Bi hài những NGÀY ĐẦU CON ĐI NHÀ TRẺ, cả cô và mẹ đều phải 'đau đầu' ứng phó

Những ngày đầu tiên con tới lớp, mẹ nào cũng lo lắng đứng ngồi không yên. Có rất nhiều chuyện 'cười ra nước mắt' đã xảy ra trong những ngày đầu tiên ấy.

Con ngoan bỗng trở thành “mít ướt”

Sau những khoảnh khắc đáng yêu của trẻ tại lễ khai giảng năm học mới, chủ đề khiến các bà mẹ có con nhỏ đau đầu là làm sao để con thích nghi với nhịp sinh hoạt mới. Với những bà mẹ có con lần đầu tới trường mầm non, vấn đề này càng trở nên nan giải.

Kể về những ngày đầu con gái 2 tuổi đi học nhà trẻ, chị Minh Hiền, một viên chức nhà nước tại Hà Nội thở dài ngao ngán.

Bình thường ở nhà, con gái chị Hiền rất ngoan, chịu ăn chịu chơi. Chị Hiền tính toán khi con được gần 2 tuổi là “lên chức chị”. Lúc này, con đi nhà trẻ, chị có thể rảnh tay chăm sóc đứa thứ hai.

Vậy mà mọi thứ đều vượt ra khỏi tính toán của chị. Con gái đi học thay đổi môi trường, cô lạ, bạn lạ. Hôm đầu tiên con bé hào hứng lắm vì mọi thứ đều lạ lẫm. Đến hôm thứ hai, hôm thứ ba “biết mùi” đi học là thế nào, chỉ cần bà ngoại bế đến cổng trường là con bé gào khóc lạc giọng.

Rèn luyện cho trẻ nếp ăn, ngủ là công việc vất vả, đặc biệt là với những trẻ lần đầu đi học.

Rèn luyện cho trẻ nếp ăn, ngủ là công việc vất vả, đặc biệt là với những trẻ lần đầu đi học.

Thương con lắm nhưng chị Hiền không biết phải làm thế nào, đến tuổi vẫn phải đi học thôi. Nhưng việc khiến chị đau đầu, căng thẳng nhất là con gái đang ngoan bỗng thay đổi tính nết toàn tập. Hơi tí là con bé “ngoạc mồm ra khóc”, thậm chí con có thể khóc không cần lý do.

“Đêm đến, con ngủ hay bị giật mình. Ban ngày thì con khóc lóc. Mắt lúc nào cũng ướt nhèm vì khóc. Cả nhà đã chuẩn bị tinh thần rồi mà vẫn căng thẳng kinh khủng vì sự thay đổi của con trong những ngày đầu đi nhà trẻ”, chị Hiền bộc bạch.

Cô giáo cũng “đau đầu” không kém phụ huynh

Ngày đầu tiên đưa con trai 2 tuổi tới lớp, chị Thanh Hà (Hà Nội) cảm thấy “run như mình đang đi học”. Bà ngoại sốt ruột, thỉnh thoảng lại chạy qua trường “nghe ngóng xem có tiếng khóc của cháu mình không”. Còn chị thì cả ngày chẳng làm việc gì ra hồn vì lo không biết ở lớp con có thích nghi với nhịp ăn ngủ ở lớp không?

Ngày đầu trôi qua yên bình, con đi học về ngoan hơn, hết hẳn tật “dỗi là lăn đùng ra”, cả nhà đều mừng rơn. Vậy mà sang ngày thứ hai, mọi thứ bắt đầu đảo lộn. Con bắt đầu không hợp tác với cô giáo, ăn vạ, lăn ra sàn chống đối khi đến giờ ăn trưa. Đến tối, con hay khóc nhè và rất dễ nổi nóng, thay đổi tính nết hoàn toàn.

“Điều kinh khủng nhất là con đi lớp được 4 ngày thì ốm, sốt tận 3 tuần. Thay đổi môi trường nên xác định phải mất một năm để con thích nghi với việc đi lớp và nâng cao sức đề kháng”, chị Thanh Hà chia sẻ.

Sau lễ khai giảng, cả cô và trò đều cùng nhau thích nghi với nhịp sinh hoạt mới. Sẽ có rất nhiều mối bỡ ngỡ, vất vả, vì thế cần có sự hợp tác của phụ huỵnh với các cô giáo mầm non.

Cứ tưởng chỉ có phụ huynh căng thẳng chuyện con mới đi học, hóa ra trong buổi họp phụ huynh đầu năm, khi nghe cô giáo kể những câu chuyện chăm sóc trẻ lần đầu đi học, chị Thanh Hà mới vỡ lẽ hóa ra cô cũng “đau đầu” không kém phụ huynh.

“Cô giáo kể chuyện khiến phụ huynh nào cũng cười lăn cười bò. Lớp có ba cô, các cô dạy các con hát thì chỉ có ba cô tự hát với nhau, còn các cháu chỉ biết tròn mắt nhìn. Giờ đọc thơ, cô đang đọc thơ thì trẻ đứng phắt dậy, đi lang thang khắp lớp. Có cháu thì ngồi…quay lưng lại với cô giáo, ê a đủ thứ.

Đến giờ ăn trưa, cô cũng phải căng mình xoay xở cho 30 đứa trẻ ăn cùng một lúc. Hiếm cháu tự xúc ăn, hầu hết đều phải nhờ cô xúc, chưa kể có cháu ăn gần xong bỗng nôn trớ khiến cô phải dọn dẹp bở hơi tai.

Để luyện nếp ăn, ngủ, đi vệ sinh cho các con những ngày đầu năm, cô giáo gần như bị “giam lỏng” trong lớp từ 7h30 sáng tới hơn 5h chiều, không thể rời các con nửa bước. Nghe cô giáo kể mới thấy lắm chuyện bi hài khi trẻ lần đầu tiên tới trường và hiểu hơn nỗi vất vả của các cô giáo mầm non”, chị Hà nói.

Thu Hà

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/bi-hai-nhung-ngay-dau-con-di-nha-tre-ca-co-va-me-deu-phai-dau-dau-ung-pho-20180914100925491.htm