Bi kịch của bác sĩ đầu tiên được tiêm vaccine ở Philippines

Bác sĩ Jonas del Rosario mất cả cha và mẹ do Covid-19, chính anh cũng hai lần bị virus tấn công cơ thể.

Hơn hàng chục năm làm nghề y, bác sĩ người Philippines Jonas del Rosario đã thông báo cho vô số người nhà bệnh nhân về sự ra đi của người thân họ. Nhưng khi đến lượt mình, anh suy sụp khi nhận được tin cha mẹ qua đời qua màn hình video từ xa.

Virus SAR-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của cả hai người. Bản thân Rosario cũng mắc Covid-19 hai lần, theo Vice.

Đối với người dân Philippines, Rosario là gương mặt đại diện và tiếng nói của một trong những cơ sở y tế lớn nhất cả nước - Bệnh viện Đa khoa Philippines (PGH). Nam bác sĩ xuất hiện trong các cuộc họp giao ban hàng ngày hoặc trong các cuộc phỏng vấn về dịch bệnh trên tivi.

 Bác sĩ Jonas del Rosario là người đầu tiên được chọn tiêm vaccine ở Philippines.

Bác sĩ Jonas del Rosario là người đầu tiên được chọn tiêm vaccine ở Philippines.

Cuộc khủng hoảng cá nhân

Người đàn ông 55 tuổi đã trải qua 1 năm căng thẳng ở tuyến đầu chống dịch. Tình hình dịch bệnh ở Philippines vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, còn người dân mất niềm tin vào chính phủ.

Vậy nên, câu chuyện mất mát của cá nhân và kinh nghiệm lâu năm trong nghề bỗng biến nam bác sĩ thành số ít nhân vật đáng tin cậy ở đất nước hiện nay.

Một trong những thực tập sinh cũ của Rosario ca ngợi việc anh biến các khái niệm y tế phức tạp thành điều dễ hiểu cho công chúng, gọi đó là "khả năng kỳ lạ".

Ngày 17/3, Rosario tiêm thêm một liều vaccine chống Covid-19. Việc người đàn ông được chọn cho nhiệm vụ này là một hành động mang tính biểu tượng ở đất nước - nơi mà sự ngờ vực về vaccine đang phổ biến.

Tháng 4 năm ngoái, chỉ một tháng sau khi đại dịch bắt đầu lây lan ở Philippines, Rosario xét nghiệm dương tính với virus. Chóng bình phục nhưng nam bác sĩ sớm phải đối mặt với cuộc khủng hoảng của riêng mình.

Tháng 7, người cha 90 tuổi nhiễm bệnh và nhập viện tại nơi con trai làm việc. Ông bị viêm phổi nặng và khó thở. Một tuần sau đó, người mẹ 85 tuổi của anh cũng có kết quả dương tính và phải chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt vì tình trạng nguy hiểm hơn.

Nam bác sĩ mất đi cả cha và mẹ trong thời gian ngắn vì Covid-19.

Rosario vô cùng lo lắng vì biết rõ rằng cha mẹ mình nằm trong nhóm có nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, chính nam bác sĩ tái nhiễm Covid-19.

Lần này, Rosario bị viêm phổi và cần bổ sung thêm oxy. Việc thăm cha mẹ hàng ngày phải dừng lại. Cùng thời điểm đó, khả năng hai người lớn tuổi không qua khỏi càng tăng lên.

“Tôi không thể ngủ được ngay cả khi các bác sĩ nói hãy nghỉ ngơi vì tôi cũng đang bị bệnh. Làm sao tôi có thể ngủ khi mỗi lần nhìn vào màn hình video, tôi lại thấy cha mẹ nằm đó. Bố tôi nằm bất động, mẹ tôi thì đặt nội khí quản", nam bác sĩ kể lại.

Các bác sĩ liên tục nhắc nhở Rosario rằng anh cần phải chăm sóc bản thân để tăng tốc độ hồi phục. Họ nói với anh về vai trò quan trọng mà Rosario đang giữ trong công cuộc chống dịch.

Rosario nhận tin báo về cái chết của cha qua màn hình iPad khi đang ở trong một phòng khác. Người tử vong vì Covid-19 phải được đưa ngay đến nhà xác và hỏa táng trong vòng 24 giờ.

Rosario xin phép bệnh viện cho được nhìn ông lần cuối. Anh mặc đồ bảo hộ và đã không thể ngừng khóc khi ôm xác người cha vẫn còn ấm.

Hai ngày trước khi Rosario xuất viện, anh nhận được tin mẹ anh cũng đã qua đời. Lời cầu nguyện cho mẹ anh bình phục đã không thành hiện thực.

Rosario nhận thông báo cha mình qua đời khi bản thân cũng đang chống chọi với virus.

Người được chọn

Khả năng giao tiếp và bi kịch cá nhân của Rosario với dịch bệnh là lý do các nhà quản lý và quan chức ở Philippines chọn anh là người đầu tiên trong nước tiêm vaccine.

Ban đầu, Rosario lo lắng mọi người nghĩ mình không xứng đáng. Song, các đồng nghiệp đã thuyết phục anh.

"Bạn tượng trưng cho những người đi đầu chống dịch, tự mình trải qua cảm giác nhiễm bệnh và mất đi người thân yêu. Nhưng bất chấp tất cả, bạn đã chiến thắng và quay lại mạnh mẽ", Rosario nhớ lại lời động viên.

Tốc độ triển khai tiêm vaccine ở Philippines khá chậm so với các nước Đông Nam Á khác. Số lượng liều hạn chế chủ yếu được gửi đến lực lượng y tế tuyến đầu.

Rosario cảm ơn tất cả những người đi trước đã chăm sóc mình. Hai cuộc "đụng độ" với virus khi trở thành bệnh nhân đã giúp anh hiểu thêm những gì cần phải làm để chữa trị.

Làm việc ở bệnh viện hàng ngày vẫn khiến anh nhớ đến những mất mát của mình. Nhưng đó cũng là động lực cho người đàn ông.

“Công việc là cách tôi bày tỏ kính trọng đối với cha mẹ mình. Sự ra đi của họ có ý nghĩa, những người khác sẽ biết rằng virus không chừa một ai và bạn có thể chết nếu xem nhẹ chúng", nam bác sĩ nói.

Hiền Thy

Ảnh: Vice

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-kich-cua-bac-si-dau-tien-duoc-tiem-vaccine-o-philippines-post1193943.html