Bi kịch của thần đồng Trung Quốc được mệnh danh 'tiến sĩ tuổi 16'

Zhang Xinyang là kết quả của quan điểm giáo dục sai lệch. Cậu bé sinh năm 1995 bị cướp mất tuổi thơ, trở thành đứa trẻ thực dụng.

10 tuổi, Zhang Xinyang trở thành sinh viên đại học trẻ nhất Trung Quốc. 13 tuổi, cậu tiếp tục học lên thạc sĩ và 16 tuổi là nghiên cứu sinh ngành Toán học. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ nỗi thất vọng, bởi cách phát triển sai lệch, thực dụng của thiên tài nhí.

 Zhang Xinyang bộc lộ tài năng khi còn nhỏ, được gọi là thần đồng của Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Zhang Xinyang bộc lộ tài năng khi còn nhỏ, được gọi là thần đồng của Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Từng là khát vọng của nhiều người

Zhang Xinyang sinh ngày 8/7/1995 tại Liêu Ninh, Trung Quốc, trong gia đình trung lưu, cha làm công chức. Ngay từ khi còn nhỏ, Zhang sớm bộc lộ tài năng bẩm sinh. Cậu bé học 1.000 Hán tự trong vòng 3 tháng và chỉ mất 2 năm để hoàn thành bậc tiểu học.

Theo Sina, năm 2002, thần đồng đến từ Liêu Ninh được chuyển thẳng lên THCS và mất thêm 2 năm nữa để hoàn thành bậc học này. Giáo viên luôn phàn nàn rằng Zhang không chú ý nghe giảng, không trò chuyện hay giao tiếp với bạn cùng lớp.

Cha của Zhang cho rằng con trai khác biệt suy nghĩ với các bạn đồng trang lứa nên không ép cậu thay đổi.

Sau đó, cha của Zhang quyết định cho em về nhà tự học. Năm 2005, Zhang Xinyang thi đỗ Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thiên Tân với 505 điểm. Cậu bé 10 tuổi trở thành hiện tượng trong ngành giáo dục.

3 năm sau, Zhang tiếp tục khiến cộng đồng mạng Trung Quốc ngạc nhiên vì thành tích tốt nghiệp Đại học Công nghệ Bắc Kinh, học cao học, trở thành một trong những thạc sĩ trẻ nhất.

Tháng 9/2011, cậu bé đến từ Liêu Ninh hoàn thành bậc học thạc sĩ, tiếp tục được nhận làm nghiên cứu sinh ngành Toán học. Đến nay, Zhang vẫn được mệnh danh là “tiến sĩ tuổi 16”, “tiến sĩ nhỏ tuổi nhất” Trung Quốc. Cái tên Zhang Xinyang trở thành niềm hy vọng của nhiều người.

Từ thiên tài, Zhang Xinyang thành chàng thanh niên thực dụng, lối sống lệch lạc. Ảnh: Sohu.

Bi kịch đánh mất tuổi thơ

Nhiều người kỳ vọng sau khi lấy bằng tiến sĩ, Zhang sẽ đứng trong lực lượng thiên tài, góp sức cho đất nước. Tuy nhiên, lựa chọn của cậu bé khiến không ít người thất vọng.

Zhang cho biết cha mẹ lo lắng nhiều cho con trai và sẽ không thể yên tâm nếu tình hình học tập sa sút. Bởi vậy, tốt nghiệp đại học, nam sinh yêu cầu phụ huynh mua căn nhà xa xỉ ở Bắc Kinh với giá hàng chục triệu nhân dân tệ. Nếu gia đình không đồng ý, Zhang sẽ bỏ dở con đường học tập.

Không có đủ tài chính nhưng để thỏa mãn đòi hỏi vô lý của con trai, cha mẹ Zhang vay số tiền lớn, thuê nhà tại Bắc Kinh và nói dối đã mua nó. Mong muốn con trai tập trung học tập, mẹ của Zhang bỏ dở công việc ở quê nhà để lên thành phố, chăm sóc con. Gia đình đối mặt áp lực tài chính khổng lồ.

Trong mắt Zhang Xinyang, tiêu chí để thành công là có nhà ở Bắc Kinh, tìm được công việc tốt. Zhang luôn nghĩ bản thân thực hiện ước mơ cho cha mẹ nên họ buộc phải làm việc chăm chỉ để kiếm được tiền mua nhà, giúp cậu ở lại thủ đô.

Cậu có tâm lý sống hưởng thụ, xa hoa và mặc nhiên cho rằng cha mẹ có trách nhiệm phải chu cấp cho mình.

Biến cố khác xảy đến năm 2011, khi Zhang Xinyang 16 tuổi. Cậu trượt một số môn trong khóa học, đối mặt nguy cơ bị đuổi khỏi trường. Nam sinh thậm chí còn nghĩ tới chuyện tự tử.

Cuối cùng, năm 2018, Zhang tìm ra lối thoát cho bản thân bằng hướng nghiên cứu. Dưới sự hướng dẫn của người cố vấn, nam sinh lấy được bằng tiến sĩ.

Tuy nhiên, theo Sohu, hiện tại, không ai biết tung tích của thanh niên từng được coi là thần đồng một thời. Mỗi khi nhắc về Zhang Xinyang, nhiều người Trung Quốc bày tỏ sự tiếc nuối.

Câu chuyện của Zhang Xinyang là tấm gương nhắc nhở phụ huynh, bên cạnh việc giáo dục tài năng cho trẻ, cần quan tâm giáo dục kỹ năng sống, hướng con tới các giá trị nhân văn.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-kich-cua-than-dong-trung-quoc-duoc-menh-danh-tien-si-tuoi-16-post1109264.html