Bi kịch của một du học sinh luôn phải dẫn đầu

Tôi là A. Tôi từng cố tự tử dù tôi biết mình không muốn chết. Nhưng tôi quá bất hạnh và bế tắc. Tôi lớn lên với ám ảnh đòn roi và với áp lực phải luôn luôn dẫn đầu lớp. Tôi đã đạt được điều đó cho đến khi sụp đổ.

Đây là câu chuyện của A., một bạn trẻ tham gia dự án “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của TS Đặng Hoàng Giang. Được sự cho phép của người kể và TS Đặng Hoàng Giang, chúng tôi chia sẻ câu chuyện này với độc giả:

Gia đình tôi chắc hẳn rất yêu thương tôi. Có điều hằn vào tuổi thơ tôi còn có những trận đòn của bố. Nhiều khi không phải vì lý do gì to tát, chỉ là cách tôi cầm bát, cầm đũa, cách tôi thưa gửi làm bố tôi không hài lòng. Bố mắng tôi là đồ vô học, vô dụng và dùng nhiều từ ngữ mà tôi không nhớ hết được. Đánh xong là bố bắt tôi phải xin lỗi. Tôi muốn nói “Xin lỗi” để mọi chuyện kết thúc, nhưng không bao giờ tôi làm được. Tôi chỉ đứng đó và khóc...

Năm lớp Năm, có những đêm không ngủ được, tôi nhìn lên trần nhà tối om và nghĩ “tại sao mình lại phải tiếp tục sống” và “ước gì mình chưa bao giờ được sinh ra”, nước mắt lăn tròn.

Những năm tháng sau đó, kinh tế gia đình tôi khá hơn, bố mẹ có điều kiện cho tôi ra Hà Nội học. Lúc này bố mẹ không còn đánh mắng tôi nữa, nhưng họ vẫn kỳ vọng rằng tôi phải đạt nhiều thành tích tốt. Áp lực đè nặng lên tôi. Có những ngày tôi chỉ ngủ hai, ba tiếng. Tất cả thời gian còn lại trong ngày là dành để học, học và học.

Tôi bắt đầu bị trầm cảm từ năm lớp 7. Từ đó cho tới lớp 12, mỗi năm đều có một vài giai đoạn mà tôi chỉ nằm trên giường và tự hỏi tại sao mình lại phải tiếp tục sống. Tuy vậy, vẫn còn những thứ níu tôi lại. Đó là sách, bạn bè trang lứa, niềm vui học hành. Sau đó thì những thứ đó không còn tác dụng nhiều với tôi nữa. Tôi không còn bất cứ niềm vui nào để tựa vào nữa.

Học xong lớp 12, tôi đi du học đúng như mong muốn của bố mẹ. Tôi học như điên với thôi thúc là cố gắng bao nhiêu cũng chưa đủ cho bố mẹ tôi hãnh diện về tôi, thừa nhận tôi không vô dụng. Nhưng bệnh trầm cảm đã làm tôi ngã quỵ. Tôi sụp đổ hoàn toàn, tôi không thể tiếp tục là người luôn dẫn đầu được nữa.

Trầm cảm và lo âu biến tôi thành một người tàn tật.Tôi buộc phải về lại Việt Nam chữa bệnh. Tôi về nhà, ngồi vào góc phòng mình và khóc. Tôi không thể ngủ được trong hàng tháng trời. Tôi không thể tin được rằng tuổi 19 của mình là một cơn ác mộng mãi không thể tỉnh giấc...

Trong một thời gian rất dài, chắc là một hay hai năm gì đó, tôi chỉ ở một mình, chỉ chịu đựng mọi thứ một mình. Tôi bắt đầu để những kì vọng trong mình tan vỡ. Tôi bắt đầu từ bỏ những mộng tưởng của mình về thành công. Tôi chấp nhận rằng mình là người bình thường. Tôi không so sánh mình với những người khác nữa, không hơn thua nữa. Tôi thực sự mừng cho những thành tựu của bạn mình. Từ lúc đó trở đi, tôi cảm thấy tự do.

Điều đó cũng làm tôi mở lòng hơn. Trước đó tôi chỉ sống trong vòng tròn của “giới tinh hoa”, tôi chỉ quan tâm ai giỏi như thế nào và làm được cái gì, tôi phải phấn đấu vượt qua họ ra sao. Nếu không có khoảng thời gian ba năm này, tôi vẫn sẽ mãi mãi cố gắng để làm người giỏi nhất- một cái mục tiêu mà chưa bao giờ làm tôi hạnh phúc. Tôi cảm tạ rằng tôi đã sớm nhận ra những điều này, để thời gian còn lại trong cuộc đời tôi có thể sống khác đi nhiều.

Bây giờ tôi vẫn còn sống chung với trầm cảm. Nhưng tôi đã đi học trở lại, đã gặp bác sĩ và nhà tâm lí học. Mỗi lần tôi đọc một bài báo về người tử tự, tôi phải chui vào một góc và ngồi khóc, vì chính tôi cũng đã từng cố tự tử. Tôi không hề muốn chết, nhưng những lúc đó tôi thấy đau khổ quá sức chịu đựng. Tôi không muốn ai trên đời phải trải qua những thứ mà tôi đã phải trải qua, hoặc ít nhất là cũng không phải trải qua một mình.

Tôi đã vượt qua những ngày đen tối nhất. Nhưng tôi biết số lượng những ngày như vậy vẫn nhiều gấp nhiều lần những ngày tốt đẹp.

HỒNG MINH ghi

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/bi-kich-cua-mot-du-hoc-sinh-luon-phai-dan-dau-802310.html