Bi hài văn hóa pháp đình - Bài 6: Đại náo công đường

Văn hóa pháp đình “rối” không chỉ từ cách hành xử của những người “cầm cân nảy mực” như chúng tôi đã nêu ở các kỳ trước. Tại nhiều phiên tòa, do không đồng ý với kết quả xét xử, nhiều đương sự đã táo tợn gây náo loạn, chửi bới, nhục mạ, bao vây, thậm chí hành hung cả hội đồng xét xử (HĐXX).

Nhục mạ thẩm phán Ngày 23.8.2007, TAND huyện Tuy Phước (Bình Định) xử vụ kiện đòi lại tài sản, nguyên đơn là bà P.T.N.X (71 tuổi) cùng chồng là N.V.L (72 tuổi) đều ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng (Tuy Phước), khởi kiện đòi HTX nông nghiệp 2 Phước Thắng phải trả lại cho vợ chồng bà 554,9 kg lúa xét giảm thủy lợi phí và 1 cái tủ đứng bằng gỗ hương. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Văn Thông. Sau khi xem xét các chứng cứ và thẩm vấn các bên nguyên đơn, bị đơn, đến 16 giờ tòa tuyên bác đơn yêu cầu đòi tài sản của vợ chồng bà X. Không bằng lòng với bản án, thay vì tiếp tục kháng cáo lên tòa cấp trên, thì vợ chồng bà X. lại bước ra đứng giữa sân của tòa án la lối, chửi bới thẩm phán Thông và HĐXX. Khoảng 30 phút sau, ông Thông bước ra lan can lầu 1 của tòa án nhìn xuống, thấy vậy, vợ chồng bà X. chạy lên, yêu cầu trả lại hồ sơ vụ kiện. Ông Thông trả lời: “Hồ sơ không thể lấy lại được”. Bà X. liền nhào vào “nằm vạ”. Còn ông L. hùng hổ đi lại kích động vợ, hùa theo chửi cán bộ tòa án. Đến 19 giờ cùng ngày, cơ quan chức năng đến lập biên bản, bà X. mới chịu buông ra và thôi la hét, chửi bới. Mọi hoạt động của TAND huyện lúc đó bị đình trệ. Thẩm phán bị đánh, chủ tọa phiên tòa chạy trốn Nhưng phản ứng ông bà L., X. trên đây xem ra vẫn còn là “nhẹ” so với các trường hợp dưới đây. Ngày 10.7.2008, TAND huyện Tuy Phước (Bình Định) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xin ly hôn giữa nguyên đơn là ông T.V.T (49 tuổi) và bị đơn là bà T.T.X.P (46 tuổi, cùng ở huyện Tuy Phước). Trong quá trình xét xử không có diễn biến gì căng thẳng nhưng đến khi HĐXX tuyên án thì bất ngờ bà P. cùng người nhà của bà đã lao lên đạp đổ bàn ghế, dùng lời lẽ nhục mạ HĐXX và rượt đánh tới tấp chủ tọa Võ Duy Minh khiến ông này ngất xỉu, phải nhập viện cấp cứu. Không dừng lại ở đó, nhóm người "bênh" bà P. còn giật hồ sơ vụ án, xé nát các tài liệu ném vào chân cầu thang. Vụ khác ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ (Bình Định), ông V.T.S đã cầm 2 con dao đến nhà trọ của bà L.T.T ở thị trấn Phù Mỹ để tìm đánh bà này. Ông S. dùng dao chặt vào cốp sau của xe ô tô đậu trong nhà, dùng chân đạp bể đèn xi-nhan trái phía sau xe, tổng giá trị tài sản mà ông S. gây thiệt hại là gần 15 triệu đồng. TAND huyện Phù Mỹ đưa vụ án này ra xét xử. Khi luận tội, đại diện Viện Kiểm sát huyện đề nghị tòa phạt ông S. từ 12 đến 18 tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Không đồng ý với quan điểm này, chủ tọa phiên tòa đã tuyên bị cáo vô tội. Không bằng lòng trước án đã tuyên, vợ chồng bị hại liền xông lên bàn HĐXX chửi bới với nhiều lời lẽ thiếu văn hóa nhưng lực lượng hỗ trợ tư pháp kịp thời can thiệp. Chưa dừng lại ở đó, sau khi ra đến sân tòa, vợ chồng bị hại tiếp tục chửi bới, rượt đuổi vị chủ tọa làm náo loạn trụ sở tòa án huyện. Trước sự rượt đuổi quyết liệt của vợ chồng bị hại, vị chủ tọa phiên tòa đã phải chạy vào phòng xét xử đóng kín cửa sắt lại, đợi đến khi trật tự được vãn hồi mới dám bước ra. Mới đây, ngày 13.9.2010, TAND huyện Phú Thiện (Gia Lai) mở phiên tòa lưu động tại thị trấn Phú Thiện, xét xử N.P (34 tuổi, trú tại thị trấn Phú Thiện) tội cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, cưỡng đoạt tài sản. Khi tòa tuyên án 9 năm 3 tháng tù giam đối với bị cáo P., vợ P. và những người trong gia đình đã lớn tiếng phản đối, chửi rủa, cho rằng... tòa xử trái luật. Sau đó, tình hình tại khuôn viên UBND thị trấn Phú Thiện (nơi tòa xét xử lưu động) và khu vực xung quanh càng trở nên phức tạp. Hàng trăm người dân hiếu kỳ tập trung, có nhiều người hùa theo la ó gây mất trật tự. Phải đến hơn 3 giờ chiều, đám đông mới chịu giải tán sau khi có sự vãn hồi trật tự của lực lượng chức năng. Còn HĐXX phải nhờ đến sự hỗ trợ của lực lượng công an mới ra về an toàn. Một thẩm phán có thâm niên cho biết, nhiều vụ án tranh chấp căng thẳng, tưởng chừng như các đương sự chỉ muốn xông vào nhau tại tòa, khiến chủ tọa và HĐXX phải “gồng mình” để làm dịu sự nóng giận giữa hai bên, giữ không khí trang nghiêm của chốn công đường. Bên cạnh đó, có nhiều vụ khi tuyên án xong, HĐXX phải vội vàng ôm cặp đi như chạy ra khỏi phòng xử để khỏi phải nghe những lời tức giận la ó, chửi bới của các bên. Một thẩm phán khác chuyên xử các vụ dân sự thì tâm sự, hầu hết phòng xử án dân sự đều rất nhỏ, có phòng chỉ gần 20m2, nên khoảng cách giữa HĐXX và các đương sự có khi chỉ hơn 1 mét. Nếu trong lúc thẩm vấn hoặc tuyên án mà đương sự bất ngờ manh động, thì HĐXX khó mà tránh được. Nhóm PV CT-XH

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201042/20101016005307.aspx