Bị hậu sản vì cố làm bà đẻ thời @

Sinh con vào mùa lạnh khó chăm sóc cho cả mẹ và bé hơn mùa nóng. Chị Vân không những chủ quan không tự chăm sóc mình mà còn nhất quyết không để người khác chăm sóc cho mình. Chị cho rằng các cụ ngày xưa 'thiếu khoa học' và cố chứng minh ngược lại rằng: Không kiêng cũng chẳng sao. Và hậu quả chị gặp phải là một điều đáng tiếc…

Không thể kể xiết vợ chồng chị Vân, anh Toàn vui mừng thế nào khi đón đứa con đầu lòng ra đời. Thế nhưng ngay từ lúc ở trong bệnh viện, chưa dứt cơn đau sau khi sinh con, cả mẹ đẻ và mẹ chồng đã thay nhau liệt kê một danh sách những điều kiêng kỵ trong thời gian ở cữ khiến chị Vân nhăn nhó khó chịu: “Thời nào rồi mà còn kiêng lắm thứ thiếu khoa học thế”.

Mẹ đẻ thì dặn chị: “Con sinh vào mùa đông, phải hết sức cẩn thận không là bị hậu sản, mắc chứng hàn tà sau khi sinh là khổ lắm đấy. Đội cái mũ len vào, che kín cả cái tai đi không lạnh đầu. Đã bảo mặc cái áo len vào bên trong, sao cứ phong phanh thế kia, nhiễm lạnh thì chết…”.Chị Vân ậm ừ rồi cũng chẳng chịu nghe lời, cứ nằm trong chăn dậy là cho con bú, không mũ đội đầu, cũng chỉ mặc mỗi cái áo thun cho dễ “vạch ra”.

Bị hậu sản vì cố làm bà đẻ thời @ (ảnh minh họa)

Mẹ chồng thì dặn chị Vân là chân phải luôn đi tất, bước xuống giường là phải đi dép, khoác áo ấm, không được dùng nước lạnh để đánh răng, rửa mặt, tắm. Chị Vân nghĩ bụng: “Mấy thứ đó ai chả biết”. Có hôm vào đánh răng, chưa kịp bật bình nóng lạnh chị cứ thế dùng nước lạnh cho nhanh mặc dù mẹ chồng luôn chuẩn bị một phích nước nóng để trong phòng. Thỉnh thoảng chị Vân còn ăn mặc phong phanh đi lại trong hành lang bệnh viện, nếu bị mẹ chồng nhắc thì chị bảo người chị đang rực sữa, nóng còn không chịu được nữa lại còn lo lạnh.

Là người phụ nữ hiện đại, chị Vân quyết tâm làm theo phong cách hiện đại, không màng gì đến việc kiêng khem. Bà ngoại thì chăm sóc được vài hôm cũng phải “rút quân” để nhường bà nội toàn quyền trực chiến. Mặc mẹ chồng nhắc nhở về việc giữ ấm, không dùng nước lạnh, ăn uống đồ tanh, đồ lạnh ra, chị Vân vẫn thản nhiên phong phanh đi lại trong nhà, ra ngõ và lúc cho con bú xong chị hay khát nước, cứ lục tủ lạnh lấy đá ra pha nước uống.

Chẳng ngờ bà vừa bỏ về quê được hai tháng thì bị anh Toàn gọi lên vì lý do: thằng cu bị đi ngoài, con dâu thì bị đau đầu, chóng mặt, nhờ bà lên giúp sức. Đã thế cũng vì không kiêng gió, kiêng lạnh nên dạo này chị Vân hay bị ù tai, chóng mặt, đau đầu, chuột rút và cơ thể bị suy nhược do phải thức đêm hôm chăm sóc con, lo lắng quá sức khi thằng cu bị ốm.

Sau khi trực chiến để chăm sóc cả con dâu và cháu nội một tuần, thằng cu khỏi hẳn bệnh đi ngoài do uống thuốc theo đơn của bác sỹ và bắt chị Vân phải ăn uống đúng cách. Chị Vân cũng dần dần hồi phục sức khỏe, tuy nhiên nhiều lúc chị vẫn hay bị đau đầu, đau mỏi các khớp. Lúc này chị Vân mới thấm thía cái quan điểm bảo thủ theo phong cách hiện đại của mình.

Việc em bé chào đời là một biến động lớn về cả thể chất lẫn tâm lý đối với người mẹ. Nên trong giai đoạn này, phụ nữ cần được chăm sóc đặc biệt, nhất là đối với những sản phụ sinh con vào mùa lạnh, việc chăm sóc lại càng phải cẩn thận hơn nếu không rất dễ mắc một số bệnh lý được gọi là bệnh hậu sản. Theo dân gian, người ta coi hậu sản là thời kì 3 tháng sau khi sinh còn y học hiện đại quan niệm hậu sản là giai đoạn 6 tuần (42 ngày) kể từ ngày sinh.

Như vậy bất kì phụ nữ nào sau khi sinh cũng bước vào thời kì hậu sản. Phụ nữ đẻ xong thuộc thể hàn và đa phần bị tổn thương mạch xung, mạch nhâm, tổn thương khí huyết, tân dịch, lỗ chân lông giãn ra, người rất yếu và mệt mỏi. Khi nhiễm phải hàn tà, lao động quá sức, sinh hoạt, ăn uống không đúng cách... Tình trạng này càng nặng thêm, dẫn đến hàn tà nhập biểu, nhập lý, khí hư, huyết ứ, huyết nhiệt, …gọi chung là sản hậu. Các chứng bệnh này thường mắc trong thời gian ở cữ của sản phụ, khoảng 90-100 ngày sau sinh.

Phụ nữ sau sinh thuộc chứng hàn, thường lỗ chân lông giãn ra, hàn tà rất dễ xâm nhập vào cơ thể do sinh hoạt và ăn uống không đúng cách.

B.A

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/bi-hau-san-vi-co-lam-ba-de-thoi-d72901.html