Bi kịch của một gia đình trẻ muốn rời bỏ vùng đất khủng hoảng Lebanon

Mohammed Sufian, 21 tuổi, không mơ ước gì nhiều: một công việc, đủ ăn, có tiền mua quà đơn giản cho cậu con trai 2 tuổi rưỡi của mình. Vì vậy, khi nghe tin có dịch vụ đưa người đi từ Tripoli, thành phố lớn thứ hai của Lebanon đến đảo Cyprus ở Địa Trung Hải gần đó, anh quyết định chớp lấy cơ hội này.

Mohammed Sufian tại nhà của mình ở Tripoli, phía Bắc Lebanon sau chuyến vượt biển kinh hoàng

Mohammed Sufian tại nhà của mình ở Tripoli, phía Bắc Lebanon sau chuyến vượt biển kinh hoàng

Vợ Mohammed Sufian khi đó đang mang thai lần thứ hai. Để trả tiền cho chuyến đi, họ đã bán đồ đạc trong nhà cùng 2 chiếc vòng của chị gái. Họ lên một chiếc thuyền đánh cá nhỏ và quả thực, chuyến đi dự kiến dài 40 tiếng đó là ký ức kinh hoàng. Họ đã mất 8 ngày lênh đênh trên biển Địa Trung Hải, tàu hết dầu và dường như mất phương hướng. Ít nhất 4 người lớn và 2 trẻ em đã chết, trong đó có con trai của Sufian. Hiện 6 người vẫn mất tích.

“Tôi đưa con trai theo không phải để tìm kiếm cuộc sống cao sang hay giàu có. Đơn giản chỉ là tôi có thể mua túi khoai tây chiên hoặc hộp nước trái cây cho bé. Điều ấy khiến tôi quyết tâm ra đi”, Sufian, 21 tuổi cho biết.

Tại Lebanon, hàng chục nghìn người đã mất việc làm trong những tháng qua. Tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 35% và nghèo đói đang tăng vọt. Đồng nội tệ đã mất 80% giá trị, làm giảm sức mua của nhiều người ở đất nước nhỏ bé 5 triệu dân này. Cuộc khủng hoảng lại càng trở nên tồi tệ hơn do đại dịch Covid-19 và vụ nổ lớn hồi tháng trước tại cảng Beirut.

Đáng buồn là, Tripoli - một trong những khu vực nghèo nhất - đã bị bỏ rơi ngay cả trước cuộc khủng hoảng. Thành phố này cũng là nơi sinh sống của hàng chục nghìn người Syria chạy trốn cuộc nội chiến nổ ra vào tháng 3-2011. Nhiều người trong số những người đi thuyền vượt biển gần đây là người tị nạn Syria.

Chiếc tàu cá chở gia đình Sufian cùng 46 người khác, chủ yếu là người Lebanon và người Syria, rời Tripoli vào ngày 7-9. Mỗi người đã trả cho kẻ buôn lậu số tiền tương đương lên tới 930 USD. Khi lên thuyền, tất cả đồ đạc của họ, bao gồm cả thức ăn và nước uống, đều bị lấy đi để giảm tải cho tàu. Họ được thông báo là đồ đạc sẽ được chở bằng thuyền khác và sẽ trả lại cho họ. Nhưng đó chỉ là lời hứa hão.

Khoảng 20 tiếng trên thuyền, con trai Sufian bắt đầu đòi nước và sữa. Cậu bé được cho uống tạm 3 chai nước biển. “Con trai tôi sau đó chết vì đói và khát. 3 ngày sau, tôi thả thi thể xuống biển vì nghĩ rằng mình có thể không bao giờ quay trở lại đất liền được nữa”, Sufian kể. Theo lời thanh niên này, một số tàu đi qua nhưng không ai giúp đỡ, có lẽ vì họ sợ cướp biển. Sau khi 6 người chết, mấy người đàn ông khỏe mạnh nhảy xuống biển, bơi đi tìm sự giúp đỡ.

Ibrahim Lisheen, một người di cư 22 tuổi, đã bơi trong nhiều giờ. Cuối cùng, anh ta đến được một tàu chiến của Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Lebanon. Thủy thủ đoàn đã giải cứu những người còn lại trên thuyền. Họ đã được điều trị và bàn giao cho chính quyền Beirut. Hai người đàn ông đã nhận tiền và đưa những người di cư lên tàu đánh cá đang lẩn trốn và các gia đình đang yêu cầu trừng phạt họ.

“Hãy nhìn cơ thể tôi, nó đã bị cá ăn thịt. Người tôi sưng tấy, răng gãy do nhiễm nước mặn và tôi đã mất rất nhiều thứ”, Lisheen, người đã tìm được tàu cứu giúp nói. Được hỏi vì sao lại ra đi, Lisheen trả lời: “Tôi làm điều đó vì nghèo đói. Tôi ra đi để nuôi gia đình, mẹ tôi”.

Sufian và người vợ, dự kiến sẽ sinh con sau 2 tháng nữa, đang sống trong những tháng ngày buồn bã. Riêng Sufian luôn tự dằn vặt rằng ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn cuối cùng đã trở thành một cơn ác mộng của gia đình anh và anh đã mất đi cậu con trai mãi mãi.

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bi-kich-cua-mot-gia-dinh-tre-muon-roi-bo-vung-dat-khung-hoang-lebanon-post445101.antd