vào sáng ngày 1-6, Eiichiro trở nên cáu kỉnh trước âm thanh phát ra từ một cuộc hội thao diễn ra tại trường tiểu học gần nhà. Người cha cảnh báo con trai không nên có hành động sai lầm, nhưng lời khuyên này càng chọc Eiichiro nổi điên.

“Tôi nghĩ rằng cần phải chặn đứng nguy cơ con trai tôi trút giận sang bọn trẻ”, cảnh sát dẫn lời ông Kumazawa nói. Ông chạy vào bếp lấy dao và đâm nhiều nhát vào người Eiichiro, sau đó gọi điện cho cảnh sát tự thú.

Vụ án này đã gây chấn động dư luận Nhật Bản, do nước này có lượng lớn người sống ẩn dật, hay còn gọi hội chứng Hikikomori, thường ở độ tuổi 40-64.

Hikikomori là trạng thái tâm thần bất thường, mà nguyên nhân của nó do tác nhân bên ngoài tác động vào, như: sức ép từ học hành, thi cử, sức ép từ công việc, hay từ xã hội, gia đình… dẫn đến người bệnh rơi vào trạng thái trầm uất, không ước mơ, không hoài bão, không chí hướng, chán nản và tuyệt vọng.

Hiện trường vụ tấn công hàng loạt bằng dao tại thành phố Kawasaki.

Bi kịch khó nói của nhiều gia đình Nhật Bản

Tháng 5- 2000, một bệnh nhân 17 tuổi mắc hội chứng Hikikomori đã chạy trốn khỏi bệnh viện tâm thần, cướp xe buýt sau khi giết chết một hành khách; đây là trường hợp Hikikomori đầu tiên gây án ở Nhật Bản.

Hội chứng Hikikomori rất khó nhận biết trước. Bởi những thanh niên mắc chứng bệnh này trước đều là những người hoàn toàn khỏe mạnh, khôi ngô, thông minh, học giỏi, và đôi khi còn bộc lộ những năng khiếu cá nhân từ sớm, đột ngột phát bệnh.

Dấu hiệu của người mắc Hikikomori là tự bỏ học, bỏ làm, giam mình trong phòng. Người mắc bệnh thường từ chối mọi tiếp xúc bên ngoài, kể cả người thân trong gia đình như cha mẹ… không nói chuyện.

Vấn đề Hikikomori lại gây chú ý mạnh mẽ trên truyền thông Nhật Bản khi tháng 5-2019, tại thành phố Kawasaki (tỉnh Kanagawa) một người đàn ông 51 tuổi, đã tấn công nhóm học sinh tiểu học đang chờ xe buýt, khiến 2 người chết và 16 người khác bị thương. Chỉ sau đó không lâu thì xảy ra vụ án cựu Thứ trưởng Kumazawa giết con đẻ.

Một điều đặc biệt là những bệnh nhân mắc Hikikomori thường là những thanh niên thông minh, có năng lực, nhiều người mắc Hikikomori khiến Nhật Bản mất đi số lượng không nhỏ lực lượng lao động, ảnh hưởng tới nền kinh tế.

“Rất hiếm bắt gặp Hikikomori trong các gia đình nghèo. Môi trường trung lưu, các gia đình trung lưu tiềm ẩn nguy cơ cao xuất hiện hội chứng này. Phần lớn Hikikomori là những thanh niên đã tốt nghiệp, sau khi tốt nghiệp đại học họ trở thành những Hikikomori” - Giáo sư Kato chia sẻ.

Năm 2019, Bộ Y tế- Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã xác định Hikikomori là một tình trạng mà các cá nhân ngừng tương tác với xã hội, không đi học hoặc không làm việc; họ giao tiếp rất hạn chế với người thân trong gia đình, thường ở lì trong nhà hàng tháng, thậm chí hàng năm.

Theo một nghiên cứu do Văn phòng Nội các Nhật tiến hành vào tháng 3-2019, khoảng 541.000 người trong độ tuổi từ 15-39 đã tự khép mình trong nhà, xa lánh xã hội.

Nhưng điều gây ngạc nhiên lớn là xu hướng này thậm chí còn mạnh hơn ở độ tuổi 40-64, với 613.000 người. Trong số này, 7/10 nam giới và trên một nửa nữ giới đã ở trong tình trạng xa lánh xã hội tới trên 7 năm.

Những người mắc hội chứng Hikikomori tuổi trung và cao niên cho biết họ cảm thấy như bị mắc kẹt ở nhà và bị cách ly khỏi xã hội so với thế hệ trẻ, sau khi mất việc hoặc không thể tìm được một công việc mới.

Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Tâm thần, Trung tâm Thần kinh Quốc gia và Bộ Y tế- Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, nguyên nhân dẫn đến hội chứng Hikikomori là do hệ thống giáo dục quá nặng nề, các phụ huynh Nhật mong muốn con mình đưọc vào học trong những trường tốt nhất, trở thành các thiên tài, những người có ích trong xã hội.

Chính vì đã tạo sức ép quá lớn, trẻ em Nhật Bản phải học 8 tiếng một ngày, và 5,6 ngày/tuần, học cả vào thứ 7 để diễn tả sự cạnh tranh khốc liệt trong thi cử ở Nhật Bản.

Cuộc sống căng thẳng khiến nhiều người bị mắc chứng Hikikomori.

Từ sức ép cạnh tranh để đỗ vào các trường tốt, hoặc cạnh tranh giữa các bạn trong lớp đã nảy sinh ra những tiêu cực xâm phạm tâm lý, như: bắt nạt, hăm dọa, hành hung ở trường học.

Nhiều bạn bị mắc bệnh trầm cảm chỉ bởi vì quá béo, quá nhát, hoặc nhiều khi do học nổi trội ở một bộ môn nào đó, mà đã bị các bạn trêu chọc và bắt nạt. Sức ép từ thi cử và nạn bạo hành học đường đã khiến các em sợ đến trường và mắc hội chứng Hikikomori.

Sức ép cạnh tranh trong đời sống kinh tế, xã hội hiện đại cũng là nguyên nhân gây ra hội chứng này. Trong một cuộc khảo sát được công bố năm 2014, thanh niên Nhật Bản xếp ở mức độ thấp nhất về sự hài lòng với bản thân. Có 92,5% thanh niên Nhật Bản tự cảm nhận được mình không thỏa mãn yêu cầu của nền kinh tế, dẫn đến tuyệt vọng.

Mô hình gia đình có hai thế hệ sống biệt lập với họ hàng nội, ngoại, bố mẹ đi làm cả ngày, quá bận rộn, ít có thời gian quan tâm đến con cái. Do đó khi gặp các vấn đề rắc rối tại trường học, các em không tự giải quyết được đã rơi vào trạng thái trầm cảm do không có ai gần gũi và dạy cho các em cách giao tiếp và giải quyết các mối quan hệ xã hội.

Do các phương tiện giải trí thời hiện đại như: phim hoạt hình, truyện tranh, internet và game… cũng có những tác động không nhỏ đến hội chứng Hikikomori. Sự ẩn dật của thanh, thiếu niên Nhật Bản hiện nay gắn với một trào lưu văn hóa mới “văn hóa Otaku” để chỉ những “fan” say mê cuồng nhiệt, chìm đắm trong thế giới truyện tranh, game, internet, video.

Nhưng những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một hiện tượng mới – đó là ngày càng nhiều người lớn tuổi Nhật Bản mắc chứng xa lánh xã hội và không thể tìm ra cách tiếp nhận sự giúp đỡ. Theo một nghiên cứu do Văn phòng Nội các Nhật Bản tiến hành, chỉ có 1/3 số người thuộc đối tượng này sống lệ thuộc rất lớn vào cha mẹ già của họ.

Khi cha mẹ quá già yếu, những người con Hikikomori của họ đối mặt với tình trạng bất lực khi phải vật lộn để tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, và hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền cha mẹ để lại cũng như những lợi ích an sinh xã hội của họ để duy trì cuộc sống. Trong một số vụ việc kỳ lạ khác, sau khi cha mẹ qua đời, những người mắc chứng Hikikomori thậm chí bị bắt giữ vì để xác người thân quá cố tại nhà mà không mang đi chôn cất.

Hikikomori là một căn bệnh mà các gia đình có người thân mắc phải đã không dám thổ lộ cùng ai thì đến nay nó đã trở thành một vấn đề cả xã hội Nhật Bản quan tâm. Trong khi không thể chặn tận gốc dịch bệnh Hikikomori thì người Nhật đang phải tìm ra những liệu pháp giúp người bệnh thuyên giảm.

Ngọc Trang (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/noi-dau-so-phan/bi-kich-khong-de-noi-trong-xa-hoi-nhat-ban-tu-vu-an-cha-giet-con-574180/