Bí kế, đem lợn chết ra nghĩa trang chôn

Sau khi lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi, một số địa phương ở miền Bắc đã tiến hành công bố ổ dịch mới.

Sau huyện Hoa Lư và huyện Nho Quan, TP Ninh Bình là địa phương thứ ba tại tỉnh Ninh Bình xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Anh Tú

Sau huyện Hoa Lư và huyện Nho Quan, TP Ninh Bình là địa phương thứ ba tại tỉnh Ninh Bình xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Anh Tú

Thêm nhiều địa phương xuất hiện ổ dịch

Ngày 19/4, thông tin từ UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, vừa qua chính quyền địa phương nhận được thông tin có 3/5 con lợn bị ốm, chết tại gia đình bà Nguyễn Thị Thơm (phố Trung Nhì, phường Tân Thành, TP Ninh Bình). Trọng lượng các con lợn khoảng từ 20 - 50kg, lợn ốm với các biểu hiện: Sốt cao, bỏ ăn, đi ngoài ra máu.

Ngay lập tức lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đồng thời lấy mẫu của 3/5 con lợn bị ốm, chết để xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi và tiến hành tiêu hủy lợn cả đàn lợn để khống chế ổ dịch. UBND phường Tân Thành cũng cắt cử lực lượng túc trực tại hiện trường để theo dõi, giám sát tránh để xảy ra tình trạng bán chạy lợn ốm, chết, đồng thời để cánh báo, hạn chế người và phương tiện ra vào hộ có lợn ốm, chết.

Đến ngày 18/4, sau khi nhận được phiếu trả lời kết quả xét nghiệm 3/3 mẫu dương tính với dịch bệnh, TP Ninh Bình đã ban hành quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi. Để khống chế không cho dịch bệnh lây lan sang các khu vực khác, UBND thành phố đã cấp phát ngay 400 lít hóa chất cho phường Tân Thành để thực hiện yêu cầu chống dịch trên địa bàn. Bên cạnh đó thành lập 3 chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn không cho vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch; yêu cầu tạm ngừng việc buôn bán thịt lợn tại chợ Trung Nhì. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Ninh Bình đã phát hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Hoa Lư, huyện Nho Quan và mới đây là TP Ninh Bình.

Cùng ngày, thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) cho biết, trên địa bàn huyện vừa phát hiện một ổ dịch tả lợn châu Phi tại bản Quỳnh 2 (xã Châu Bình). Theo đó, ngày 15/4, tại hộ nuôi lợn của gia đình ông Tô Duy Tòng phát hiện một con lợn thịt bị chết với dấu hiệu bất thường nên đã thông báo chính quyền địa phương.

Sau khi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho thấy đàn lợn (gồm một lợn mẹ và 9 con lợn con) dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Ngay trong đêm 17/4, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tiêu hủy toàn bộ tổng đàn bằng biện pháp chôn theo quy định, tiến hành khử trùng tiêu độc, lập chốt kiểm soát khống chế khu vực xuất hiện dịch. Được biết, huyện Quỳ Châu là địa phương thứ 6 của tỉnh Nghệ An xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Tại tỉnh Hà Nam, sau gần 2 tháng xuất hiện, đến nay dịch bệnh đã lan ra 28 xã của 6/6 huyện, thành phố trong tỉnh với 5.319 con lợn của 390 hộ phải tiêu hủy. Hiện nay, chính quyền địa phương phát hiện thêm 9 xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Hà Nam đã sử dụng hơn 6.300 lít hóa chất và hơn 140.000kg vôi bột để tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường vùng dịch; đồng thời, duy trì liên tục các chốt kiểm soát để ngăn chặn vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra - vào vùng có dịch.

Thiếu chỗ tiêu hủy

Tại một số địa phương, do lực lượng thú y mỏng gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Hà Hoàng

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, trên địa bàn huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã có 23 xã bị dịch tả lợn châu Phi tấn công. Thời điểm phát hiện dịch kể từ ngày 27/2 đến nay, toàn bộ huyện đã phải tiêu hủy gần 545 tấn lợn. Tại xã Khởi Nghĩa, do số lượng lợn dịch chết quá lớn trong khi chỗ chôn không còn, xã đã đem ra nghĩa trang thôn để chôn.

Ông Phạm Văn Cánh - Chủ tịch UBND xã Khởi Nghĩa (huyện Tiên Lãng) cho biết: “Chiều 14/4, Ban chỉ đạo phòng dịch của xã Khởi Nghĩa đã tiêu hủy một con lợn nặng 2 tạ của hộ bà Ngô Thị Tiến tại nghĩa trang thôn An Tử gần mộ của người dân. Do người dân phản đối kịch liệt nên chúng tôi phải đào lên đem ra bãi rác tập trung của xã chôn lại. Qua đây, xã đã rút kinh nghiệm, đưa tất cả lợn dịch trong xã đem ra bãi rác tập trung xử lý chôn lấp đúng quy trình”.

Cùng chung tình cảnh thiếu chỗ chôn lấp lợn dịch, tại xã Quang Phục (huyện Tiên Lãng) đã đem khoảng 20 tấn lợn chết do dịch tả lợn châu Phi chôn tại nghĩa trang nhân dân. Trước sự việc trên, nhiều gia đình có phần mộ nằm sát điểm chôn lợn dịch đã kịch liệt phản đối, đề nghị chính quyền khẩn trương bốc lên đưa đi nơi khác chôn.

“Lợn chết nhiều, khu bãi rác thì xa nếu vận chuyển lâu quá chúng tôi sợ phát tán dịch sang các hộ khác lên phải đem ra nghĩa địa chôn. Không thể chôn đâu được”, ông Phạm Văn Suốt, Chủ tịch UBND xã Quang Phục phân trần.

Còn tại xã Nhân Thắng (huyện Gia Bình, Bắc Ninh), hiện số lượng lợn ở thôn bị chết do dịch tả lợn châu Phi tăng chóng mặt. Tuy nhiên, lực lượng thú y rất ít, xử lý không xuể nên dẫn đến tình trạng có nơi xảy ra lợn chết rồi vẫn chưa được đưa đi tiêu hủy kịp thời. Ông Bùi Thế Quế, Trưởng thôn Hương Triện (xã Nhân Thắng) cho hay: “Thời điểm này lợn dịch ở thôn đang chết nhiều nên các cán bộ thú y xã, huyện phải làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm cũng không xuể. Do lực lượng mỏng, số lượng lợn chết nhiều nên việc xử lý không xuể, có hộ báo lợn chết từ ngày hôm trước nhưng sang đến hôm sau mới có người đến đưa đi tiêu hủy”.

Điển hình như hộ của gia đình ông Vũ Đình Bạch nuôi hơn 10 con lợn, trong đó có một con bị phát hiện ốm chết từ đêm hôm trước (đêm 17/4) và vợ chồng ông Bạch đã nhiều lần gọi điện báo lên xã nhưng mãi đến gần trưa ngày hôm sau (18/4) mới có cán bộ thú y đến kiểm tra. Ông Bạch nói: “Tôi gọi điện nhiều lần nhưng cán bộ thú y xã bảo gia đình phải tự kéo điện chích chết hết các con còn lại mới được đem đi tiêu hủy khiến chúng tôi rất bức xúc. Của đau, con xót, vợ chồng tôi không xuống tay được nên đành phải nhờ hàng xóm sang xử lý giúp, song mãi chiều cùng ngày thú y mới sắp xếp xuống đưa đi tiêu hủy được”.

Đã tiêu hủy hơn 85.000 con lợn

Sau hơn 2 tháng dịch tả lợn châu Phi thâm nhập vào Việt Nam, đến thời điểm này các cơ quan chức năng đã thực hiện tiêu hủy hơn 85.000 con lợn. Liền một lúc người chăn nuôi phải chịu tác động kép, một mặt, dịch càn quét sạch đàn lợn khiến họ trắng tay, mặt khác tâm lý e ngại của người tiêu dùng khiến giá thịt lợn giảm sâu, ảnh hưởng tới thu nhập của người chăn nuôi.

Về nguyên nhân khiến dịch tả lợn bùng phát, lực lượng chức năng cho rằng chủ yếu là do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch, vì lợi ích trước mắt nên đã có hiện tượng bán chạy lợn ốm, lợn chết, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh. Hay việc chăn nuôi tận dụng trong gia đình, điều kiện chuồng trại không đảm bảo cũng là nguyên nhân gây bệnh. Một số nơi lại sử dụng nước ao hồ tắm, rửa chuồng trại, không quản lý người và các thiết bị ra vào trại khiến dịch có cơ hội thâm nhập… Đây là điều hoàn toàn có thể tránh được nếu người chăn nuôi có đủ kiến thức phòng tránh dịch.

Nhóm phóng viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bi-ke-dem-lon-chet-ra-nghia-trang-chon-20190419195642482.htm