Bi kịch của người trồng lúa: Trầy trật tìm cây trồng thay thế

Nhiều địa phương đã lên kế hoạch, đặt ra mục tiêu diện tích đất lúa kém hiệu quả cần chuyển đổi. Tuy nhiên tìm cây gì trồng thay cây lúa để tăng thu nhập cho nông dân một cách bền vững, cũng không phải chuyện đơn giản.

Không phải muốn chuyển đổi là… được

Ông Bùi Văn Phước (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) kể, gia đình ông trồng lúa nhưng nửa cuối hàng năm, đất ruộng gần như bỏ không. Bản thân ông mướn 2ha đất nhưng chỉ trồng lúa trên 4.000m2. Phần còn lại ông thả sen thay lúa vì đất ngập mặn.

Trồng cây ăn quả trên đất lúa kém hiệu quả đang giúp nông dân Tây Ninh cải thiện cuộc sống. Ảnh: Vũ Nguyệt

Theo Bộ NNPTNT, vụ hè thu vừa qua, các tỉnh Nam Bộ đã chuyển đổi 35.101ha đất lúa sang trồng hoa màu và cây ăn quả, chủ yếu là cây ăn quả ngắn ngày, dài ngày... Trong đó, các tỉnh ĐBSCL có diện tích chuyển đổi đạt 32.812ha, Đông Nam Bộ đạt 2.289ha.

Theo ông Phước, dù là đất thuê nhưng thu nhập từ trồng lúa không được bao nhiêu nên chủ đất cũng chẳng buồn thu tiền cho thuê. Ngoài ra, do vùng đất này có độ cao thấp khác nhau, nhiều vùng thường xuyên bị ngập úng và xâm nhập mặn, gây khó khăn cho người dân trong việc cải tạo đất và lựa chọn cây trồng phù hợp để chuyển đổi.

Tình trạng chậm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cũng bắt gặp ở nhiều địa phương khác. Ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, đến nay, cây lúa vẫn chiếm trên 91% so với tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm, dù thu nhập từ cây lúa ngày càng bấp bênh.

Ông Nguyễn Thanh Mùi ngụ huyện Bến Lức (tỉnh Long An) canh tác trên 2ha đất lúa. Sau nhiều năm trầy trật vì giá thành tăng, giá bán lúa tụt giảm liên tục, hai năm trước, ông Mùi huy động cả gia đình cùng đầu tư sang trồng dứa. Thế nhưng, ngay mùa đầu tiên thu hoạch, giá dứa cũng tụt thê thảm. Đến tháng 7 vừa qua, giá dứa chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua, ông phải trầy trật mang ra chợ bán. Ông đang “nhắm” bỏ cây dứa, chuyển sang trồng thanh long.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện cho rằng, thói quen cũ là một trong những nguyên nhân lớn khiến việc vận động chuyển đổi gặp nhiều khó khăn. Tập quán sản xuất lúa được hình thành từ rất lâu, vẫn còn quan niệm cây lúa dễ trồng và dễ tiêu thụ hơn các cây trồng khác. Sản xuất cây rau, cây ăn trái thường có chi phí cao nhưng việc tiêu thụ khó khăn hơn do thời gian bảo quản ngắn.

“Những địa phương chưa có nhà máy chế biến hoặc chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thì nông dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn” - ông Thiện nói.

Chuyển đổi phải gắn với thị trường tiêu thụ

Còn tại Trà Vinh, từ đầu năm đến nay người dân tỉnh này đã chuyển đổi được gần 900ha. Trong đó, cây ngắn ngày hơn 600ha, cây lâu năm gần 120ha... Nhìn chung, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất sản xuất lúa còn ít, đến nay mới đạt 9,15% kế hoạch và khả năng sẽ không đạt kế hoạch đề ra.

Theo Sở NNPTNT Tiền Giang, thị trường tiêu thụ cây trồng chuyển đổi hiện đang gặp nhiều khó khăn. Một số cây trồng chuyển đổi có giá bán rất thấp như cây sả, mãng cầu xiêm, dưa hấu, ớt... nên khó vận động người dân tiếp tục chuyển đổi trong các vụ tiếp theo.

Nông dân trồng lúa gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, tuy nhiên việc chuyển đổi sang loại cây trồng khác cũng không phải chuyện dễ dàng. Ảnh: N.V

Ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NNPTNT An Giang thì cho rằng, vấn đề mấu chốt là chưa có dự báo về nhu cầu sản phẩm cây rau màu, cây ăn trái, cả về số lượng, chủng loại, giá cả và khả năng tiêu thụ. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng chưa có chính sách đủ mạnh khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân tham gia sản xuất chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa.

“Ngay cả việc đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ hỗ trợ đầu ra cho nông dân như xúc tiến thương mại, thông tin dự báo giá cả, tìm kiếm và mở rộng thị trường... vẫn còn rất hạn chế. Ngành chức năng cần sớm xây dựng kênh thông tin giá cả làm chuẩn mực cho việc chốt giá giữa nông dân và doanh nghiệp” - ông Thư đề xuất.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa lên đất trồng cây ăn quả là phù hợp, nông dân nhiệt tình ủng hộ, nhất là trong những năm gần đây tình hình xuất khẩu rau quả ngày càng tăng. Tuy nhiên việc chuyển đổi vẫn còn không ít khó khăn cả trước mắt lẫn tương lai cần phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp.

Riêng trong vụ hè thu vừa qua, có hơn 35.000ha đất lúa được chuyển đổi sang cây trồng khác. Dẫu vậy, do mùa mưa năm nay sớm hơn, lượng mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm nên việc gieo trồng cây màu gặp khó khăn, nhất là những vùng thấp khó tiêu nước. Trong quá trình chuyển đổi, chưa hình thành sự liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa lớn.

Ông Lê Thanh Tùng - đại diện Cục Trồng trọt tại phía Nam cho rằng, để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái, đảm bảo lợi ích lâu dài thì cần định hướng rõ loại cây trồng, khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

“Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng cần có dự báo sản lượng thu hoạch từng loại cây theo thời gian và vùng trồng rõ rệt, từ đó dự báo cung cầu trên cơ sở quản lý tốt vùng trồng và sản lượng một số loại cây chủ lực: cam, bưởi, sầu riêng, xoài, nhãn, chôm chôm, thanh long…” - ông Tùng đề xuất.

Nguyên Vỹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/bi-kich-cua-nguoi-trong-lua-tray-trat-tim-cay-trong-thay-the-914287.html