Bi kịch đúng Vu Lan và tấm gương hiếu thảo gieo niềm tin cho đời

Những ngày qua với clip ngược đãi, đổ chất bẩn lên đầu một người mẹ già gần 80 tuổi tại Long An đã gây một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng xã hội.

Đặc biệt trong mùa Vu Lan báo hiếu, khi bao người con bày tỏ tình yêu thương với cha mẹ mình, dù còn sống hay đã khuất, thì hành vi bất hiếu đó lại càng trở nên như một tấn bi kịch cho những người cha, người mẹ vẫn đâu đó quanh chúng ta đang chịu cảnh sống như vậy!

Song cũng trong mùa Vu Lan này, tại phòng hồi sức tích cực bệnh viện lão khoa, tôi lại được chứng kiến tấm gương hiếu thảo tựa như “nhị thập tứ hiếu” lưu truyền dân gian của hai người con mà được thân mẫu gọi thân thương là Phước Ngọc và Phước Bửu chăm sóc mẹ già đến tận hơi thở cuối cùng.

 Hình ảnh hai người con trai chăm mẹ đã khơi dậy sự lòng hiếu thảo của những người chứng kiến tại bệnh viện.

Hình ảnh hai người con trai chăm mẹ đã khơi dậy sự lòng hiếu thảo của những người chứng kiến tại bệnh viện.

Chứng kiến hai hình ảnh đối lập nhau như thế, và tượng trưng cho hai mặt sống của xã hội ngày nay, khiến chúng ta lại đau đáu với câu hỏi: Vậy phải làm sao để đạo hiếu được giữ gìn trong mỗi nếp nhà? “Nhân chi sơ, tánh bản thiện”, dẫu là vậy nhưng công cha nghĩa mẹ thì từ buổi nằm nôi đến lớp vỡ lòng ai cũng đều được tiếp cận bằng cách này hay cách khác. Nhị thập tứ hiếu của người xưa như những bài học đạo đức cho thế hệ về sau khắc cốt ghi tâm.

Thế nhưng, ở thời đại thế giới phẳng như hiện nay, có quá nhiều khái niệm giá trị tồn tại quanh ta thì có lẽ chúng ta cần lắm những tấm gương cụ thể về lòng hiếu kính cha mẹ trong đời sống. Chúng ta cần những tấm lòng như đức Mục Kiền Liên giữa cuộc đời thường, ở trong gia đình, trong dòng họ, phố xóm. Hãy nhìn họ chăm cha mẹ già từng miếng ăn giấc ngủ, dịu dàng vỗ về và gắng làm cho cha mẹ vui mỗi ngày. Hãy nhìn họ hầu hạ khi cha mẹ lâm bệnh, tiểu tiện đại tiện tại chỗ, thậm chí hàng năm liệt giường, kiên nhẫn chút một với lòng kính thương vô hạn.

Những tấm gương đó hẳn làm bất kỳ ai thấy đều phải suy nghĩ tự răn và sửa đổi mình hơn bất kỳ lời giáo huấn nào. Khi đến Khoa Hồi sức tích cực trong Bệnh viện lão khoa Trung ương - như là cánh cửa cuối cùng của cuộc đời mà các bậc lão phụ trải qua. Một phòng bố trí 10 giường thì cả 10 bệnh nhân đều là cha mẹ già cận kề cái chết. Tiếng máy theo dõi biểu hiện sự sống cứ vang lên tít tít đều đặn như đếm ngược thời gian sống của các cụ, chỉ còn là từng phút từng giờ. Nếu để ý sẽ thấy, ngoài bác sĩ, điều dưỡng, thì họ đều có người chăm sóc ngày đêm, nhưng đến 8, 9 ca trong số đó, không phải là con cái các cụ chăm sóc mà chỉ là những người được thuê trông coi. Con cái của các cụ ngày đảo qua hai lần (là nhiều) để cập nhật tình hình rồi lại phó thác cho người làm, cũng có người lấy lý do là để tránh lây Covid-19 để thoái thác.

Thế nhưng, câu chuyện tại giường bệnh số 37 của hai người con chăm sóc mẹ đã đem lại cho toàn bộ y bác sĩ, điều dưỡng viên và những thân nhân đang có cha mẹ nằm đó một bài học về sự hiếu thảo vô cùng xúc động. Những người con ấy chăm lo bà cụ khéo như một điều dưỡng chuyên nghiệp cùng với sự dịu dàng cưng nựng thể hiện một tình cảm vô bờ bến, cho dù bà cụ đã không còn nghe hay thấy được. Không rời vị trí túc trực bên giường bệnh, nhiều ngày đêm người con trai cứ ngồi cạnh mẹ, lúc mệt chỉ dựa vào tường thiếp đi chốc lát. Bà cụ đã nằm liệt hơn tám tháng, nhưng thân thể không chút hôi hám, được người con trai vệ sinh sạch sẽ từ việc tỉ mỉ gội đầu, cắt móng tay chân, rơ miệng lưỡi…, cho đến việc chăm sóc các vết loét do tỳ đè (điển hình của các ca bệnh liệt ở người cao tuổi) đến mức các bác sĩ phải ngạc nhiên.

Đưa mẹ từ Nam ra Bắc chạy chữa, chiến đấu bệnh tật.

Xúc động khi chứng kiến, hỏi thăm nhiều hơn thì được biết bà cụ từ tận miền tây xa xôi Vĩnh Long, nhưng dưới lòng hiếu thảo của những người con, mong ước được chữa chạy cho mẹ dù chỉ là một ngày còn trên dương thế. Câu chuyện đưa mẹ từ Nam ra Bắc chạy chữa khắp các nơi của các vị sư vừa là con vừa là thầy ấy khiến cho mọi người được nghe đều cảm thấy như một tấm gương của đức Mục Kiền Liên, và cũng như một lời nhắc nhở lại chính bản thân mỗi người về sự tận tâm, tận tình chăm sóc phụ mẫu hay chưa?

Theo tìm hiểu được biết thì hai người con của cụ bà là Phước Ngọc, cùng người anh là hiếu tử Phước Bửu, các sư thầy đều chăm sóc mẹ trong ngoài rất mực toàn vẹn. Ai tới thăm nom ra vào phòng bệnh ấy đều kể lại chuyện hai người con trai chăm mẹ và nhìn vào đó để răn mình. Rồi người ta thấy con cái các cụ khác đã bắt đầu tới viện thường xuyên hơn và thế chỗ cho người làm thuê túc trực bên giường bệnh. Một tín hiệu thật đáng mừng thể hiện được giá trị nhân văn của hai thầy đem lại. Được biết sư thầy Dhammananda Thero Phước Ngọc (tên khai sinh Phạm Văn Cung, sinh năm 1982 tại xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long ) hiện thầy là Chủ tịch Trung tâm Phát triển Trẻ em ISURU SEVANA tại Quốc đảo Sri Lanka, một người luôn quan tâm đến trẻ em và người già và đặc biệt là luôn hướng tới một xã hội có sự phát triển về môi trường, sức khỏe, hòa bình, nhân đạo.

Câu chuyện về hiếu tử chăm sóc mẹ tại giường số 37 như đóa hoa hiếu hạnh rực rỡ trong mùa Vu Lan năm nay, mang lại niềm tin cho sự vực dậy nền tảng đạo đức hiếu ân.

Đó là một câu chuyện thật, câu chuyện đẹp như đóa hoa hiếu hạnh trong mùa Vu Lan năm nay nhưng nó gần như là một câu chuyện cổ tích đời thường của cuộc sống hiện tại. Thời gian trong viện, các thầy không hề giảng Phật pháp về đạo hiếu, nhưng cách chăm lo cho mẹ của các thầy đã làm lay động cả phòng bệnh và cả y bác sĩ, cho mọi người ở cùng Khoa hồi sức tích cực đã thấy rõ, thế nào là thực sự yêu thương, là đền đáp công ơn cha mẹ của một người con hiếu thảo . Tin rằng, trong nội tâm mỗi người đã bắt đầu có sự thay đổi.

Trở lại clip ghi lại cảnh đánh đập mẹ già ở Long An. Bà cụ đã mất, cầu mong linh hồn cụ vãng sanh cực lạc sau khi thoát khỏi cảnh sống cùng con như địa ngục trần gian ấy. Nhưng bi kịch này chưa kết thúc, bởi điều gì xảy ra khi chính người con kia già đi và hình dung con cái bà ta sẽ đối xử ra sao, khi mà chinh con của người đấy là tác giả quay lại clip mẹ mình ngược đãi, bất nhân với bà ngoại mình…Câu hỏi này tin rằng, luật nhân quả sẽ trả lời cho chúng ta.

Ngàn lời thuyết giảng về chữ hiếu không bằng làm gương trong đối xử với cha mẹ. Lên chùa lễ Phật chẳng bằng chăm lo chu đáo cho cha mẹ mình. Đạo Phật dạy Phật không ở đâu xa, chính cha mẹ già là hai vị Phật sống trong nhà đó thôi. Mỗi chúng ta hãy noi theo những tấm gương hiếu thảo và hãy làm gương để chữ Hiếu được tỏa sáng trong mỗi nếp sống gia đinh và dòng họ. Đừng để cảnh “bi kịch” như trên hiện hữu trong đời sống của chúng ta, của những con người Việt Nam vốn giàu tình thương và coi trọng đạo hiếu. Hãy quan tâm đến cha mẹ khi còn có cơ hội cũng là những hình ảnh để con cháu chúng ta học hỏi và tu hiếu với chính mình.

TRẦN BÁ KIÊN

(cựu giáo viên, người nhà bệnh nhân Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Lão khoa Trung ương viết nhân mùa Vu Lan 2020)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bi-kich-dung-vu-lan-va-tam-guong-hieu-thao-gieo-niem-tin-cho-doi-635011